Wednesday, December 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐịa phương nào “nhảy xa” nhất trong bảng xếp hạng năng lực...

Địa phương nào “nhảy xa” nhất trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh?

Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021, Quảng Ninh tiếp tục là tỉnh giữ vị trí số quán quân về chỉ số PCI 2021 năm thứ 5 liên tiếp. Bên cạnh đó, báo cáo ghi nhận nhiều địa phương có bước nhảy ngoạn mục về thứ hạng PCI.

Chỉ số PCI là chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các địa phương. Chỉ số PCI giúp tìm hiểu và phân tích vì số một số tỉnh, thành vượt lên các địa phương khác về phát triển kinh tế tư nhân và tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh thứ hạng của các địa phương đứng top đầu, điểm chú ý của báo cáo PCI 2021 còn nằm ở sự vươn lên ngoạn mục về thứ hạng của một số địa phương.

Hải Dương là tỉnh có thay đổi nhiều nhất về thứ hạng PCI năm 2021. Từ vị trí 47 năm 2020 lên vị trí 13 năm 2021, Hải Dương đã nhảy lên 34 bậc thứ hạng, được xếp vào nhóm điều hành khá. Đây cũng là năm Hải Dương có thứ hạng PCI cao nhất từ trước tới nay.

Trong 10 chỉ số thành phần, có 8 chỉ số tăng điểm và 2 chỉ số giảm điểm. Trong đó, chỉ số tăng điểm cao nhất là tính năng động của chính quyền đạt 8,24 điểm, tăng 3,15 điểm.

Đột phá lớn nhất trong nỗ lực cải thiện chỉ số PCI của tỉnh là việc ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, địa phương cũng xác định cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính là một trong những điều kiện quyết định để có được thiện cảm từ phía doanh nghiệp

Địa phương có sự thay đổi nhiều thứ 2 về thứ hạng PCI là Bình Định. Năm 2021, Bình Định xếp thứ 11 về chỉ số năng lực cạnh tranh, tăng 26 bậc so với năm 2020. Trong 10 chỉ tiêu thành phân, có 8 chỉ số tăng điểm và 2 chỉ số giảm điểm. Trong đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm được ghi nhận là chỉ số thành phần có điểm đánh giá tăng cao nhất trong, từ 5,54 điểm (2020) lên 7,13 điểm (2021).

Địa phương tiếp theo được đánh giá cao về sự thay đổi ngoạn mục trong chỉ số PCI là Vĩnh Phúc. Năm 2020, Vĩnh Phúc xếp thứ 29 trong bảng xếp hạng PCI, đến năm 2021, Vĩnh Phúc vươn lên lọt top 5 địa phương có điểm PCI cao nhất với 69,69 điểm.

Từ năm 2020, chính quyền tỉnh đã đề ra mục tiêu “3 tốt” gồm: Môi trường pháp lý tốt và toàn diện, hạ tầng kỹ thuật tốt, và phục vụ doanh nghiệp tốt Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính được coi là nhiệm vụ trọng tâm, được triển khai quyết liệt theo hướng giảm thiểu thời gian và đơn giản về thủ tục.

Những nỗ lực này đã giúp Vĩnh Phúc cải thiện điểm số và thứ hạng ở một loạt chỉ số thành phần như Chi phí thời gian (xếp thứ 3 cả nước), Chi phí không chính thức (xếp thứ 3), Cạnh tranh bình đẳng và Tiếp cận đất đai (cùng đứng vị trí thứ 7). Báo cáo cũng ghi nhận 93,9% doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá cán bộ giải quyết thủ tục hành chính làm việc hiệu quả.

Ngoài ra, Nam Định được ghi nhận có thay đổi nhiều về thứ hạng PCI khi từ vị trí 40 năm 2020 lên vị trí 24 năm 2021 (tăng 16 bậc). Hưng Yên tăng 14 bậc trong bảng xếp hạng PCI 2021 (từ hạng 53 năm 2020 lên hạng 39 năm 2021).

Một số tỉnh khác nằm trong top 10 địa phương có nhiều thay đổi trong thứ hạng PCI là Bình Thuận, Lạng Sơn, Gia Lai, Tiền Giang và Bắc Kạn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới