Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnTrước áp lực phương Tây, Nga - Trung hợp tác chặt chẽ

Trước áp lực phương Tây, Nga – Trung hợp tác chặt chẽ

Cuộc điện đàm với Tổng thống Nga vào đúng sinh nhật Chủ tịch Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng tăng ủng hộ Moskva giữa sức ép từ phương Tây.

Cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra ngày 15/6, đúng dịp sinh nhật lần thứ 69 của ông Tập. Đây là cuộc trao đổi thứ hai giữa lãnh đạo Nga – Trung kể từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2.

Ông Tập và ông Putin đã nhiều lần điện đàm với nhau vào dịp sinh nhật lãnh đạo Trung Quốc kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2012. Cuộc gọi hôm qua cho thấy mong muốn tiếp tục củng cố tình bạn cá nhân giữa hai người, giúp đưa quan hệ Nga – Trung đến mức gắn bó nhất trong hàng chục năm qua.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về nội dung cuộc điện đàm được coi là minh chứng cho lập trường của Bắc Kinh trong việc không chỉ trích nhưng cũng không ủng hộ chiến dịch quân sự ở Ukraine, trong khi thông cáo của phía Nga chứa đựng ngôn từ cho thấy Moskva nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc.

“Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục tương trợ Nga về các vấn đề liên quan tới lợi ích cốt lõi và những mối quan tâm lớn như chủ quyền và an ninh”, ông Tập nói trong cuộc điện đàm, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Trong khi đó, tuyên bố từ Điện Kremlin cho biết lãnh đạo Trung Quốc “ghi nhận tính chính đáng trong hành động của Nga nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia trọng yếu trước những thách thức an ninh mà thế lực bên ngoài tạo ra”.

Dù có đôi chút khác biệt trong thông cáo của hai nước về nội dung cuộc điện đàm, chúng vẫn cho thấy Trung Quốc dường như không có ý định giảm ủng hộ chính trị với Nga, dù nó có thể làm tổn hại mối quan hệ của Bắc Kinh với phương Tây.

Trong cuộc trò chuyện, ông Tập lưu ý rằng kể từ đầu năm, quan hệ song phương đã duy trì động lực phát triển tốt, bất chấp những hỗn loạn và biến động trên toàn cầu. Hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước đạt tiến bộ ổn định, ông Tập nói và thêm rằng cây cầu nối từ thị trấn Hắc Hà, tỉnh Hắc Long Giang tới Blagoveshchensk, Nga đã mở cửa, tạo thêm một tuyến kết nối mới giữa hai nước.

Trung Quốc cũng sẵn sàng hợp tác với Nga để thúc đẩy sự phát triển ổn định và lâu dài trong hợp tác song phương, theo ông Tập.

Yang Jin, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, nói rằng cuộc điện đàm chỉ ra sự kiên định chiến lược của Bắc Kinh trong việc tiếp tục duy trì phát triển quan hệ và thúc đẩy hợp tác với Nga.

Đề cập đến cuộc khủng hoảng Ukraine, ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ đánh giá độc lập vấn đề này dựa trên bối cảnh, quyền và lịch sử, lặp lại những tuyên bố mà ông từng đưa ra với Tổng thống Putin một ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự.

Ông Tập cũng nói với ông Putin rằng tất cả các bên nên thúc đẩy “một giải pháp thích hợp” cho cuộc khủng hoảng, đồng thời nói Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện phần việc của mình trong quá trình đó.

Về phần mình, ông Putin tuyên bố sẽ hỗ trợ Trung Quốc trong các vấn đề như Tân Cương, Đài Loan, Hong Kong, nói rằng Moskva phản đối bất kỳ sự can thiệp nào vào các vấn đề của Bắc Kinh, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Yun Yun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu Stimson ở Washington, Mỹ, cho rằng tuyên bố của Bắc Kinh là sự ủng hộ mà ông Tập dành cho ông Putin. “Ông Tập đã tái khẳng định sự ủng hộ của mình đối với Nga về mặt an ninh và chủ quyền”, bà Yun nói.

Mối quan ngại về cuộc cạnh tranh với Washington đã thúc đẩy ông Tập xem Nga như đối tác chiến lược quan trọng nhất của Trung Quốc, ngay cả khi hai nước không hoàn toàn là đồng minh.

Trong các cuộc họp nội bộ năm qua, ông Tập đã nhấn mạnh Mỹ là mối đe dọa lớn nhất đối với lợi ích của Trung Quốc, chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại của Bắc Kinh sang liên kết với Moskva, theo các quan chức và cố vấn chính sách đối ngoại Trung Quốc.

Hiện tại, một quan điểm phổ biến trong giới lãnh đạo ở Bắc Kinh là Mỹ sẽ chuyển sang kiềm chế Trung Quốc nhiều hơn khi Nga ngày càng suy yếu bởi các lệnh trừng phạt phương Tây.

“Ông Tập cho rằng Trung Quốc đang trong một cuộc cạnh tranh dài hạn với Mỹ và các nước theo chủ nghĩa tự do phương Tây”, Evan Medeiros, cựu quan chức an ninh quốc gia cấp cao trong chính quyền Barack Obama và hiện là giáo sư Đại học Georgetown ở Washington, Mỹ, nói. “Ông coi trọng giá trị của Nga với Trung Quốc, vì cả hai nước đều xem Mỹ là mối đe dọa chính đối với sự ổn định trong nước và an ninh bên ngoài của họ”.

Hội nghị thượng đỉnh NATO và hội nghị thượng đỉnh BRICS, nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, sẽ diễn ra cuối tháng này. Cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Nga – Trung cũng gửi đi một thông điệp rằng hai cường quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ nhau về các vấn đề liên quan tới lợi ích cốt lõi và tiếp tục thúc đẩy trật tự thế giới đa cực, theo giới quan sát.

Cui Heng, thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Nga thuộc Đại học Sư phạm Đông Trung Quốc, nói hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới sẽ thông qua một khái niệm an ninh mới cho liên minh quân sự này để nhắm mục tiêu không chỉ tới Nga mà cả Trung Quốc. Tổng thống Hàn Quốc và Thủ tướng Nhật Bản cũng sẽ lần đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO.

“Rõ ràng NATO không còn là tổ chức quân sự ở bắc Đại Tây Dương, mà sẽ bước chân sang châu Á và có ảnh hưởng toàn cầu. Quan trọng hơn, nó nhắm vào Nga và Trung Quốc như đối thủ, thậm chí là kẻ thù”, Cui Heng nói.

Chuyên gia Trung Quốc này cho rằng Bắc Kinh và Moskva trong bối cảnh đó không có lựa chọn nào khác ngoài cùng nhau chống lại áp lực toàn diện từ NATO thông qua những động thái “siết chặt tay” và tăng cường ủng hộ nhau. Chuyên gia này lưu ý đây là tín hiệu quan trọng được phát đi từ cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Putin.

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Trung Quốc và Nga là “xương sống của một thế giới đa cực và đóng vai trò quan trọng để chống lại tham vọng toàn cầu của NATO và vị thế bá chủ của Mỹ”, ông Cui Heng nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới