Monday, January 27, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiGSI không phải là con đường hòa bình

GSI không phải là con đường hòa bình

Sau “sáng kiến vĩ đại” Vành đai Con đường (BRI) vào năm 2013, giờ đây Trung Quốc lại xuất xưởng một Sáng kiến nữa: Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI – Global Security Initiative).

Đưa ra một sáng kiến mà ảnh hưởng của nó mang tầm vóc quốc tế, Bắc Kinh vừa ở thế chủ động vừa hết sức lo lắng, không hiểu “đứa con” của mình có được đón nhận, hay sẽ bị chối bỏ. Nếu như BRI đã được gần 150 quốc gia công nhận thì GSI đang gặp phải những phản ứng dữ dội, nhất là từ phía Mỹ và NATO. Một số quốc gia khác tuy đọc vị được sáng kiến này nhưng tạm thời phải im lặng, “dò đá qua sông”.

Số là, hồi tháng 4 vừa qua, tại Diễn đàn Bác Ngao, với chủ đề “Thế giới trong Covid-19 và hơn thế: Hợp tác cho phát triển toàn cầu và tương lai chung”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lớn tiếng nêu lên sáng kiến này. Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã cung cấp nhiều chi tiết về Sáng kiến An ninh Toàn cầu. Ông Vương nói xanh rờn: “Sáng kiến của chúng tôi đóng góp trí tuệ Trung Quốc nhằm bù đắp cho thâm hụt hòa bình hiện nay”.

Báo chí Trung Quốc nhất loạt hưởng ứng, giải thích tuyên bố của ông Vương: “Trung Quốc sẽ không bao giờ tuyên bố quyền bá chủ, tìm kiếm sự bành trướng hoặc phạm vi ảnh hưởng, cũng như không tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang”. Rằng, Trung Quốc đã và đang làm tất cả những điều đó. Cần lưu ý, Mỹ đang phá hoại trật tự an ninh toàn cầu bằng cách tìm kiếm bá quyền nhân danh dân chủ.

Trong sáu thành phần của GSI có việc “cam kết coi trọng các mối quan tâm chính đáng về an ninh của tất cả các quốc gia và duy trì nguyên tắc an ninh không thể chia cắt”. Thật không thể hiểu nổi khái niệm “an ninh không thể chia cắt” là như thế nào, và sẽ được thực hiện theo hình thức gì, nhưng có vẻ như nó đang tìm cách hợp pháp hóa việc Nga xâm lược Ukraine.

Trở lại bài phát biểu của Tập Cận Bình tại Diễn đàn Bác Ngao. Đây là bài nói nặng về khoa trương, không có chi tiết cụ thể. Ông Tập nói: “Một thực tế đã được chứng minh hết lần này đến lần khác là tâm lý Chiến tranh Lạnh sẽ chỉ phá hỏng khuôn khổ hòa bình toàn cầu. Chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền sẽ chỉ gây nguy hiểm cho hòa bình thế giới và sự đối đầu giữa các khối sẽ chỉ làm trầm trọng thêm các thách thức an ninh trong thế kỷ XXI”.

Theo các nhà phân tích, GSI được coi là đứa con song sinh với BRI, nhưng chủ yếu là về an ninh. Rõ ràng, Trung Quốc đang muốn ghé vai gánh lấy sứ mệnh lớn hơn trong an ninh toàn cầu (!).

Ông Vương Nghị trong các chuyến công du gần đây luôn giảng giải: GSI chẳng qua xuất phát từ “Khái niệm an ninh châu Á mới” mà Tập Cận Bình đưa ra từ năm 2014. Cụ thể, an ninh khu vực không nên do một quốc gia thống trị. Việc điều hành các công việc của châu Á, giải quyết các vấn đề của châu Á và duy trì an ninh của châu Á là do người dân châu Á đảm nhiệm. Không nói gì đến Mỹ, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang giáng thẳng cú đấm vào đối phương.

Theo đó, GSI phản đối “vòng tròn hẹp”, “nhóm nhỏ”, trừng phạt đơn phương và việc mở rộng thẩm quyền ra ngoài nước. Ông Vương Nghị tuyên bố: “Chúng tôi kiên quyết phản đối việc sử dụng Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để chia rẽ khu vực và làm dấy lên một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Đồng thời, phản đối việc sử dụng các liên minh quân sự để tạo nên một NATO phiên bản châu Á-Thái Bình Dương”.

Nỗ lực của Bắc Kinh thực chất là nhằm thách thức trật tự an ninh do Washington dẫn dắt. Ngôi bá chủ thế giới sẽ khó trở thành hiện thực khi mà Trung Quốc luôn cảm thấy bị đe dọa bởi liên minh chia sẻ thông tin tình báo Ngũ Nhãn (gồm Australia, Anh, Canada, New Zealand và Mỹ) cùng với Bộ Tứ và AUKUS.

Người đưa ra sáng kiến đang chăm chú dõi theo những diễn biến mới trên thế giới và trong khu vực ASEAN. Ngược lại, các quốc gia, liệu có những ai tin tưởng GSI của Trung Quốc?

Đối với các nước nước châu Âu vốn là đồng minh thân thiết với Mỹ, họ đang rất lo ngại trước những thái độ khó lường của Trung Quốc đối với cuộc chiến ở Ukraine. Trung Quốc thẳng thừng từ chối lên án hành động xâm lược Ukraine của Nga, nhưng lại khẳng định mình tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước.

Còn các quốc gia Đông Nam Á đang có các tranh chấp Biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines… thì việc tin tưởng vào sáng kiến an ninh của Trung Quốc là… không bao giờ!

Lý do thì đã rõ như ban ngày. Với chiến thuật “vùng xám”, Trung Quốc liên tục gây hấn, bắt nạt các nước này trên vùng biển của chính nước họ trong nhiều năm qua. Việt Nam là một trong những nước mà Trung Quốc tích cực lôi kéo ủng hộ sáng kiến này của họ. Có điều, Hà Nội đã thấy rõ dã tâm của nhà cầm quyền Bắc Kinh. GSI không bao giờ là con đường mang lại hòa bình, ổn định.Vấn đề là tìm cách từ chối thế nào cho khéo, theo đúng lý luận “ngoại giao cây tre” của họ. Như thế chính là vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Bài học lịch sử về các cuộc xung đột của cả hai nước vẫn còn nguyên giá trị. Cuộc tấn công xâm lược từ phía Bắc Việt Nam năm 1979, hay việc Trung Quốc tấn công Việt Nam tại Gạc Ma, quần đảo Trường Sa vào năm 1988 là những bài học đau xót cho mối tình “đồng chí” viển vông này.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới