Với lực lượng hàng hải lớn nhất hành tinh, Trung Quốc đang có một vị thế vững chắc để kiểm soát các đại dương trên thế giới.
Việc kiểm soát này có nhiều hình thức. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang khai triển các đội tàu đánh cá để ngầm chiếm đoạt các đại dương trên thế giới. ĐCSTQ cũng đang viết lại các quy tắc can dự hàng hải. Theo nhiều cách, ĐCSTQ đã tự đặt định bản thân là quốc gia thống trị hai trong số các đại dương quan trọng nhất của thế giới, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, ra lệnh xem ai được vào và ai thì không. Tất cả những việc như thế này đang xảy ra trên bề mặt đại dương.
Vậy còn những thứ đang xảy ra ở phía dưới đại dương thì sao? Một lần nữa, Trung Quốc đang dẫn đầu trong việc tích cực khai thác các tầng đại dương để chiếm đoạt các khoáng sản có giá trị. Với các hoạt động khai thác bành trướng như vậy, hậu quả của một Trung Quốc không bị thách thức sẽ là không thể tưởng tượng được.
Năm ngoái, tác giả Stephen Chen đã đặt ra câu hỏi rằng vùng biển sâu của thế giới có thể trở thành địa giới khai thác tiếp theo của Trung Quốc hay không. Mười hai tháng sau đó, câu trả lời là có.
Trong thập niên qua, Trung Quốc đã tích cực mở rộng các hoạt động sự can dự của mình trong khu vực Ấn Độ Dương. ĐCSTQ cũng đang mở rộng sự hiện diện của mình trong khu vực Thái Bình Dương. Điều này không phải là tình cờ. Đây là một phần trong chiến lược “hai đại dương” của Trung Quốc; họ đã gieo mầm cho hoạt động này từ hai thập niên về trước. Mặc dù những kế hoạch tốt nhất thường bị thất bại, nhưng kế hoạch thống trị cả hai đại dương của ĐCSTQ đang diễn ra khá suôn sẻ. Chiến lược “hai đại dương” này được thiết kế chỉ vì một lý do duy nhất: mang lại cho ĐCSTQ quyền kiểm soát lớn hơn đối với cả hai đại dương.
Thử đặt chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương này vào bối cảnh, nó giúp mọi người hiểu rõ giá vị và tầm quan trọng của hai đại dương này. Thái Bình Dương là đại dương lớn và sâu nhất thế giới, bao phủ khoảng 1/3 bề mặt trái đất. Trong khi đó, vùng biển Ấn Độ Dương tiếp giáp với 28 quốc gia; các quốc gia này chiếm hơn 1/3 dân số thế giới. Theo các nhà nghiên cứu tại Sri Lanka, Ấn Độ Dương “nắm giữ 16,8% trữ lượng dầu mỏ đã được chứng minh của thế giới và 27,9% trữ lượng khí đốt tự nhiên đã được chứng minh”. Thái Bình Dương cũng có tiềm năng lớn về dầu khí.
Trong bài báo của mình, ông Chen đã thảo luận về một thực tế là có một số nhà nghiên cứu nổi tiếng của Trung Quốc đã xác định được một tập hợp “các mỏ khoáng sản biển sâu quan trọng về mặt chiến lược”. Rất nhiều trong số các mỏ khoáng sản này nằm trong vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trên thực tế, cả hai đại dương này đều là nơi có nhiều loại khoáng sản tương tự với những gì chúng ta tìm thấy trên đất liền, một thực tế mà Bắc Kinh sẽ không bao giờ bỏ sót.
Thăm dò và khai thác
John Mac Ghlionn, tác giả bài viết này đã liên lạc với ông Baban Ingole, một chuyên gia về đại dương danh tiếng, để đưa ra nhận xét về vấn đề này.
Ông Ingole nói rằng cả hai đại dương đều có “trữ lượng phong phú các khoáng chất quan trọng như coban, niken, và đồng”, một “thành phần chính” trong bộ ắc quy của xe điện. Đến năm 2030, thế giới sẽ có ít nhất 145 triệu xe điện. Người Trung Quốc — một lần nữa, nhận thức đầy đủ về thực tế này và có ý định trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về cả sản xuất lẫn phân phối các loại phương tiện như vậy.
Ông Bramley J. Murton, người đứng đầu ngành khoa học địa chất biển của Trung tâm Hải dương học Quốc gia, Southampton, Vương Quốc Anh, đã lặp lại quan điểm của ông Ingole, nói rằng các quốc gia quan tâm đến việc khai thác đại dương để “có được sự bảo đảm về nguồn cung cấp đối với các nguồn nguyên tố mà hiện nay đang rất quan trọng đối với các loại hình công nghệ tân tiến như sản xuất năng lượng tái tạo, lưu trữ [điện], và điện khí hóa ngành giao thông vận tải.”
Ông cho biết: Coban, niken và tellurium là những khoáng chất chính. Khi nhu cầu về công nghệ xanh tăng theo cấp số nhân, ông Murton tin rằng “nguồn cung ứng trên đất liền sẽ phải gồng mình để bắt kịp nhu cầu”, do đó Trung Quốc mong muốn khai thác các đại dương.
Ông Murton, một nhà địa chất được đào tạo nói rằng hoạt động khai thác dưới đáy biển sâu (DSM) “ít xâm hại đến xã hội con người hơn so với khai thác trên cạn — không cần xây dựng lắp đặt công trình hạ tầng (như đường xá, nhà máy sản xuất, ao thải, v.v.), do đó không có cộng đồng nào bị ảnh hưởng hoặc cần di dời”.
Vậy hoạt động khai thác biển sâu tồn đọng những vấn nạn nào?
Ông Ingole nói “Việc khai thác đáy biển sâu để lấy kim loại dùng trong ắc quy có thể gây ra những tác động tiêu cực không thể đảo ngược và lâu dài đối với hệ sinh thái biển sâu và đối với tính đa dạng sinh học”.
Tác giả bài viết đã từng lưu ý trong các báo cáo khác, ĐCSTQ là chuyên gia trong việc phá hủy sự đa dạng sinh học. Không chỉ là vấn đề môi trường, mà khai thác dưới đáy biển sâu còn là một vấn đề địa chính trị.
Ông Murton cho biết: “Việc khai thác dưới đáy biển sâu (DSM) đòi hỏi sự tuân thủ của cộng đồng quốc tế”. Ông lưu ý: “Theo luật biển của Liên Hiệp Quốc, các khu vực “ngoài quyền tài phán quốc gia” đang “được mở để khai thác bền vững”. Để bảo đảm an toàn và công bằng, điều này “yêu cầu tất cả các quốc gia phải tuân thủ hiệp ước”.
Không có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh từ chối tuân thủ các quy tắc [trong hiệp ước]. ĐCSTQ đang không ngừng rắp tâm bóp méo và vận dụng sai các quy tắc này.
Ông Murton nói thêm: “Ngoài ra, đối với một số quốc gia, việc kiểm soát nguồn cung cấp kim loại trọng yếu là yếu tố chính trong việc tính toán chiến lược của họ — nếu họ đánh mất quyền kiểm soát nguồn cung cấp này, họ sẽ đánh mất ảnh hưởng địa chính trị”.
Tin xấu không chỉ dừng ở đó. Các nhà nghiên cứu Ấn Độ đã nhấn mạnh rằng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một khu vực đa cực, chiếm hơn 60% GDP toàn cầu và hơn một nửa dân số thế giới.
Hơn nữa, nhiều “điểm án ngữ quan trọng nhất thế giới của hệ thống thương mại toàn cầu đều nằm trong khu vực này, kể cả Eo biển Malacca, có ảnh hưởng rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, các nhà nghiên cứu lưu ý.
Khi cả thế giới đang say giấc, thì ĐCSTQ đã cuỗm đi hai đại dương quan trọng nhất của chúng ta.