Friday, December 27, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ tăng phạm vi hoạt động của quân đội ẩn chứa những...

TQ tăng phạm vi hoạt động của quân đội ẩn chứa những toan tính

Dù dưới hình thức phi chiến tranh, nhưng việc quân đội Trung Quốc từ hôm qua (15.6) được mở rộng phạm vi hoạt động quân sự có thể ẩn chứa những toan tính nhằm phục vụ mưu đồ chủ quyền của nước này.

Tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc, vừa ký ban hành đề cương thí điểm về các hoạt động quân sự phi chiến tranh (MOOTW) cho quân đội nước này (PLA).

Đáng quan ngại

Có hiệu lực từ hôm qua (15.6), đề cương này tiêu chuẩn hóa và cung cấp cơ sở pháp lý cho PLA thực hiện các nhiệm vụ như cứu trợ thảm họa, viện trợ nhân đạo, hộ tống và gìn giữ hòa bình cũng như bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích an ninh và phát triển của Trung Quốc

Theo tờ Hoàn Cầu thời báo, các nhà phân tích cho rằng bằng cách thực hiện các hoạt động này ở nước ngoài, trong một số trường hợp, PLA “có thể ngăn chặn tác động lan tỏa của những bất ổn trong khu vực ảnh hưởng đến Trung Quốc, đảm bảo các tuyến đường vận chuyển quan trọng cho các nguyên liệu chiến lược như dầu mỏ, hoặc bảo vệ các khoản đầu tư, dự án và nhân sự ở nước ngoài của Trung Quốc”.

TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đánh giá: “Nói chung, MOOTW không nguy hiểm. Tuy nhiên, trong trường hợp của Trung Quốc, các nước xung quanh Trung Quốc nên lo ngại về điều này”.

Chiêu trò núp bóng

Giải thích lý do đáng lo ngại, ông Nagao chỉ ra: “Trung Quốc đã mở rộng lãnh thổ của mình bằng cách sử dụng MOOTW. Ví dụ, khi bắt đầu xây dựng hạ tầng ở các đảo nhân tạo tại Biển Đông, Trung Quốc đã tuyên bố các đảo này không nhằm mục đích quân sự. Những hòn đảo này rất hữu ích cho việc cứu hộ. Do đó, vào thời điểm đó, theo lý luận của Trung Quốc, những hòn đảo nhân tạo này là MOOTW. Tuy nhiên, sau đó Trung Quốc đã triển khai tên lửa trên quần đảo này. MOOTW là lý do để Bắc Kinh có thời gian xây dựng một pháo đài quân sự”.

TS Nagao dẫn chứng thêm: “Một ví dụ khác là nghề cá. Trung Quốc đưa nhiều tàu đánh cá đến khu vực biển tranh chấp ở Biển Đông. Nếu các nước Đông Nam Á cố gắng ngăn chặn đánh bắt bất hợp pháp, Trung Quốc sẽ cử các tàu hải cảnh giải cứu và gây sức ép với tàu tuần duyên, cảnh sát biển các nước khác. Cuối cùng, Trung Quốc đã kiểm soát vùng biển này và tuyên bố khu vực này là lãnh hải của họ. Từ những sự cố như vậy, MOOTW có thể là một cách để mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc”.

Thực tế trong nhiều năm qua, theo giới quan sát, để phục vụ mưu đồ thống trị Biển Đông, Trung Quốc thậm chí sử dụng không ít chiêu trò núp bóng mục đích dân sự nhưng bản chất lại là phục vụ quân sự. Điển hình, vào tháng 9.2019, Cục Nam Hải thuộc Bộ Tài nguyên Trung Quốc cho biết đã triển khai mạng lưới thiết bị bay không người lái (UAV) ở Biển Đông để theo dõi, giám sát những thực thể và vùng biển xa bờ. Trả lời Thanh Niên khi đó, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) lo ngại UAV có thể giúp Trung Quốc thu thập các thông tin về địa hình trong lòng biển, độ sâu, dòng chảy… “Qua đó, Trung Quốc có thể triển khai và đẩy mạnh hoạt động tàu ngầm”, ông Nagy đặt vấn đề.

Đến tháng 3.2020, Tân Hoa xã đưa tin Trung Quốc vừa thiết lập 2 trạm nghiên cứu trên đá Chữ Thập và Xu Bi mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Và 2 cơ sở trên có phòng thí nghiệm về sinh thái, địa chất và môi trường, nhằm hỗ trợ điều tra thực địa và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, nhận định khi trả lời Thanh Niên, TS Nagao cho rằng mục đích của việc xây dựng các cơ sở nghiên cứu trên là để phục vụ quân sự. Trong đó, nghiên cứu môi trường biển có thể thu thập thông tin nhằm ẩn nấp tàu ngầm.

“Do đó, bản thân MOOTW có thể là một phần trong chiến thuật vùng xám của Trung Quốc nhằm đạt được mục tiêu mà không có chiến tranh. Đó là một điều đáng lo ngại”, TS Nagao kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới