Sunday, January 12, 2025
Trang chủQuân sựNhật Bản - Mỹ - Hàn Quốc và chiến lược tam giác...

Nhật Bản – Mỹ – Hàn Quốc và chiến lược tam giác Đông Bắc Á

Hôm nay (29/6), tại Tây Ban Nha diễn ra hội nghị thượng đỉnh 3 bên Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc. Đây là cuộc gặp đầu tiên sau hơn 4 năm giữa các lãnh đạo 3 bên kể từ cuộc gặp gần nhất được tổ chức hồi tháng 9/2017.

Cờ Hàn Quốc và Nhật Bản.

Cuộc gặp này diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ phóng thử tên lửa, trong khi các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vẫn bế tắc, dự kiến, tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn lần này, các nhà lãnh đạo sẽ tái khẳng định quan hệ hợp tác trong việc đối phó với Triều Tiên, và tăng cường hợp tác nhằm hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Mục tiêu chính

Hội nghị 3 nước diễn ra ngay lập tức sau khi Hội nghị Nhóm G7 vừa kết thúc tại Đức, trong đó Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp song phương bàn bạc, thống nhất và thỏa thuận nhiều vấn đề liên quan đến hợp tác kinh tế, an ninh, quốc phòng… giữa hai quốc gia. Hai bên cũng đề cập tới tăng cường hợp tác với Hàn Quốc trong vấn đề làm sao để thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Và như vậy, cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Hàn-Mỹ có những điểm đáng chú ý sau đây;

Thứ nhất, cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh thế giới trong hơn 2 năm qua đối diện với đại dịch Covid-19 khiến chiều hướng xã hội có những thay đổi. Bên cạnh đó, cuộc xung đột Nga-Ukraine, cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa thể giải quyết, sự phân cực giữa các nước có chiều hướng gia tăng, đòi hỏi Mỹ và các nước đồng minh như Nhật Bản, Mỹ cần có những ứng xử phù hợp trong quan hệ đa phương.

Thứ hai, sau 4 năm, Hội nghị thượng đỉnh 3 nước mới được diễn ra nhưng cùng lúc 3 quốc gia đều có lãnh đạo mới, trong đó có Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol chỉ vừa nhậm chức chưa đầy 2 tháng. Mặc dù lập trường của ông Yoon Suk-yeol mong muốn cải thiện quan hệ với Nhật Bản, tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ, nhưng đây cũng là dịp để Nhật Bản và Mỹ xác nhận lại một cách rõ ràng hơn quan điểm của Hàn Quốc trong các vấn đề mà 3 bên mong muốn thúc đẩy hợp tác mà trọng tâm là vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, hay công dân Nhật Bản bị bắt cóc, hợp tác hỗ trợ nhân đạo trong cuộc xung đột Nga – Ukraine…

Thứ ba, sau đại dịch Covid-19 và xung đột Nga – Ukraine, có lẽ sự phân cực giữa các nước lớn, sự dao động về quan điểm giữa các nước ngày càng rõ. Nhật Bản và Mỹ đang thúc đẩy chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở và mong muốn có sự tham gia, ủng hộ của các nước mà đầu tiên là Hàn Quốc. Do vậy, cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên lần này thực chất là mong muốn sự thống nhất về những vấn đề quốc tế có sự tham gia của cả 3 bên, tránh xâm phạm lợi ích cá nhân.

Cải thiện quan hệ Nhật-Hàn

Có ý kiến cho rằng, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn là cơ hội để cải thiện quan hệ Seoul và Tokyo, hai đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á, do những bất đồng kéo dài suốt 4 năm qua.

Trở lại thời gian trước đó, vào tháng 4 khi mà ông Yoon Suk-yeol đắc cử Tổng thống Hàn Quốc, ngay lập tức ông đã phái đoàn đại biểu cấp cao do Phó Chủ tịch Quốc hội tới thăm Nhật Bản. Dư luận cho rằng ông Yoon Suk-yeol sẽ có chính sách cải thiện quan hệ mạnh mẽ với Hàn Quốc khi cha của ông có quan hệ thân thiết với các nhà khoa học trong ngành thống kê của Nhật Bản, và bản thân ông cũng có tình cảm nhất định do ảnh hưởng từ cha. Khi Tổng thống Yoon Suk-yeol tổ chưc Lễ nhậm chức thì Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi đã tới dự trực tiếp và gặp riêng rẽ với Tổng thống.

Trong các cuộc gặp, hai bên đều tỏ rõ thành ý mong muốn đối thoại hướng tới giải quyết những vấn đề khúc mắc giữa hai bên, đồng thời khẳng định mối quan hệ bình thường giữa hai nước là không thể thiếu nhằm thực hiện một trật tự quốc tế có nguyên tắc, vì hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực và thế giới. Trong bối cảnh trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang bị đe dọa, thì hợp tác chiến lược giữa Nhật Bản-Hàn Quốc và liên minh Nhật-Mỹ-Hàn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đồng thời việc cải thiện quan hệ Nhật-Hàn là điều cần thiết và không thể chờ đợi lâu hơn.

Các đoàn cấp cao cũng như chính phủ sẽ nhanh chóng tiến hành thảo luận để giải quyết các mối quan ngại càng sớm càng tốt như vấn đề lịch sử, vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại của các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến, trong đó Tòa án Hàn Quốc đang tiến hành quy trình bán tài sản của doanh nghiệp Nhật. Trong một phát biểu mới nhất thì ngay cả Thủ tướng Kishida Fumio cũng khẳng định sẽ xúc tiến cải thiện quan hệ với Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Tokyo đang liên lục yêu cầu Seoul phải đề ra giải pháp cụ thể cho vấn đề này, nên việc đạt tiến triển như thế nào lại vẫn cần thời gian. Giải quyết vấn đề không chỉ dừng lại ở các cuộc gặp mà chính xác là những giải pháp cụ thể nào có thể đưa ra. Nhưng dù vậy, dự kiến cuộc gặp song phương Hàn-Nhật sẽ được diễn ra nhân dịp này và hy vọng hai bên sẽ có những thỏa thuận ban đầu nhằm từng quyết giải quyết mâu thuẫn còn tồn tại.

Tam giác chiến lược Đông Bắc Á

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở đang được thực hiện bởi Mỹ-Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Mục đích chính của chiến lược này là có những ứng xử thích hợp trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy cả về tiềm lực kinh tế, quốc phòng…cũng như sức ảnh hưởng và hy vọng mở rộng “tràn” ra thế giới trên mọi lĩnh vực, mọi cấp độ.

Hàn Quốc và Nhật Bản đều là đồng minh của Mỹ, có tiềm lực kinh tế mạnh của cả thế giới và khu vực. Sức ảnh hưởng của hai nước này rất lớn, ngay cả Trung Quốc chưa hẳn trong lĩnh vực nào cũng có sức cạnh tranh. Về vị trí địa lý thì thuận lợi cho sự ra vào của Mỹ. Hơn thế nữa, Mỹ đang hỗ trợ mạnh mẽ cho an ninh quốc phòng 2 nước này, sự trao đổi cũng thể hiện rất rõ ràng trong vấn đề này.

Hàn Quốc dĩ nhiên có sự ủng hộ đối với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng tham gia ở mức độ nào thì vẫn còn cân nhắc, bởi nước này vẫn mong muốn duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc. Điều này Mỹ và Nhật Bản thấy rõ nhưng cũng không thể can thiệp bởi đó là quan điểm riêng mỗi nước trong lợi ích của họ.

Tuy vậy, dù sao Hàn Quốc-Mỹ-Nhật Bản vẫn là tam giác quan hệ quan trọng trong khu vực Đông Bắc Á mà ít nhóm quan hệ nào có thể vượt mặt. Chính nó có thể tạo ra sức mạnh làm cân bằng mâu thuẫn ở khu vực nào đó trên thế giới trong đó có chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới