Tháng 6, những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải khoác lên vẻ đẹp lung linh trong mùa nước đổ. Đây là một trong những thời điểm đẹp nhất trong năm của huyện vùng cao phía Tây tỉnh Yên Bái.
Mùa nước đổ là khi người dân Mù Cang Chải đưa nước về ruộng chuẩn bị cho một vụ cấy trồng mới.
Các thế hệ người Mông bao đời nay cùng nhau tô điểm cho những thửa ruộng bậc thang của mình.
Nước đã đổ và người Mông nơi đây tiếp tục tô thêm màu xanh cho những bậc thang hùng vĩ.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải nằm trải rộng trên diện tích hơn 2.300ha, nhưng tập trung nhiều nhất ở 3 xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và Chế Cu Nha. Đây là nơi canh tác lúa nước của người Mông và cũng là minh chứng cho sự sáng tạo trong việc canh tác lúa nước thích ứng với điều kiện khí hậu, đất đai và thủy lợi của đồng bào dân tộc miền núi.
Màu đất và nước phản chiếu lung linh trong sắc nắng.
Vào thời điểm này, dù dưới góc nhìn nào ruộng bậc thang cũng hiện lên lung linh, huyền ảo.
Huyện Mù Cang Chải có khoảng trên 62.000 dân, trong đó 91% là dân tộc Mông, còn lại là dân tộc Thái, Kinh và các dân tộc khác. Sự đa dạng về dân tộc cũng tạo nên cho Mù Cang Chải có một nền văn hóa phong phú, là sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong toàn huyện.
Khung cảnh “sóng nước” tuyệt đẹp qua góc máy từ trên cao.
Không chỉ giúp người dân phát triển kinh tế nông nghiệp, những triền ruộng bậc thang huyền ảo còn đưa Mù Cang Chải trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
T.P