Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChiếc tủ kính trưng bày quyền lực mềm

Chiếc tủ kính trưng bày quyền lực mềm

“Quyền lực mềm” của Trung Quốc bắt đầu được thể hiện trong việc đào tạo cán bộ lãnh đạo cho các nước ở Nam châu Phi. Chả là hồi giữa tháng 6 vừa qua, một trường học đặc biệt có tên Leadership School tại Tanzania đã khai giảng khóa đầu tiên.

“Trường đảng” đặc biệt này được Bắc Kinh đầu tư 40 triệu USD. Mô hình tổ chức, chương trình đào tạo ở đây giống như hệ thống các trường đảng đào tạo các thế hệ cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Bạn đọc đã biết, ở mỗi quốc gia, bên cạnh “quyền lực cứng” bao gồm lực lượng quân sự, dân số, địa lý, tài nguyên chiến lược, còn có “quyền lực mềm”. Quyền lực mềm là khả năng của một xã hội trong việc tạo ảnh hưởng đến người khác, dựa trên sự hấp dẫn của các giá trị chính trị, văn hóa và chính sách đối ngoại, mà không thông qua việc dùng vũ lực, không đe dọa, mua chuộc.

Vào năm 2014, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định: “Chúng ta nên tăng cường sức mạnh mềm, đưa ra một câu chuyện hay về Trung Quốc và truyền đạt tốt hơn các thông điệp của Trung Quốc với thế giới”.

Trong những năm qua, Trung Quốc tập trung mở rộng quyền lực mềm thông qua các viện Khổng Tử (Viện Khổng Tử đầu tiên vào năm 2004 tại Seoul, Hàn Quốc). Nước này hiện có hơn 500 Viện rải rác trên khắp thế giới. Ngoài ra, còn có các trung tâm, tổ chức phi lợi nhuận liên kết với Bộ Giáo dục Trung Quốc, cung cấp các khóa học tiếng Quan Thoại, các lớp học nấu ăn và thư pháp cũng như lễ kỷ niệm các ngày lễ quốc gia của Trung Quốc.

Đủ thấy Trung Quốc quan tâm tới việc nối dài cánh tay của mình tới các quốc gia trên thế giới như thế nào!

Trở lại với “trường đảng” ở Nam phi. Những lớp học mới toanh này dành riêng cho giới tinh hoa chính trị của nhiều nước ở miền nam châu Phi, được Trung Quốc tài trợ. Leadership School là trường chính trị đầu tiên do Trung Quốc đỡ đầu ở lục địa đen.

Vào ngày khai giảng, đích thân ông Tập Cận Bình đã gửi điện chúc mừng thầy và trò. Ông căn dặn: “tham gia tích cực vào việc thúc đẩy tình hữu nghị Trung-Phi trên tinh thần hợp tác giữa Trung Quốc và lục địa Phi”.

120 người theo học ở cơ sở này đến từ 6 quốc gia: Nam Phi, Tanzania, Mozambique, Angola, Zimbabwe và Namibia. Tất cả các quốc gia có điểm chung là các đảng cầm quyền có mối quan hệ lâu đời với Trung Quốc. Đặc biệt, Đảng Cộng sản Trung Quốc và đảng cầm quyền ở Tanzania hiện nay Chaa cha Mapinduzi (CCM) vẫn duy trì quan hệ gần gũi liên tục từ thời kỳ hậu thuộc địa. Quan hệ giữa hai nước đã được Bắc Kinh đánh giá “tin cậy và bền vững”.

Để xây dựng trường học đặc biệt này, Bắc Kinh mới chi hơn 40 triệu USD. Một con số không thấm tháp gì so với hàng tỷ USD mà họ đã đầu tư bằng cách cho vay để phát triển hạ tầng cơ sở ở Châu Phi. Không cần bàn cãi, theo cách nói của người Việt là Bắc Kinh đang “thả vỏ quýt ăn mắm ngấu”. Cách làm ít tốn kém mà tạo được nền tảng cho việc quảng bá mô hình lãnh đạo theo kiểu chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Sâu xa hơn, mục đích của Bắc Kinh nhằm tạo ảnh hưởng đến thế hệ trẻ châu Phi, giúp họ thấu hiểu mô hình lãnh đạo theo kiểu Trung Quốc, và rồi các hạt giống đỏ này sẽ phổ biến, sẽ nhân rộng ở đất nước họ. Tuy nhiên, chương trình, nội dung các lớp đào tạo thì khó có thể biết. Một chuyên gia hé lộ: một phần chương trình học sẽ tập trung vào di sản của phong trào giải phóng dân tộc trong thời kỳ đấu tranh chống chủ nghĩa apartheid ở Nam Phi, đồng thời khẳng định tình hữu nghị lâu đời với Trung Quốc.

Lớp học này đầu tiên này khai giảng vào thời điểm quan trọng trong đời sống chính trị của sáu nước châu Phi nêu trên. Tất cả các đảng cầm quyền, ở cấp độ này khác, đang bị sức ép của các phe đối lập và có nguy cơ bị mất quyền. Họ đang đi tìm lời khuyên để bảo đảm cho sự tồn vong chính trị ở một nước là Trung Quốc, một “bậc thầy” về chủ nghĩa thực dụng.

Vì sao Bắc Kinh bắt đầu gieo “hạt giống cộng sản” ở Nam châu phi? Điều này có căn nguyên là, hàng chục năm nay có hàng trăm thanh niên châu Phi được mời đến học ở Trung Quốc. Đi học theo cách này sẽ đỡ tốn kém hơn là bỏ ra cả đống tiền. Trung tâm đào tạo chính trị được xây dựng ở chân trời xa xôi của Lục địa đen là bằng chứng cho thấy các nỗ lực xây dựng quyền lực mềm của Bắc Kinh bắt đầu có hiệu quả.

Không phải chỉ có Trung Quốc “khôn”. Vấn đề “ai thắng ai” trong cuộc chiến giành ngôi vị bá chủ thế giới vẫn đang hết sức cam go. Mỹ cũng đang ra sức chạy đua giành quyền lực mềm. Trận chiến này là cơ hội để đánh giá ai sẽ thành công hơn trong việc tạo ảnh hưởng lớn đến thế hệ trẻ châu Phi.

Chắc chắn rằng, Trung Quốc sẽ không dừng lại ở cơ sở đào tạo mang tính đặt dấu mốc này. Khi thanh thế của Mỹ ở châu Phi càng sa sút thì thanh thế của Trung Quốc càng trỗi dậy với các nước châu Phi đang muốn có sự thay đổi. Một nhà bình luận quốc tế ví von: Trường chính trị như ở Tanzania có thể trở thành chiếc tủ kính trưng bày quyền lực mềm theo kiểu Trung Quốc.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới