Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTQ có chút ngần ngại khi cùng Nga đe dọa Nhật Bản

TQ có chút ngần ngại khi cùng Nga đe dọa Nhật Bản

Tình cảnh chật vật của Nga ở Ukraine khiến Bắc Kinh phải suy nghĩ lại về việc hùa theo Moscow.

Kể từ năm ngoái, Trung Quốc và Nga đã tiến hành các hoạt động quân sự chung trên các vùng biển và vùng trời gần Nhật Bản. Hôm Chủ nhật, tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã trực tiếp bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về các hoạt động này với người đồng cấp Trung Quốc, Ngụy Phượng Hòa.

Tuy nhiên, trong lúc Bắc Kinh tiếp tục thị uy với Tokyo, bao gồm cả việc cùng Nga bay máy bay ném bom chiến lược đến gần Nhật Bản, thì tình cảnh khó khăn của Moscow ở Ukraine đang đẩy Trung Quốc vào thế tiến thoái lưỡng nan. Bắc Kinh không muốn cộng đồng quốc tế kết luận rằng họ đoàn kết về mặt quân sự với Nga.

Dấu hiệu do dự đã xuất hiện ngay cả trong chuyến bay của máy bay ném bom chiến lược ngày 24/05. Tổng cộng có sáu máy bay, máy bay ném bom TU-95 của Nga và máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc, đã bay cùng nhau trong ngày mà nhóm Bộ tứ (Quad) họp ở Tokyo.

Các nhà lãnh đạo của Mỹ, Nhật Bản, Australia, và Ấn Độ đã thảo luận về vấn đề Trung Quốc và Nga, sau đó đưa ra một tuyên bố chung cho biết họ cực lực phản đối bất kỳ hành động ép buộc, khiêu khích, hoặc đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng – lối nói gián tiếp nhắm vào hai nước Trung Quốc và Nga. Hành động bay máy bay ném bom chiến lược, có khả năng mang vũ khí hạt nhân, là một hành động phản ứng.

Nhưng một nguồn tin am hiểu về quan hệ quốc tế ám chỉ rằng người Nga đang muốn tiến xa hơn và đồng thời tiến hành các hoạt động trên mặt đất.

“Phía Trung Quốc do dự trước việc tiến hành các hoạt động quá phô trương, chẳng hạn như điều tàu đi vòng quanh Nhật Bản,” nguồn tin cho biết.

Người ta tin rằng phía Nga đang dự định tiến hành một cuộc trình diễn quân sự tầm cỡ tương tự như cuộc tập trận cùng với Trung Quốc hồi tháng 10 vừa qua, khi tổng cộng 10 tàu hải quân của Trung Quốc và Nga đã gần như đi vòng quanh quần đảo Nhật Bản.

Các tàu hải quân của Trung Quốc và Nga đã cùng nhau đi qua Eo biển Tsugaru, nằm ở phía nam Hokkaido, nối Biển Nhật Bản với Thái Bình Dương, và Eo biển Osumi, chạy dọc theo bờ biển tây nam Nhật Bản, nối Biển Hoa Đông với Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc và Nga cùng đi qua eo biển này.

Nếu Trung Quốc và Nga trở nên hung hăng hơn nữa trong lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Nhật Bản, họ có thể gây ra làn sóng phản đối kịch liệt ở Nhật Bản, đồng thời làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Lần này, Trung Quốc chọn cách tập trận trên không.

Thế lưỡng nan của Bắc Kinh bắt nguồn từ cuộc xâm lược kéo dài và không thành công của Nga vào Ukraine.

Trung Quốc vẫn tiếp tục từ chối chỉ trích Nga về cuộc chiến ở Ukraine. Mỹ đang kêu gọi Trung Quốc không hỗ trợ quân sự cho Nga, và việc thể hiện sự đoàn kết với Moscow, dù là ở Đông Á, cũng là một hành động tương tự như gây hấn với Mỹ.

Đó không phải là điều mà Tập Cận Bình mong muốn trước thềm đại hội Đảng toàn quốc vào mùa thu này. Tập chí ít cũng cần tạm thời ổn định quan hệ với Mỹ trước khi bước vào kỳ họp tối quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đối với Nga, khi phải đối mặt với sự cô lập quốc tế, việc muốn cho thế giới thấy mối quan hệ tốt đẹp của mình với Trung Quốc là điều đương nhiên.

Việc Moscow sẵn sàng nhắm mục tiêu vào các chuyến thăm của Biden tới Nhật Bản và Hàn Quốc cũng là điều dễ hiểu. Gieo mầm hỗn loạn ở các khu vực khác trên thế giới, bao gồm cả Eo biển Đài Loan, sẽ khiến người ta rời mắt khỏi cuộc chiến ở Ukraine.

Trong khi đó, Trung Quốc không thể dễ dàng đi theo kế hoạch trò chơi của Nga. Dù Tập và người đồng cấp Nga, Vladimir Putin, chủ trương một “tình hữu nghị không giới hạn” tại cuộc gặp của họ ở Bắc Kinh cách đây 4 tháng, cuộc chiến kéo dài ở Ukraine đã thay đổi mọi chuyện.

Các chuỗi cung ứng của Trung Quốc, vốn gắn kết với Nhật, Mỹ, và châu Âu, là huyết mạch kinh tế của nước này. Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc chẳng có lý gì phải chết chìm cùng Nga.

Hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Nga đã đi vào chiều sâu đáng kể sau cuộc tập trận chung mang tên Vostok (Phương Đông) vào năm 2018. Khoảng 300.000 lính đã tham gia cuộc tập trận khổng lồ này, được tổ chức ở Viễn Đông và Siberia của Nga.

Năm đó, Trung Quốc đã tham gia lần đầu tiên, với 3.200 sĩ quan và binh lính, 900 phương tiện quân sự và 30 máy bay.

Tính đến năm 2021, chính Trung Quốc, chứ không phải Nga, mới là nước mong muốn tăng cường hợp tác quân sự hơn nữa. Quan hệ Mỹ-Trung đã trở nên tồi tệ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, và Biden, người kế nhiệm ông, cũng không hề nới lỏng chính sách đối ngoại cứng rắn của Mỹ.

Chuyến đi chung chưa từng có tiền lệ qua Eo biển Tsugaru vào tháng 10 là một hoạt động do Trung Quốc dẫn đầu.

Nhưng nửa năm sau, quan điểm của hai bên đã thay đổi đáng kể.

Giờ đây, người Nga đang hăng hái, muốn lấy lòng Trung Quốc, và trừng phạt Nhật Bản vì đã tham gia làn sóng trừng phạt quốc tế.

Ngày 07/06, Nga tuyên bố đình chỉ thỏa thuận đánh cá với Nhật Bản – vốn đảm bảo an toàn cho các tàu đánh cá Nhật hoạt động trong vùng biển xung quanh Quần đảo phương Bắc, tức bốn hòn đảo do Liên Xô chiếm giữ trong những ngày cuối cùng của Thế chiến II.

Đòn bẩy của Nga là ở Quần đảo phương Bắc. Nhưng Trung Quốc không có lợi ích trực tiếp trong vấn đề còn đang gây tranh cãi này.

Cách truyền thông nhà nước Trung Quốc xử lý cuộc gặp của Ngụy Phượng Hòa với người đồng cấp Nhật Bản cũng tiết lộ lối tư duy của Bắc Kinh. Cuộc gặp bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore là lần đầu tiên sau hai năm rưỡi bộ trưởng quốc phòng của cả hai nước gặp mặt trực tiếp.

Nhưng các phương tiện truyền thông lớn của Trung Quốc đã không đề cập ngay đến vụ gặp mặt trực tiếp này. Ngụy được cho là đã phản pháo lại những lời phàn nàn của Kishi về quan hệ hợp tác quân sự Trung-Nga, nhưng lời nói của ông đã không được tường thuật.

Điều tương tự cũng diễn ra với các cuộc trao đổi của Ngụy với Hàn Quốc và Australia.

Ngoại lệ duy nhất là cuộc gặp của ông với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Bộ Quốc phòng Trung Quốc dẫn lời Ngụy nói với Austin, rằng “Chính phủ và quân đội Trung Quốc sẽ kiên quyết ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào giúp ‘Đài Loan độc lập’, và kiên quyết bảo vệ sự thống nhất quốc gia.”

Tuy nhiên, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chỉ xem cuộc họp Ngụy-Austin là mục tin tức thứ năm trên trang thứ ba của tờ báo này. Chương trình thời sự buổi tối của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc thậm chí còn không đưa tin về nó.

Những người ủng hộ “ngoại giao chiến lang” có thể thấy thất vọng với lập trường của Ngụy. Ông là một trong 4 thành viên hàng đầu của Quân ủy Trung ương và là một người có tiếng nói nặng ký. Những người chủ trương cứng rắn sẽ muốn biết ông đã phản ứng mạnh mẽ đến thế nào trước những lời chỉ trích.

Liệu Trung Quốc có đang trên đường hướng tới hòa hoãn?

Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì, hôm thứ Hai đã thảo luận với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại Luxembourg.

Cuộc họp kéo dài 4 tiếng rưỡi này đã diễn ra ngay sau khi Ngụy và Austin nói chuyện.

Trong tương lai, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào tần suất và quy mô của các hoạt động quân sự chung của Trung Quốc và Nga xung quanh Nhật Bản. Chúng sẽ cung cấp những manh mối quan trọng về tương lai mối quan hệ của Trung Quốc với Nhật và Mỹ.

Trước và sau khi diễn ra Đối thoại Shangri-La, một tàu thu thập thông tin tình báo của Hải quân Trung Quốc đã đi vào Biển Nhật Bản qua lối Eo biển Tsushima, và một tàu thu thập thông tin tình báo của Hải quân Nga đi qua Eo biển Soya và Tsugaru. Eo biển Soya nằm giữa Đảo Hokkaido và Đảo Sakhalin của Nga.

Điều gì tiếp theo đang chờ đợi quan hệ đối tác quân sự Trung-Nga? Rõ ràng là Bắc Kinh sẽ là người đặt ra hướng đi cho mối quan hệ đó.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới