Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Tiếng gà gáy” lạc lõng trên đảo Ba Bình

“Tiếng gà gáy” lạc lõng trên đảo Ba Bình

Chính quyền Đài Bắc lại giở trò trên đảo Ba Bình- thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Vẫn là chiêu trò cũ: tập trận bắn đạn thật. Cũng như các lần trước, Hà Nội lại kiên quyết phản đối. Và Đài Bắc vẫn… phớt lờ.

Trong lúc Bắc Kinh đang ráo riết chuẩn bị tinh thần và lực lượng để thu hồi Đài Loan, không để đứa con bất trị này ngả theo Mỹ, thì Đài Bắc ra sức củng cố, xây dựng quân đội để sẵn sàng chống trả Đại Lục. Trong các hoạt động nâng cao sức mạnh của quân đội, đáng tiếc, có việc hòn đảo này tập trận trên đảo Ba Bình- một hòn đảo mà Đài Loan cưỡng chiếm từ năm 1956. Họ nhận xằng, đây là đảo Thái Bình, thuộc quần đảo Nam Sa (!).

Thật là trơ trẽn khi một con người mang hai cái tên.

Hôm 2/7/2022, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng đã dõng dạc tuyên bố lên án Đài Bắc. Theo đó Hà Nội yêu cầu Đài Loan hủy bỏ ngay lập tức cuộc tập trận bắn đạn thật ở Trường Sa. Lập trường của Việt Nam đối với việc Đài Loan tiến hành bắn đạn thật ở vùng biển này là rõ ràng, nhất quán và được khẳng định trong nhiều năm qua. Hành động này đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đe doạ hoà bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.

Không chỉ có Việt Nam lên tiếng, ngày 28/6, Philippines cũng đã bày tỏ “sự phản đối mạnh mẽ” đối với “các cuộc tập trận bắn đạn thật trái pháp luật” của Đài Loan ngoài khơi đảo Thái Bình. Philippines cũng nhận Thái Bình là hòn đảo của nước này và đặt tên là …đảo Ligaw. Họ tuyên bố: đảo Ligaw là “một phần không thể tách rời của nhóm đảo Kalayaan” thuộc về Philippines (!).

Xin nhắc lại một chút về đảo Ba Bình.

Hơn 10 năm trước, vào ngày 21-1-2008, lần đầu tiên Đài Loan cho máy bay quân sự C-130 Hercules hạ cánh xuống đường băng vừa xây xong trên đảo Ba Bình, xâm phạm trắng trợn lãnh thổ Việt Nam!

Chính quyền Hà Nội có đủ căn cứ, tài liệu chứng minh rằng, Ba Bình từ xa xưa đã là của nước Việt. Hiệp định Genève ký kết năm 1954 chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của nước Việt Nam. Trong Điều 1 đã qui định rõ, đường ranh tạm thời về quân sự được ấn định bởi sông Bến Hải (ở vĩ tuyến 17). Đường ranh tạm thời này cũng được kéo dài ra trong hai phần bằng một đường thẳng từ bờ biển ra ngoài khơi theo điều 4 của hiệp định. Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông ở dưới vĩ tuyến 17 sẽ đặt dưới sự quản lý hành chính của phía chính quyền quản lý miền Nam. Bấy giờ hai quần đảo này chưa có sự chiếm đóng của bất cứ quân đội nước nào ngoài quân đội Pháp.

Thế nhưng, khi nhìn thấy miếng mồi ngon đang có phần hớ hênh, Trung Quốc, Đài Loan đã tìm cách cưỡng chiếm hai đảo lớn.

Ngày 1/6/1956, Ngoại trưởng chính quyền Việt Nam cộng hòa Vũ Văn Mẫu ra tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hai tháng sau, ngày 22/8/1956, lực lượng hải quân của chính quyền Việt Nam cộng hòa đã đổ bộ lên các hòn đảo chính của nhóm Trường Sa, dựng một cột đá và treo cờ. Rất liều lĩnh, tháng 10/1956, hải quân Đài Loan xua quân chiếm đảo Ba Bình. Cũng thời điểm ấy, Trung Quốc chiếm Phú Lâm, hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa.

Lịch sử còn rành rành ra đó. Suốt thời kỳ Pháp thuộc, chế độ bảo hộ Pháp có viên khâm sứ đứng đầu Trung kỳ chịu trách nhiệm quản lý quần đảo Hoàng Sa; tương tự, Nam kỳ quản lý quần đảo Trường Sa. Chính quyền thuộc địa Pháp đã có những hành động cụ thể củng cố, khẳng định và bảo vệ chủ quyền tại hai quần đảo như một phần cơ thể của Tổ quốc Việt Nam.

Sau khi Pháp bại trận, đương nhiên hai quần đảo này là của chính quyền nước Việt Nam mới.

Không ai nghĩ tới việc Bắc Kinh và Đài Bắc đã cưỡng chiếm trái phép và giở trò bài bây đã hơn 60 năm qua. Không phải là lúc này thì 20 năm, 50 năm, hoặc lâu hơn nữa, thế hệ con cháu người Việt sẽ đòi lại phần cơ thể thiêng liêng ấy, không để một tấc đất, một sải biển mà cha ông để lại rơi vào tay quân xâm lược.

Những cuộc tập bắn đạn thật của Đài Loan, hay Trung Quốc, chỉ là sự “khẳng định” chủ quyền một cách yếu ớt; trước sau chỉ là tiếng gà gáy lạc lõng, nhìn ánh trăng tưởng sáng.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới