Thursday, December 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHậu họa của việc cưỡng chế đẻ ít của TQ

Hậu họa của việc cưỡng chế đẻ ít của TQ

Các nước phương Tây giàu có cũng phải đối mặt với sự suy giảm tỷ lệ sinh, nhưng không có quốc gia nào dùng biện pháp cưỡng chế tàn bạo như Trung Quốc, dẫn đến hậu quả nhân đạo, hậu quả tâm lý cực kỳ nghiêm trọng trong xã hội. Đứng về phương diện Nhân – Quả, ĐCSTQ đã tạo nghiệp cực lớn và đang phải trả giá bằng sinh mệnh của chính nó.

Tâm lý tuyệt vọng của người Trung Quốc hiện nay.

Quốc gia nào có dân số đông nhất thế giới? Câu trả lời thật quá đơn giản với đa phần nhân loại: đó chính là Trung Quốc.

Trong tương lai không xa, quốc gia nào sẽ có dân số đông nhất thế giới? Đây lại không phải một vấn đề đơn giản. Vì những dấu hiệu đáng ngờ trong công bố số liệu dân số Trung Quốc, người ta tin rằng con số này đang trên đà suy giảm.

Sự nghi ngờ bắt đầu kể từ khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) liên tục trì hoãn việc công bố các số liệu cho cuộc điều tra dân số lần thứ 7 vào năm 2020. Đến nay, sự thật đang dần dần hé lộ.

Theo số liệu công bố của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, năm 2021 Trung Quốc có 10,62 triệu ca sinh và 10,14 triệu người qua đời, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 0,034% – mức suy giảm lớn nhất trong 57 năm. Nếu so sánh với số người Trung Quốc được sinh ra năm 2020 là 12 triệu, năm 2019 là 14,65 triệu… thì tỷ lệ sinh này đang suy giảm nghiêm trọng, thậm chí Trung Quốc đang bước vào kỷ nguyên “tăng trưởng dân số âm” như lời của các chuyên gia dân số của nước này. Ông Trịnh Bỉnh Văn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An sinh Xã hội Thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết rằng năm 2022, dân số Trung Quốc có thể tăng trưởng âm, sớm hơn 10 năm so với dự báo của Liên Hợp Quốc. Trước đó ông cũng cho biết rằng, vào năm 2021, dân số 65 tuổi của Trung Quốc chiếm hơn 14%, có nghĩa là Trung Quốc đã chính thức bước vào giai đoạn dân số già hóa trong năm 2022.

Nói theo kiểu của các chuyên gia kinh tế: Trung Quốc chưa giàu mà đã già.

Sự sụt giảm dân số trẻ này đe dọa gì đến tương lai Trung Quốc?

Thứ nhất, đây sẽ không còn là một thị trường hấp dẫn như đã từng, với số dân đông, sức tiêu thụ mạnh.

Thứ nhì, đây sẽ không còn là một địa điểm lý tưởng để các hãng xưởng lớn của thế giới đầu tư sản xuất, vì muốn sản xuất thì phải có nhân công trẻ và giá thuê rẻ – mà nay không còn là lợi thế của Trung Quốc.

Thứ ba, chi phí chăm sóc y tế cho người già sẽ trở thành một gánh nặng cho nền kinh tế.

Đương nhiên các vấn đề xã hội không chỉ dừng lại ở đó.

Từ năm 2016, chính quyền ĐCSTQ đã từ bỏ chính sách kế hoạch hóa dân số, trong đó quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh một con, sau đó lại vận động các gia đình trẻ sinh thêm con thứ 3, thứ 4 v.v. nhưng người trẻ Trung Quốc đang thờ ơ với việc lập gia đình và nhất là sinh nhiều con. Thành thử, thủ đoạn của chính quyền Trung Quốc xem ra là vô ích. Có vẻ như người dân Hoa lục quá lo lắng cho tương lai bất ổn, nhục nhã với thân phận làm “máy đẻ” theo hiệu lệnh và cực kỳ chán ghét những cuộc vận động kế hoạch hóa gia đình thô bạo, vô luân, dối trá, coi rẻ nhân quyền… đến mức không thèm đếm xỉa những lời đường mật của nhà nước.

Trải nghiệm nào đối với chính sách dân số của Trung Nam Hải đã khiến người Trung Quốc thờ ơ đến thế?

Chính sách kế hoạch hóa dân số: từ “sáng đúng…”

Năm 1956, báo cáo chính trị trong Đại hội lần thứ 8 của ĐCSTQ đã nêu ra chủ trương hạn chế sinh sản, đây chính là sự mở rộng trực tiếp của thể chế “kinh tế kế hoạch” của ĐCSTQ. Theo tư duy vô Thần và Thuyết tiến hóa của ĐCSTQ thì cái gì mà không là sản xuất? Trồng lúa, luyện thép, dệt vải v.v. là sản xuất thì chẳng nhẽ sinh con lại không là sản xuất? Dù sao theo thuyết tiến hóa thì con người cũng chỉ là tập hợp các đám protein mà thôi, nên sản xuất ra người và sản xuất ra thịt, ra lúa gạo, ra thép, ra vải… là như nhau. Mà các phương diện sản xuất kia đều phải đưa vào kế hoạch kinh tế để quản, thì sinh đẻ cũng phải đưa vào kế hoạch để quản. Tư duy này thể hiện rõ trong Hội nghị Quốc vụ tối cao vào ngày 27 tháng 2 năm 1957, khi Mao Trạch Đông nói: “Với vấn đề sản xuất trong nhà máy, sản xuất vải, sản xuất bàn ghế, sản xuất gang thép, đều có kế hoạch, còn đối với việc sinh sản của bản thân nhân loại thì lại không có kế hoạch, đó chính là chủ nghĩa vô chính phủ. Nhân loại phải khống chế bản thân mình, phải đạt được việc tăng trưởng có kế hoạch, đôi khi còn có thể khiến nó có thể gia tăng thêm một chút, đôi khi có thể dừng lại một chút.”

… đến “chiều sai”

Sau thất bại của cuộc “Đại Nhảy vọt” năm 1957, Mao và ĐCSTQ đã thay đổi cách nhìn, và “nhiều người là việc tốt” đã trở thành tư tưởng chủ đạo. “Nhiều người sức mạnh lớn”, “Con người không chỉ có một cái miệng, mà còn có một đôi tay, có thể sáng tạo ra thế giới”, cổ vũ phụ nữ Trung Quốc sinh càng nhiều càng vẻ vang và ban tặng danh hiệu “bà mẹ vinh quang” cho người phụ nữ có 10 con trở lên.

Lúc đó Mã Dần Sơ, hiệu trưởng trường đại học Bắc Kinh có “tân nhân khẩu luận”, trong đó ông ta kiến nghị hạn chế sinh đẻ, khống chế dân số, nhà nước sử dụng các biện pháp hành chính càng nghiêm ngặt càng hữu hiệu… nhưng lúc này lý thuyết ấy đã lỗi nhịp với chủ trương mới của Đảng, nên bị coi là “Luận điệu hoang đường của giai cấp tư sản” và “công kích điên cuồng của cánh hữu”, đã bị “vạch trần, phê phán triệt để”. Mã Dần Sơ bị chụp cho cái mũ là chủ nghĩa Malthus; phủ nhận tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa; thiếu tình cảm với 600 triệu dân…

Kết quả là dân số của Trung Quốc những năm 60, 70 tăng trưởng chóng mặt. Rồi một lần nữa, ĐCSTQ lại đổi giọng, ca tụng chính những gì nó đã từng phỉ nhổ, nhưng lần nào cũng là nó tuyệt đối đúng đắn, vẫn là “vĩ đại, quang vinh, chính xác”.

Nhân mạng và đời sống riêng tư của người dân lại bị đem ra làm vật thí nghiệm cho trò chơi khăm chính trị.

… đến “ngày mai lại đúng”, vòng tuần hoàn của cực đoan cưỡng chế và thảm kịch nhân đạo

Đến ngày 6 tháng 3 năm 1981, ĐCSTQ thành lập Ủy ban Kế hoạch sinh sản, yêu cầu cưỡng chế sinh ít con, “kế hoạch sinh sản” dần trở thành “quốc sách” cơ bản của Trung Cộng.

“Kế hoạch sinh sản” của Trung Quốc và “kế hoạch hóa gia đình” của ngoại giới có sự khác biệt về bản chất. “Kế hoạch hóa gia đình” thông thường được chính phủ hỗ trợ, phục vụ và tư vấn những vấn đề liên quan, do nhân dân tự nguyện tiến hành. Còn “kế hoạch sinh sản” của ĐCSTQ là nghĩa vụ công dân được hiến pháp quy định, đề xướng (rất nhiều là cưỡng chế) kết hôn muộn sinh con muộn, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh một con (trừ dân tộc thiểu số), phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ phải được lãnh đạo cấp chỉ tiêu mới được phép có thai.

“Kế hoạch sinh sản” được bảo hộ thực thi bằng phương pháp cưỡng chế cực đoan. Theo lý thuyết, khi bào thai chưa ra đời, hoặc trong tình trạng thai nhi còn nhỏ và việc phá thai khả thi, thì “nhân viên chấp pháp” của Ủy ban Kế hoạch hóa cưỡng chế người mang thai ngoài kế hoạch tới bệnh viện phá thai. Nếu như thai nhi sau khi sinh mới bị phát hiện thì Ủy ban Kế hoạch sinh sản sẽ phạt nặng với gia đình đó “theo pháp luật”.

Thực tế thì nhiều đứa trẻ về cơ bản đã đủ tháng hoặc đầy tháng mà không có thẻ cho phép sinh thì không cho phép sống sót chào đời. Dù đã sinh ra, thì bác sĩ y tá cũng phải giết chết đứa bé sơ sinh vô tội ngay khi vẫn còn sống. Đặc biệt là những đối tượng nông dân “sinh vượt mức” bị ĐCSTQ trị thẳng tay. Theo ước tính, từ khi “kế hoạch sinh sản” bắt đầu, ít nhất đã có 40 triệu thai nhi hoặc trẻ sơ sinh bị chính quyền giết chết.

Lại một lần nữa tinh thần “đấu Trời, đấu Đất, đấu người” của ĐCSTQ bừng bừng sát khí như những năm Đại Cách mạng Văn hóa, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Điều này thể hiện qua các khẩu hiệu, biểu ngữ, như là: “Thà nát nhà, cũng không để vong quốc”, “uống thuốc trừ sâu tự sát sẽ không cản, treo cổ thì đưa dây thừng”, “một người sinh đẻ vượt mức, toàn thôn phải triệt sản”, “một thai sinh, hai thai triệt sản, ba thai bốn thai nạo! nạo! nạo!, một thai đeo vòng, hai thai triệt sản, ba bốn thai giết giết giết!”, “Thà máu chảy thành sông, cũng không cho sinh quá thêm một trẻ”, “Thà thêm 10 phần mộ cũng không thêm một con người!”… kế hoạch hóa gia đình mà làm như trừ yêu tróc quái, bằng thủ đoạn kinh động thiên hạ như tịch thu tài sản, dỡ nhà, bắt người, liên lụy người nhà, giết trẻ sơ sinh, v.v. đến mức dân chúng thấy tội ác thường xuyên cũng thành chai lì.

Năm 2006, giới truyền thông Trung Quốc Đại lục dậy sóng vì một câu chuyện. Hoàng Cầu Sinh, một nông dân tại thôn Thái Điếm, khu Hoàng Pha, thành phố Vũ Hán do gia cảnh bần hàn, không tiền lo lót nên bị người của Ủy ban Kế hoạch sinh sản xông vào nhà, bắt vợ anh đang mang bầu chín tháng tới phòng phẫu thuật của Ủy ban Kế hoạch Sinh sản, tiêm cho một mũi thuốc đọa thai, ngay chiều hôm đó vợ anh Hoàng sinh con.

Nhưng đứa trẻ vẫn chưa chết, nên Hoàng Cầu Sinh tiếp tục bị ép mang đứa trẻ vứt đi. Khoảng 5 giờ chiều, một bà lão họ Lưu nghe phong thanh rằng trong nhà vệ sinh đằng sau Phòng Tài chính của xã có tiếng khóc của trẻ nhỏ, bèn đến tìm, thấy đứa trẻ trong bệ tiểu nhà vệ sinh, toàn thân lẫn trong phân và nước tiểu. Bà Lưu do trước kia từng làm bác sĩ, sau khi vệ sinh đơn giản cho nó, bà liền bế ngay vào phòng khám gần đó, cắt dây rốn cho đứa trẻ, rồi tiêm thuốc sát trùng. Sau đó đứa trẻ được đưa về nhà bà, bọc ấm và cho uống nước. Bất ngờ, năm người trong Ủy ban kế hoạch sinh sản của xã xuất hiện, một người giật đứa trẻ khỏi tay bà Lưu, ném xuống đất. Đứa trẻ đau đớn tứ chi co giật, người của Ủy ban Kế hoạch hóa còn bồi thêm một cú đá. Sau đó họ lôi đứa trẻ đi, đi rất xa mà tiếng khóc của đứa bé vẫn còn vẳng lại. Cuối cùng người của Ủy ban Kế hoạch sinh sản đặt đứa bé trong ruộng lúa nước dìm cho chết đuối. Những trường hợp như vậy tại Trung Quốc Đại lục không phải là hiện tượng cá biệt.

Trong “Kinh thi” có viết: “Thiên sinh chưng dân, hữu vật hữu tắc” (Trời sinh bách tính, vạn vật đều nằm trong nguyên tắc), tự nhiên luôn có một cơ chế điều tiết dân số mà tư duy hạn cuộc của con người không hiểu được, đặc biệt là tư duy vô Thần.

Chính sách “kế hoạch sinh sản” là một biểu hiện cụ thể về giáo dục Thuyết vô Thần của ĐCSTQ. Dù cho xảy ra thiên tai rất lớn hoặc chiến tranh, thì tội giết trẻ sơ sinh luôn là trọng tội phản nhân loại, còn quan chức các cấp dưới sự giáo dục của “Thuyết vô Thần”, tuyệt đối răm rắp tuân phục “lệnh trên”, hoàn toàn không còn khái niệm đạo đức cơ bản về “nhân mệnh quan thiên” (sinh mệnh con người liên quan tới Trời), cũng như lòng trắc ẩn đối với sinh mệnh. Ỷ mạnh hiếp yếu, sử dụng luật rừng là phản ánh thuyết “đấu tranh sinh tồn” của Darwin.

Nhân – Quả tuần hoàn, báo ứng chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

Dân tộc tuyệt vọng, đất nước kiệt quệ và tương lai của Trung Hoa

Chính sách cưỡng chế dân số kết hợp với tâm lý “người nối dõi” đã khiến cho rất nhiều gia đình chọn giữ lại thai nhi là trai, còn nếu là gái thì phá bỏ. Mấy chục năm sau, đã dẫn đến sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, Trung Quốc thiếu hụt hàng chục triệu phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ so với nam giới.

Theo nhà văn Trần Tư Mẫn, trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã hôm 31/05, một cán bộ cao cấp không nêu tên từ Ủy ban Sức khỏe và Kế hoạch hóa Gia đình của Trung Quốc đã tiết lộ ba bộ dữ liệu. Bộ dữ liệu thứ nhất cho thấy sự giảm sút liên tiếp số lượng đăng ký kết hôn, bộ dữ liệu thứ hai cho thấy sự sụt giảm mong muốn có con. Chúng tương ứng với phong trào “nằm ngửa” và tâm lý tuyệt vọng của người Trung Quốc hiện nay.

Tâm lý tuyệt vọng này còn thể hiện trong tuyên ngôn bi ai của người trẻ Trung Quốc. Trên mạng “China Digital Times” một bức hình được truyền tải hàng triệu lần, bức hình chụp sau lưng một cô gái mặc áo chữ T, có hàng chữ Hán và chữ Anh viết tay: “Chúng tôi là thế hệ cuối cùng”. (Ngã đẳng thị tối hậu nhất đại – Last Generation).

Còn bộ dữ liệu thứ ba cho thấy số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đang giảm thiểu đáng kể. Nếu chỉ dùng số lượng sụt giảm trung bình hàng năm để tính toán, tổng số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm xuống còn 17 triệu người trong vòng 05 năm kể từ năm 2016.

Ai sẽ sản sinh, cung cấp thêm nhân lực để ĐCSTQ thống trị, nếu chính tổ chức này đã tiêu diệt họ từ mấy chục năm trước?

Ai sẽ là người giúp kéo dài hơi thở cho ĐCSTQ, nếu thế hệ kế tiếp đã buông xuôi muốn đến đâu thì đến?

Rõ ràng như người ta vẫn nói: “báo ứng thường đến muộn, chứ không phải là không có.”

Các nước phương Tây giàu có cũng phải đối mặt với sự suy giảm tỷ lệ sinh, nhưng không có quốc gia nào dùng biện pháp cưỡng chế tàn bạo như Trung Quốc, dẫn đến hậu quả nhân đạo, hậu quả tâm lý cực kỳ nghiêm trọng trong xã hội. Đứng về phương diện Nhân – Quả, ĐCSTQ đã tạo nghiệp cực lớn và đang phải trả giá bằng sinh mệnh của chính nó. Triều đại đỏ đã tận khí số như vô vàn những triều đại khác trong lịch sử, cái gọi là “quang vinh muôn năm” tất nhiên không bao giờ tồn tại.

Một trong những nguyên nhân căn bản khiến nhà Đông Hán, rồi Tây Hán mất nghiệp chính là vì không có người nối dõi. Vì sao không có người nối dõi? Vì những Hoàng đế cuối triều đại này hoang dâm sa đọa, hậu cung hỗn loạn, các thế lực tiêu diệt lẫn nhau.

Như hoàng đế cuối thời Tây Hán là Hán Thành đế nhiều năm không có con trai, một phần do ông ta hoang dâm vô độ, phần khác là vì sủng ái Triệu Phi Yến, nên tự tay giết chết con đẻ của mình với cung phi khác. Hán Thành đế đành lập cháu trai Lưu Hân làm thái tử để kế vị, nhưng Hán Ai đế (tức Lưu Hân) khi lên ngôi cũng hoang dâm, loạn tính, dẫn đến triều Tây Hán mất vào tay quyền thần Vương Mãng.

Đến cuối triều Đông Hán còn khan hiếm người kế vị hơn, đây là triều đại có nhiều tiểu Hoàng đế nhất lịch sử Trung Hoa, rất nhiều hoàng đế chưa đầy 10 tuổi đã băng hà, Hán Hoàn Đế tại vị lâu nhất cũng không có người kế vị. Bên trong hậu cung làm loạn cùng với hoạn quan, bên ngoài ngoại thích lộng hành. Triều Hán cuối cùng diệt vong.

Triều Hán diệt vong vì không người nối dõi, nhưng Trung Hoa vẫn còn. Nhưng nếu tình trạng này diễn ra trên toàn bộ đất nước Trung Quốc như chúng ta đang chứng kiến thì hậu quả sẽ ra sao đối với quốc gia hiện đang được coi là đông dân nhất thế giới này? Có triều đại nào gây ra tội ác lớn đến vậy cho nhân dân của mình và tạo nghiệp cự đại như ĐCSTQ hay không? Liệu Trung Hoa có còn tồn tại hay không dưới sự cai trị của ĐCSTQ?

Câu hỏi được đặt ra là ngược lại lối tư duy mà ĐCSTQ dùng để tẩy não toàn dân: “Nếu không có ĐCSTQ thì Trung Quốc sẽ thế nào?” Từ lịch sử 100 năm tồn tại cho thấy ĐCSTQ chỉ mang đến sự hủy diệt cho Trung Hoa, vì mục đích cao nhất của nó là duy trì sự tồn tại và cai trị của chính mình, bất chấp lợi ích của quốc gia, dân tộc. Trung Hoa chỉ có thể đột khởi trở lại ánh hào quang cũ của một “lễ nghĩa chi bang” một khi ĐCSTQ không còn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới