Một tuần sau sự kiện mang tên Đối thoại biển lần thứ 8 được tổ chức tại Hà Nội, dư luận vẫn tiếp tục quan tâm tới khả năng Trung Quốc rút khỏi UNCLOS.
Ngược dòng lịch sử, câu chuyện về khả năng rút khỏi Công ước LHQ về Luật biển (Unclos) 1982 từng được đề cập từ cách đây 6 năm về trước, trước thời điểm Tòa Trọng tài (PCA) thành lập theo Phụ lục VII của Unclos, ra phán quyết về vụ kiện đình đám của Philippines đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, tháng 7 năm 2016 với nhiều khả năng Philippines sẽ thắng kiện.
Nếu điều đó là thật, thì thắng lợi của Philippines, nói cho cùng, cũng là thắng lợi của các nước duyên hải Biển Đông cũng có yêu sách chủ quyền với các đảo, quần đảo trong khu vực, nhất là Việt Nam, Malaysia, và phần nào, cả Indonesia, thời điểm đó cũng đang phải nếm trải những động thái gây hấn ngang ngược của Trung Quốc.
Cho dù Philippines có thắng kiện, PCA cũng không có cơ chế buộc Trung Quốc phải thi hành. Tuy nhiên, là một cường quốc cố tình dương cao khẩu hiệu “trỗi dậy hòa bình”, cái thua trên giấy tờ đó, nếu xảy ra, vẫn sẽ khiến Trung Quốc bẽ mặt…
Thế nên Trung Quốc, thời điểm đó, đã nói với các nhà ngoại giao thuộc Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á (ASEAN), là họ không loại trừ khả năng rút ra khỏi Unclos để phản ứng lại điều mà họ cho rằng PCA đã “tự tiện” xử vụ kiện trái thẩm quyền; đồng thời, đe dọa dù Philippines có được xử thắng, Bắc Kinh cũng mặc kệ, chẳng thèm quan tâm.
Thách đố của Bắc Kinh thành sự thật. Không rút khỏi Unclos, nhưng Bắc Kinh không những không thực thi Phán quyết mà còn có những hành động hung hăng hơn. Hung hăng tới mức, nó khiến ngay cả ông Duterte – người từng đặt niềm tin lớn lao, đồng thời, tỏ ra thân thiện hết mực với Trung Quốc trong mấy năm đầu nhiệm kỳ, cũng phải chán nản, thất vọng vì mất niềm tin.
Bẵng đi sau 6 năm, lần này, câu chuyện rút khỏi Unclos của Trung Quốc trở lại. Cái khác, nó không phải tự Trung Quốc nói ra, mà từ một câu hỏi dành cho một diễn giả uy tín người Nhật Bản, là GS Nishimoto, tại Đối thoại Biển lần thứ 8, với với chủ đề “Kỷ niệm 40 năm UNCLOS: Thúc đẩy hợp tác biển ở Đông Nam Á” do Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV), Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (KAS) đồng tổ chức.
Cụ thể, sau nhấn mạnh trong tham luận của GS Nishimoto: “Các quốc gia cũng không nên bày tỏ quan ngại về việc một quốc gia chưa trở thành thành viên đầy đủ của Unclos hay chưa phê chuẩn các điều khoản liên quan về ranh giới trên biển”, có người đã hỏi ông về khả năng Trung Quốc có thể rút khỏi Unclos?
Không nói, ai cũng biết, đây là một câu hỏi nhạy cảm, nhưng không phải không có cơ sở. Và có thể vì đó một phần nên GS Nishimoto đã nói rằng, chưa dấu hiệu về một điều như vậy.
Rõ một điều, chưa có nghĩa là không loại trừ sẽ có. Cách nói nước đôi của vị giáo sư người Nhật đáng kính khiến dư luận không yên tâm; đồng thời, nó khiến họ nhớ lại những lời úp mở về khả năng này của Bắc Kinh năm tháng 6/2016 khi đón trước một phán quyết bất lợi cho mình.
Họ cũng không thể không liên hệ khả năng đó với việc Bắc Kinh lâu nay gần như quên bẵng vai trò, trách nhiệm trong tư cách là một thành viên của văn bản được ví là “hiến pháp biển”, để ngang ngược làm những điều quá đáng trên Biển Đông.
Đó là những gì? Là quân sự hóa các thực thể chiếm đóng trái phép. Là tổ chức tập trận quy mô lớn. Là ra lệnh cấm đánh bắt cá. Là cản trở các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của các nước láng giềng. Là đâm húc tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, Malaysia, Philippines. Là đe dọa tuyên bố Vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông…
Thò bút ký vào một văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng cùng 170 quốc gia khác, là Unclos, vậy mà Bắc Kinh chẳng hề do dự chà đạp lên chính nó. Vậy thì nếu như một lúc nào đó, Bắc Kinh tuyên bố rút khỏi nó, đâu có gì đáng ngạc nhiên.
Ngược lai, điều nếu xảy ra đó, thêm một lần nữa nói lên rằng Bắc Kinh sẵn sàng bước ra khỏi các khung pháp lý chung để khỏi bị ràng buộc bởi bất kỳ điều gì cản trở lòng tham biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ.
T.V