Friday, December 27, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiDễ dãi với nhà đầu tư ngoại, cảnh báo vốn nhỏ chiếm...

Dễ dãi với nhà đầu tư ngoại, cảnh báo vốn nhỏ chiếm đất lớn

Một số địa phương vẫn còn dễ dãi trong việc chấp nhận khá nhiều dự án FDI quy mô nhỏ, không mang lại hiệu quả cho địa phương, cấp đất với diện tích quá lớn cho dự án FDI.

Dễ dãi với nhà đầu tư ngoại, cảnh báo vốn nhỏ chiếm đất lớn.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Nghị quyết 115/NQ-CP.

Theo đó, Bộ đánh giá, việc triển khai đồng bộ các giải pháp theo Nghị quyết số 115/NQ-CP đã góp phần khơi thông, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nói riêng.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều nhiệm vụ đề ra vẫn chưa được triển khai hoặc triển khai còn chậm dẫn đến hiệu quả chưa thực sự rõ rệt. Một số cơ chế, chính sách hiện hành bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc trong quá trình thực thi tuy nhiên vẫn chưa được đánh giá và nghiên cứu điều chỉnh. Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao còn nhiều hạn chế, dẫn đến hiệu quả triển khai Nghị quyết chưa cao.

Mặc dù các Bộ, ngành đã chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao, nhưng kết quả và hiệu quả chưa thực sự rõ rệt. Một số vướng mắc, tồn tại tại các quy định hiện hành vẫn chưa được các Bộ, ngành quan tâm nghiên cứu và tìm biện pháp tháo gỡ, dẫn đến tình trạng có chính sách nhưng không triển khai được hoặc hiệu quả rất thấp.

Ví dụ, các quy định về thuế vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp; chính sách phát triển CNHT còn thiếu các cơ chế đủ hữu hiệu để gắn kết giữa doanh nghiệp cung ứng và doanh nghiệp chế biến, chế tạo; chưa có chính sách tận dụng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp chế xuất (chủ yếu là doanh nghiệp FDI) để nâng cao giá trị gia tăng trong nước của sản phẩm chính và phát triển chuỗi cung ứng tại ngay chính thị trường nội địa; chính sách thu hút đầu tư FDI vào các ngành sản xuất sản phẩm CNHT cũng chưa đủ hấp dẫn để thu hút được những các nhà đầu tư lớn, có vai trò làm động lực lan tỏa cho cả ngành.

Đánh giá về khu vực FDI, Bộ Công Thương cho rằng: Công tác thu hút FDI đầu tư vào các địa phương mang lại nhiều kết quả khởi sắc trong thời gian qua, tuy nhiên nhận thức về thu hút và quản lý các nguồn vốn FDI tại các địa phương chưa đồng bộ, thiên về lợi ích trước mắt mà chưa tính đến vấn đề chiến lược, thu hút đầu tư, ưu tiên số lượng mà chưa quan tâm đến chất lượng, ảnh hưởng đến các cân đối tổng thể của nền kinh tế.

Nhiều địa phương vẫn chưa tập trung xây dựng chính sách thu hút đầu tư, xây dựng, điều chỉnh quy hoạch phù hợp mà mới chỉ dựa vào các thế mạnh vốn có của địa bàn tỉnh để thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Một số địa phương vẫn còn dễ dãi trong việc chấp nhận khá nhiều dự án FDI quy mô nhỏ, không mang lại hiệu quả cho địa phương về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách; còn có tình trạng cấp đất quá lớn cho dự án FDI mà không căn cứ vào quy hoạch của địa phương.

Bên cạnh đó, tình trạng phổ biến hiện nay là các địa phương mới chỉ quan tâm đến giai đoạn đầu của quá trình thu hút đầu tư mà chưa thực sự quan tâm đến việc phát huy sự lan tỏa của các dự án FDI lớn, gây lãng phí các cơ hội, tiềm năng có thể nhận được từ FDI trong thời gian các dự án này đang hoạt động tại Việt Nam.

“Công tác giám sát, quản lý và đánh giá các dự án FDI tại các địa phương hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Nhiều dự án FDI chậm triển khai so với tiến độ cam kết hoặc nhà đầu tư không có khả năng thực hiện gây lãng phí nguồn lực của các địa phương”, Bộ Công Thương đánh giá.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới