Tuesday, December 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiThê thảm đường sắt Cát Linh-Hà Đông

Thê thảm đường sắt Cát Linh-Hà Đông

Cả năm 2021 doanh thu của Hanoi Metro (đơn vị vận hành đoàn tàu Cát Linh-Hà Đông) đạt hơn 5 tỉ đồng nhưng giá vốn hàng bán lên tới gần 60 tỉ đồng khiến công ty lỗ gộp 54 tỉ đồng và đến thời điểm hiện tại, Hanoi Metro đang lỗ lũy kế tổng cộng 160 tỉ đồng.

Người dân, du khách đi tàu Cát Linh – Hà Đông.

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán 2021 vừa được công bố, doanh thu của Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) khi vận hành chính thức đoàn tàu chạy tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đạt hơn 5 tỉ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lên tới gần 60 tỉ đồng khiến công ty này lỗ gộp 54 tỉ đồng; cộng với chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí nhân công vận hành, Hanoi Metro lỗ ròng 64 tỉ đồng trong năm 2021.

Năm 2020, khi tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông chưa được vận hành, công ty này báo lỗ 23 tỉ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, Hanoi Metro đang lỗ lũy kế tổng cộng 160 tỉ đồng.

Đại diện Hanoi Metro cho biết vận tải hành khách công cộng (bao gồm xe buýt và đường sắt đô thị) là lĩnh vực dịch vụ công để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng phục vụ nhu cầu đi lại, giảm phương tiện cá nhân để giảm thiểu ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Do giá thu tiền vé xe, vé tuyến đối với người dân sử dụng dịch vụ do thành phố quyết định thấp hơn giá thành bình thường và doanh thu từ bán vé không đủ bù đắp chi phí nên sẽ được thành phố trợ giá.

Đối với xe buýt thì đã được thực hiện trợ giá nhiều năm nay, với đường sắt đô thị thì đã được HĐND TP thống nhất áp dụng chính sách khuyến khích như xe buýt. Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đang áp dụng đơn giá tạm đã được thành phố phê duyệt trước đó. Do Nhà nước chưa trợ giá nên mới lỗ lũy kế 160 tỉ đồng như hiện nay.

Theo đại diện Hanoi Metro, với sự vào cuộc tích cực của Sở, ban ngành, công ty đang cố gắng hoàn tất hồ sơ để đặt hàng cho 2 tháng cuối năm 2021 và cho cả năm 2022. Sau khi có trợ giá Nhà nước để bù đắp nguồn thu thì “bức tranh” tài chính của công ty sẽ sáng hơn. Khi đó, doanh thu có thể sẽ đủ bù đắp phần lỗ lũy kế mà còn có cả lãi định mức.

Trước đó, hồi tháng 6-2021, UBND TP Hà Nội đã có quyết định ban hành giá vé vận chuyển hành khách công cộng đi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông có tổng chiều dài 13,05 km với 12 ga đi toàn bộ đi trên cao, điểm đầu là ga Cát Linh (ở quận Đống Đa) và điểm cuối là ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Ngày 6-11-2021, tàu Cát Linh-Hà Đông bắt đầu vận hành khai thác thương mại. Tàu hoạt động từ 5 giờ 30 đến 22 giờ hàng ngày, tần suất 10 phút/chuyến.

Hành khách đi tàu mua vé theo hình thức theo lượt, vé ngày, vé tháng, cụ thể: Giá vé chặng là 8.000-15.000 đồng, giá mở cửa 7.000 đồng, cứ đi 1 km cộng thêm 600 đồng. Giá vé ngày là 30.000 đồng, giá vé tháng phổ thông 200.000 đồng/người và giá áp dụng với đối tượng ưu tiên là 100.000 đồng/tháng. Người già và trẻ em dưới 6 tuổi được miễn phí vé đi tàu.

Sau khi có định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành và các quy định về chi phí quản lý, vận hành đường sắt đô thị, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính sẽ đánh giá, tổng kết và trình thành phố xem xét ban hành mức phù hợp.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới