Monday, January 27, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTàu sân bay, ai hạ gục ai?

Tàu sân bay, ai hạ gục ai?

Cuộc chạy đua nâng cao sức mạnh hải quân giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên quyết liệt. Từ nay đến cuối năm 2022, các con tàu sân bay hiện đại nhất, đắt nhất thế giới mà cả hai nước đều tuyên bố hùng hồn vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện và đưa vào sử dụng nhằm “hạ gục” đối phương. Rốt cuộc là ai sẽ hạ gục ai?

Mỹ vừa công bố cho ra đời tàu sân bay USS Gerald R. Ford hiện đại nhất hiện nay, đồng thời cũng là con tàu đắt nhất thế giới, với giá 13,3 tỷ USD. Chi phí này chưa bao gồm ngân sách dành cho hơn 70 máy bay các loại mà tàu sân bay này sẽ mang theo, cũng như đội tàu hộ tống đi cùng.

Tàu USS Gerald R. Ford sẽ được triển khai lần đầu vào cuối năm nay. Tuy có muộn hơn 4 năm so với kế hoạch, nhưng Washington tin rằng, không một con tàu hiện đại nào trên thế giới có thể so sánh.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford (đặt theo tên Tổng thống thứ 38 của Mỹ là Gerald R. Ford). Con tàu khổng lồ này ghi một dấu mốc trong lịch sử hải quân Mỹ nói riêng, quân đội Mỹ nói chung. Nó đạt được khả năng hoạt động ban đầu (IOC) vào tháng 12/2021.

IOC là một thuật ngữ chuyên ngành, chỉ hệ thống vũ khí mới được chứng nhận đủ điều kiện phục vụ các nhiệm vụ chiến đấu trong tình hình hiện nay. USS Gerald R. Ford là chiếc đầu tiên trong số các tàu sân bay lớp Ford. Lớp tàu sân bay này sẽ thay thế cho các tàu sân bay lớp Nimitz.

Nếu nói về khả năng chiến đấu thì con tàu “quái vật biển” này không hề đắt chút nào. Tàu có thể mang theo khoảng 40-đến 50 máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet và F-35 Joint Strike Fighters; 5 máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, 19 trực thăng MH-60 Seahawk, 4 máy bay cảnh báo sớm trên không E-2D Hawkeye và 2 máy bay vận tải MV-22B Osprey, v.v.. Khi thực hiện nhiệm vụ, siêu tàu được hộ tống bởi các tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường, tàu khu trục, tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu hậu cần.

Khi nói đến “quái vật biển”-2022 của Mỹ, các nhà lãnh đạo Bộ quốc phòng Trung Quốc lắng nghe với thái độ bình thản. Rằng, hãy đợi đấy! Hải quân Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ, không ngán gì các loại tàu chiến đã, đang và sắp được đưa ra thực địa của Mỹ.

Mới đây Trung Quốc cũng đưa ra “quái vật” biển của mình: Type 003 (Trung Quốc gọi là tàu Phúc Kiến). Trung Quốc có kế hoạch từ nay đến năm 2030, sở hữu ít nhất 4 nhóm tác chiến tàu sân bay đến năm 2030. Ba tàu đầu tiên chạy bằng động cơ tuốc bin hơi nước, trong khi chiếc thứ 4 (Type 003), được khởi công từ năm 2021, được cho là có động cơ hạt nhân.

Tàu này hơn hẳn so với hai tàu Liêu Ninh và Sơn Đông (sử dụng công nghệ cũ từ thời Liên Xô). Type 003 được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến hơn với động cơ hơi nước gần giống một số tàu chiến của Mỹ. Hệ thống bệ phóng máy bay cùng hệ thống vũ khí bố trí trên tàu cũng được thiết kế theo hướng giống tàu Mỹ.

Type 003 có thể được tích hợp hệ thống máy phóng từ trường để giúp máy bay cất cánh. Khả năng vượt trội của hệ thống máy phóng từ trường giúp máy bay có thể cất cánh nhanh với số lượng lớn, mang được nhiều nhiên liệu, đạn dược hơn.

Chính Quốc hội Mỹ cũng phải thừa nhận, tàu sân bay Type 003 của Trung Quốc dự kiến có lượng choán nước lên đến 100.000 tấn, tương đương một tàu sân bay cùng lớp của Mỹ. Song, các chuyên gia quân sự hàng đầu của Mỹ với cái nheo mắt bí hiểm, thông báo rằng, dù có hệ thống phóng tiên tiến, tàu sân bay Trung Quốc còn thua xa tàu sân bay Mỹ. Chỉ nêu một dẫn chứng: các tàu Mỹ có nhiều máy phóng máy bay hơn, đường băng lớn hơn và nhiều thang máy để triển khai máy bay nhanh hơn.

Vì những hạn chế đó, Type 003 không phải là thách thức trực tiếp đối với sức mạnh hải quân Mỹ. Vẫn biết Trung Quốc đang hướng tới một kỷ nguyên mới, cụ thể là xây dựng một Hạm đội hiện đại thời hậu Mỹ. Có điều, Trung Quốc không thể thống trị vùng biển châu Á chỉ với tàu sân bay.

Thái Bình Dương rất rộng lớn. Bắc Kinh sẽ cần các căn cứ nước ngoài để cải thiện khả năng giám sát khu vực, và giảm thời gian di chuyển của máy bay và tàu chiến. Mới đây Trung Quốc bắt tay xây dựng cảng Ream – một cơ sở hải quân ở Campuchia. Nước này cũng đã ký một thỏa thuận an ninh với đảo quốc Solomon ở Thái Bình Dương. Đó là tính toán của Bắc Kinh về việc xây dựng các tiền đồn quân sự trên biển.

Hành động này của Trung Quốc đã bị các nước trong khu vực lên án. Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và các thành viên của ASEAN đã nhận rõ một thách thức trên biển mang tên Trung Quốc. Tham vọng xây dựng căn cứ ở các quần đảo Thái Bình Dương và Đông Nam Á của Trung Quốc sẽ không thể ngăn chặn chỉ bằng vũ khí. Cần phải ngăn chặn âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc bằng con đường ngoại giao, nỗ lực kết hợp ngoại giao và kinh tế. Có như vậy mới bảo đảm được quyết tâm chiến lược: bất kỳ tham vọng nào của Trung Quốc nhằm tạo ra các quốc gia phụ thuộc ở châu Á sẽ thất bại ê chề.

Tuy nhiên, vẫn cần đề phòng những “rủi ro” nếu như Trung Quốc trở thành cường quốc hàng hải hàng đầu ở châu Á. Các tàu sân bay hiện đại là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang trỗi dậy. Giả sử Trung Quốc có vượt Mỹ thì điều đó cũng không có nghĩa là Bắc Kinh có quyền làm bá chủ trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Đấy là “giả sử” thôi. Còn nói theo ngôn ngữ mạng hội mà Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hay dùng là: Phúc Kiến ư? Còn xanh lắm!

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới