Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLiệu thế giới có quay lưng khi TQ bênh vực Nga?

Liệu thế giới có quay lưng khi TQ bênh vực Nga?

Mới đây, trong một phát biểu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên án gay gắt Mỹ và EU về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, cảnh báo rằng việc vũ khí hóa vị thế tài chính của họ sẽ mang đến thảm họa cho người dân trên khắp thế giới.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin.

Tại Diễn đàn Kinh doanh của nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tại Bắc Kinh ngày 22/6, ông Tập phát biểu: “Việc chính trị hóa nền kinh tế toàn cầu và biến nó thành một công cụ hay vũ khí của ai đó cũng như việc cố ý áp đặt các biện pháp trừng phạt bằng cách sử dụng vị thế quan trọng của nước nào đó trong các hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế sẽ chỉ kết thúc bằng việc làm tổn thương lợi ích của chính họ và của những người khác, gây ra nỗi đau khổ cho tất cả mọi người

Ông chia sẻ thêm: “Cuộc khủng hoảng ở Ukraine một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho nhân loại. Phương Tây chắc chắn rơi vào khủng hoảng nếu đặt niềm tin mù quáng vào sức mạnh của mình, mở rộng khối quân sự và xây dựng chính sách an ninh bằng cách gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh nước khác”.

Cũng trong hội nghị, ông Tập đã lên án các lệnh trừng phạt, nói rằng các doanh nhân Nga và Trung Quốc buộc phải phát triển doanh nghiệp của họ trong một môi trường đầy thách thức, nơi “các đối tác phương Tây đã bỏ qua các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường, thương mại tự do và quyền bất khả xâm phạm của tài sản tư nhân”. Ông cho biết các biện pháp trừng phạt cũng dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và thiếu hụt nguyên liệu, linh kiện và thực phẩm.

Thực tế cho thấy các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU áp đặt lên Nga đã gây ra những tổn thất lớn về kinh tế ở phương Tây, khiến giá năng lượng và giá lương thực tăng lên mức kỷ lục. Nhiều quốc gia châu Âu đang phải chật vật tìm nguồn cung thay thế khí đốt của Nga.

Vì thế, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi EU đối xử với Trung Quốc theo cách của riêng mình, ám chỉ việc khối này có thể bị Mỹ tác động và gây sức ép lên Trung Quốc với hy vọng gián tiếp ảnh hưởng đến Nga.

Cùng lúc, Chủ tịch Trung Quốc cũng kêu gọi các nước phối hợp với nhau trong những vấn đề kinh tế, cho rằng nỗ lực “xây một cái sân nhỏ với tường cao” không có lợi cho bên nào. Toàn cầu hoá kinh tế là yêu cầu khách quan của phát triển các lực lượng sản xuất và là xu hướng lịch sử không thể cưỡng lại. Đi ngược lại lịch sử và cố gắng chặn đường người khác cuối cùng sẽ là tự chặn đường mình”.

Tất cả những lời nói và hành động trên đều cho thấy Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau hơn. Đặc biệt là trong các lĩnh vực chính trị, thương mại, quân sự và khẳng định mối quan hệ song phương “không có giới hạn”. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với lượng giao dịch năm ngoái đạt 147 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2019.

Kể từ chiến dịch quân sự Nga – Ukraine nổ ra, đây là động thái có phần “cứng rắn nhất” của Trung Quốc sau nhiều lần bị Mỹ và phương Tây chỉ trích là “ngó lơ” trong chiến sự.

Trước đó, nhiều lãnh đạo thế giới đã kêu gọi Trung Quốc lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và thúc đẩy hòa bình. Tuy nhiên, Trung Quốc khẳng định tôn trọng chủ quyền của Ukraine, từ chối lên án Nga và kêu gọi giải quyết vấn đề thông qua đàm phán.

Tuy nhiên, đến gần đây những gì Trung Quốc thể hiện lại đang đi ngược lại tuyên bố trung lập trước đó.

Đầu tháng 6, một quan chức cấp cao của Chính phủ Trung Quốc tuyên bố nước này phản đối và sẽ không tham gia vào các biện pháp trừng phạt tài chính mà Mỹ và các nước đồng minh phương Tây nhằm vào Nga.

“Về các biện pháp trừng phạt tài chính, chúng tôi không ủng hộ việc đó và phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương. Bởi trừng phạt như vậy sẽ không giải quyết được vấn đề và Trung Quốc sẽ không tham gia vào các biện pháp trừng phạt như vậy, hãng tin CNBC dẫn lời ông Guo Shuqing, Chủ tịch Uỷ ban Giám sát ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc (BIRC).

Cùng với đó, các lãnh đạo Trung Quốc cũng bác bỏ việc ủng hộ Nga hay giúp đỡ nước này lách lệnh trừng phạt. Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh Trung Quốc luôn tìm kiếm hòa bình và thúc đẩy các cuộc đàm phán ở Ukraine, sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng với cộng đồng quốc tế.

Ở một diễn biến khác, hôm 19/6, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành mô tả các lệnh trừng phạt phương Tây áp lên Nga là “ngày càng thái quá” và “không thể giải quyết vấn đề”.

Ông Lạc đưa ra bình luận trên tại một hội nghị an ninh ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, và nhấn mạnh thêm rằng người dân Nga đang bị tước đoạt tài sản ở nước ngoài “không có lý do”.

“Lịch sử hết lần này đến lần khác chứng minh rằng trừng phạt không thể giải quyết vấn đề. Các biện pháp trừng phạt sẽ chỉ gây tổn hại cho những người dân bình thường, tác động đến hệ thống kinh tế và tài chính và làm xấu đi nền kinh tế toàn cầu”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói.

Các chuyên gia nhận định, Trung Quốc coi việc sử dụng các biện pháp trừng phạt nói chung là trái phép và đơn phương, song thường sử dụng thương mại như một vũ khí không chính thức chống lại các quốc gia có xung đột về ngoại giao.

Thực hư về việc Trung Quốc “ủng hộ” Nga vẫn còn chưa ngả ngũ, nhưng những tuyên bố gần đây của Chủ tịch Tập Cận Bình đang khiến Mỹ và EU vô cùng phẫn nộ.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới