Tuesday, December 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiDân nghèo khốn cùng vì giá xăng, Bộ trưởng vẫn "bình chân...

Dân nghèo khốn cùng vì giá xăng, Bộ trưởng vẫn “bình chân như vại”?

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhắc lại câu nói dân gian xưa “bình chân như vại” để chỉ việc Bộ Tài chính, Công Thương có phần “ung dung” trước diễn biến “tăng sốc” của giá xăng dầu.

Lần đầu tiên trong lịch sử giá xăng vượt 32.000 đồng/lít, giá cả hàng hóa lập tức tăng theo.

Dân gian Việt Nam xưa có câu “bình chân như vại” để nói việc đã cấp bách lắm rồi, nhưng vẫn chần chừ chưa giải quyết. Nhiều tháng nay, khi nói đến việc giảm thuế phí, chi phí kinh doanh xăng dầu… nhằm góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, dư luận lại nhắc lại câu nói trên. Câu nói vẫn rất phù hợp với tình hình hiện tại.

Chúng ta đều biết giá xăng dầu đã tăng hơn 60% so với trước đại dịch, từ đầu năm đến nay đã tăng 6 lần với biên độ mạnh, 1 lít xăng giờ đã có giá bán lẻ trên 32.000 đồng. Việc tăng giá xăng dầu trực tiếp và gián tiếp làm tăng giá cước vận chuyển và làm tăng giá các loại hàng hóa tiêu dùng trên thị trường. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Khá nhiều doanh nghiệp sản xuất không có lãi, thậm chí bị lỗ, một số ngư dân không dám ra khơi đánh cá, còn các gia đình phải tiết kiệm chi tiêu, đời sống tinh thần và vật chất ngày càng gặp khó khăn. Việc tăng giá xăng dầu không những gây khó khăn trước mắt mà còn để lại hậu quả ở những năm tiếp theo.

Bộ Công Thương và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ về điều hành giá mặt hàng quan trọng này, nhiều tháng nay họ đều biết tình hình là như vậy, nhưng nhiều lần trả lời báo chí và gần nhất là họp Quốc hội, họ vẫn nhắc đi nhắc lại một số điệp khúc: Giá xăng Việt Nam vẫn thấp hơn giá xăng của một số nước trong khu vực và trên thế giới; Nếu hạ giá xăng sẽ dẫn tới nguy cơ buôn lậu xăng dầu; Nếu hạ giá xăng thì chúng ta sẽ hạch toán không đầy đủ giá trị của hàng hóa, từ đó dẫn tới Việt Nam khả năng bị kiện chống bán phá giá, trợ cấp.

Lý luận trên của 2 ngành mới nghe ban đầu có vẻ đúng. Tuy nhiên, nếu phân tích kĩ về lợi và hại của việc giảm giá xăng dầu trong giai đoạn hiện nay thì lại có vấn đề. Buôn lậu xăng dầu là có thật, nhưng chúng ta có hàng vạn chiến sĩ hải quan biên phòng, công an kinh tế, quản lý thị trường. Vậy họ đang làm gì? Và thực chất họ cũng đang bắt giữ xăng dầu lậu đấy thôi, đó là công việc thường xuyên mà họ được phân công.

Còn việc hạ giá xăng, giảm thuế phí mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói “sẽ bị kiện chống bán phá giá, trợ cấp” thì Malaysia đã làm từ lâu rồi. Ở nước họ, xăng dầu không có thuế phí trong cơ cấu giá bán lẻ và hiện bán ở mức 13.000 đồng/lít, đã có ai hoặc tổ chức nào kiện họ đâu.

Dư luận cho rằng ý kiến nêu lý do chưa giảm thuế phí xăng dầu của hai ngành không có gì mới và không có cơ sở chắc chắn, không có lý lẽ thuyết phục.

Trong buổi chất vấn Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tại Quốc hội ít ngày trước đó, lãnh đạo Bộ Tài chính nêu lý do giảm thuế phí là thẩm quyền của Quốc hội, Bộ đâu có biết trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu còn có lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh, quỹ bình ổn giá, thẩm quyền giải quyết mấy khoản mục này không phải đến mức Quốc hội phải duyệt.

Mặt khác, cho đến nay, hai ngành đã có phương án trình Quốc hội đâu. Họ còn đang tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, xem giá cao đến mức nào rồi mới đề xuất!!! Nhưng thực tế ai cũng biết là mức giá đã cao vời vợi, hơn gấp đôi so với mức giá 2 năm về trước.

Qua tình hình diễn biến thực tế ở trên cho ta thấy, hai ngành đã bỏ qua những ý kiến khẩn thiết đề nghị giảm thuế phí và một số khoản khác trong giá xăng dầu của các phóng viên, chuyên gia và các đại biểu Quốc hội. Họ vẫn ung dung “bình chân như vại” như không có chuyện gì xảy ra cấp bách cả.

Có lẽ họ không ra biển để đi đánh bắt với ngư dân, có nhiều tàu đã phải nằm bờ vì giá xăng dầu cao sẽ phải chịu lỗ. Họ có lẽ ít đi đến bữa cơm công nhân với đồng lương ít ỏi 5 – 6 triệu đồng/tháng, lại bị giá cả hàng hóa tăng mạnh. Họ hãy đi chợ, hãy đi sát đời sống của người nông dân, công nhân lao động, nghe những lời than vãn chính đáng để có thể có những đề xuất kịp thời ngay trong tháng 6 về giảm thuế phí xăng dầu.

Đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần lắng nghe thấu đáo tình hình giá cả thị trường hiện nay để có những quyết định sớm về hạ giá xăng dầu, làm dịu đi nỗi lo của toàn xã hội về tác động của mặt hàng chiến lược số một trong sản xuất và đời sống ở thị trường Việt Nam.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới