Trong buổi tiếp kiến Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra lời cảm ơn về việc Philippines tiếp tục theo đuổi “chính sách thân thiện” với Trung Quốc.
Không nói ra, nhưng chắc hẳn nhà ngoại giao lão luyện của Trung Quốc là ông Vương Nghị đã cả mừng đến thế nào khi ông Ferdinand Marcos Jr thắng cử trong cuộc chạy đua vào ghế tổng thống nhiệm kỳ kế theo ông Duterte.
Ngay trong thời điểm nước rút của cuộc vận động tranh cử, ông Ferdinand Marcos Jr – hậu duệ nhà độc tài Ferdinand Marcos – Tổng thống Philippines từ 1965 đến 1986 – khi đề cập quan điểm đối ngoại, chẳng chút e dè, đã nói rõ mình ủng hộ việc gác lại Phán quyết ngày 12/7/2016 Tòa Trọng tài (PCA) về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Gác lại, vì theo ông, sự “cù nhầy” chẳng đưa đến lợi ích nào. 6 năm trôi qua, Trung Quốc đâu có công nhận phán quyết.
Vậy nên, thượng sách là: thay vì đòi hỏi thực thi, hãy tìm một giải pháp khác cho các tranh chấp biển và lãnh thổ với Trung Quốc.
Vì tuyên bố đó, trước thềm cuộc bầu cử, những người ủng hộ đã lo ông Marcos Jr “trượt vỏ chuối”.
Bởi ve vãn, chiều chuộng Trung Quốc đến mức như ông Duterte, mà rồi những ngày cuối cùng, cũng phải thở ra những lời ngán ngẩm, thất vọng, mất niềm tin trước những lời hứa hão về viện trợ. Chưa hết, ông Duterte cũng đã không kiềm chế được mãi, phải bật ra sự phẫn nộ đối với những hành động ngỗ ngược mà Trung Quốc nhằm vào ngư dân Philippines.
Phẫn nộ tới mức vị tổng thống có tiếng “yếu đuối” trước Trung Quốc buộc phải lên tiếng rằng: hành động của Trung Quốc “không có lợi cho mối quan hệ giữa các nước chúng ta và quan hệ đối tác của chúng ta (Trung Quốc và Philippines); Philippines “vô cùng quan ngại nếu những sự kiện tương tự xảy ra”.
Vậy mà ông Marcos Jr, khi tranh cử lại đã không mạnh mẽ hơn trong vấn đề Biển Đông, vấn đề Trung Quốc thì thôi, lại còn tuyên bố “gác” lại Phán quyết.
Nhưng mọi sự qua rồi, khi ông Marcos Jr đã thành “người sang của nước”, đang chễm chệ trên ghế tổng thống quyền lực mươi lăm ngày nay.
Tại sao cử tri Philippines vẫn bầu cho ông Marcos Jr?
Một câu hỏi không phải không có lý. Tuy nhiên, trả lời nó, có lẽ chỉ có thể nói rằng: Mọi điều đều có thể xảy ra. Như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, cả thế giới đã kinh ngạc khi một ứng viên “chống thể chế” như ông Trump, luôn về sau trong các cuộc thăm dò dư luận, đánh bại bà Clinton – một chính khách dày dạn. Đó là chưa kể, nói gì thì nói, quan điểm đối ngoại, dù quan trọng tới đâu, vẫn chỉ là một phần cử tri quan tâm đối với các ứng cử viên.
Còn đối với ông Vương Nghị, bầu tổng thống là việc riêng của Philippines, nhưng cái “được” với Trung Quốc, là một cam kết về chính sách thân thiện.
Thế nên, tiện thể chuyến công du có mục tiêu rõ ràng là thu hút các nước láng giềng, ngăn Mỹ tiếp cận ngoại giao và kinh tế ở khu vực; lại vẻ vang là quan chức cấp cao nước ngoài đầu tiên được tân tổng thống tiếp, một lời cảm ơn dành cho ông Marcos Jr sao thể không làm. Biết đâu, lời cảm ơn khách sáo đó lại khiến Manila không chỉ vui mừng, mà còn lấy làm hàm ơn vì hy vọng, nó là dấu hiệu thể hiện sự hanh thông của quan hệ hai nước trong nhiệm kỳ tổng thống mới.
Tuy nhiên, nhiều người cũng lo thay ông Marcos Jr, và muốn nhắc ông này rằng: “Nói không đi đôi với làm” – điều ấy xa lạ với ai kia, chứ với Trung Quốc: hoàn toàn có thể đấy.
T.V