Vì sao những năm gần đây, dân du lịch bụi luôn lựa chọn Bảo Lạc làm điểm dừng chân thay vì những thị trấn lớn xung quanh?
Đứng trên đỉnh núi Pác Thốc, nhìn toàn cảnh đèo Khau Cốc Chà và thung lũng đồng Mu ở trung tâm xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng mới hiểu vì sao những năm gần đây, dân du lịch bụi luôn lựa chọn Bảo Lạc làm điểm dừng chân thay vì những thị trấn lớn xung quanh.
Mẻ Pia ngày ấy
Hơn 10 năm trước, cũng trong một hành trình của kẻ độc hành với đam mê khám phá những cung đường mới, tôi đã đến, đã dừng vết bánh xe trước một cung đèo cao tít, nhỏ xíu uốn lượn lên núi, đèo Mẻ Pia.
Đèo Mẻ Pia là con đèo nằm trên QL4A, đây là cung đường độc đạo nối xã Xuân Trường với trung tâm huyện Bảo Lạc, Cao Bằng. Hơn 10 năm trước, người dân Xuân Trường muốn xuống Bảo Lạc thì chỉ có 1 phương tiện duy nhất là đi ngựa, nếu không muốn đi bằng chính đôi chân của mình trên con đường dốc.
Mẻ Pia ngày ấy cũng không hẳn là đèo, bởi nó chỉ là con đường mòn lên núi với bề ngang chỉ chừng 40cm, dốc đứng bám vào sườn núi đất, trơn trượt hoang vu. Cũng bởi sự hiểm trở như vậy mà chuyến đi khám phá bằng xe máy của tôi đã phải dừng lại dưới chân đèo, cũng không biết đèo dài bao nhiêu, có bao nhiêu tầng bởi chỉ có thể đứng từ dưới nhìn lên, không thể nhìn hết, không đếm được có bao nhiêu khúc cua, bao nhiêu tầng dốc.
Theo người dân địa phương, đường Mẻ Pia có từ thời Pháp thuộc. Từ năm 2009 – 2011, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư, mở rộng cung đường Mẻ Pia và điều chỉnh một số đoạn hiểm trở để mở rộng mặt đường lên 5m và trải thảm nhựa. Những khúc “cua tay áo” được xẻ sâu hơn vào vách đá để lấy thêm diện tích đường nhằm bảo đảm an toàn, giúp việc đi lại giữa huyện Bảo Lạc và các vùng lân cận trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn, đồng thời rút ngắn thời gian di chuyển. Mặc dù vậy, đây vẫn là một trong những con đèo hiểm trở nhất khu vực Đông Bắc bộ.
Khau Cốc Chà hôm nay
Đường mòn Mẻ Pia sau khi được mở rộng, trải thảm nhựa có 14 khúc “cua tay áo” tạo thành 15 tầng đèo, đỉnh đèo là bản Cốc Chà, kể từ đó đường mòn Mẻ Pia mang một tên mới, Khau Cốc Chà.
Theo người dân địa phương, theo tiếng dân tộc Tày thì Khau có nghĩa là đèo, Cốc Chà là tên của 1 bản người Tày ở đỉnh đèo, cũng là tên 1 loại cây mọc rất nhiều ở khu vực đỉnh đèo. Mặc dù đoạn đường từ dưới chân lên tới đỉnh đèo chỉ dài khoảng 2,5km nhưng do độ dốc cao, dựng đứng với nhiều khúc ngoặt nguy hiểm nên du khách di chuyển bằng xe máy, ô tô cũng phải mất khoảng 1 giờ để vượt qua.
Đứng ở trên đèo không thể nào thấy hết sự hiểm trở, hùng vĩ, hoang sơ của cung đường bởi độ dốc lớn, khuất tầm nhìn. Tuy nhiên, từ đỉnh đèo có một lối mòn đi bộ chừng 15 phút lên đỉnh núi Pác Thốc ở chếch bên đối diện, sẽ tới một điểm vọng cảnh check-in do người dân dựng lên. Đây cũng chính là điểm dừng chân dành cho du khách, những “phượt thủ” trẻ thoả mãn ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, hiểm trở và kỳ vỹ của đèo Khau Cốc Chà và một phần thung lũng Đồng Mu, trung tâm xã Xuân Trường.
Đứng trên đỉnh Pác Thốc nhìn xuống, đèo Khau Cốc Chà uốn khúc như một dải lụa nhỏ mềm mại vắt qua sườn núi, tạo “nét vẽ” phá cách tô điểm cho bát ngát màu xanh núi rừng. Nhiều người lại ví những tầng đèo giống như những bậc thang dẫn lên trời, nói đúng hơn là dẫn lên “Cổng trời Bảo Lạc”.
Trò chuyện tại điểm dừng chân duy nhất trên đỉnh đèo Khau Cốc Chà, ông Nông Văn Ngoan, người đã tìm ra điểm vọng cảnh trên đỉnh Pác Thốc, chia sẻ: “Quán nước này trước kia là nơi vợ tôi dừng nghỉ chân sau mỗi lần lên núi chăn dê. Năm 2007, sau khi tôi xuất ngũ, vợ tôi mở tiệm tạp hóa. Đến khi đèo Khau Cốc Chà thông đường, ngày càng có nhiều du khách đến thăm đèo nên vợ tôi bán thêm nước giải khát để phục vụ du khách”.
Cũng theo ông Ngoan, đường lên điểm vọng cảnh trên núi Pác Thốc cũng chính là con đường hàng ngày vợ chồng ông đi chăn dê mà tìm ra. Nhận thấy có nhiều du khách muốn lên ngắm cảnh, vợ chồng ông chủ động nâng cấp, phát quang đường mòn, trải bê tông một khu vực nhỏ ở điểm vọng cảnh check-in giúp du khách ngắm cảnh an toàn, cũng như dùng sơn vẽ chỉ đường cho du khách có thể tự đi lên núi ngắm cảnh không bị lạc đường. Cũng từ đó, quán nước trên đỉnh núi của ông bà Ngoan trở thành “trung tâm thông tin du lịch” miễn phí cho mọi du khách đến thăm đèo Khau Cốc Chà, đưa đèo Khau Cốc Chà trở thành điểm du lịch ngày càng được nhiều người biết tới. “Hữu xạ tự nhiên hương”, quán nước của vợ chồng ông bà Ngoan ngày càng đông khách. Cũng nhờ vậy, đèo Khau Cốc Chà trên QL4A ngày càng được nhiều du khách biết tới, lựa chọn trên hành trình khám phá vùng cao Đông Bắc.
Điểm dừng chân lý tưởng
Anh Lý Thanh Tuân, chủ nhân của Bảo Lạc Homestay (Khu 1, thị trấn Bảo Lạc) chia sẻ: “Trước kia, khi đèo Khau Cốc Chà chưa thông, dân du lịch đi từ Hà Giang sang Cao Bằng thường lựa chọn cung đường qua Bảo Lạc – Nguyên Bình nên rất ít dừng chân tại Bảo Lạc mà thường đi cố sang Nguyên Bình, nơi có cư dân sầm uất và điều kiện sinh hoạt tốt. Từ ngày đèo Khau Cốc Chà thông đường, dân du lịch thường lựa chọn dừng chân khám phá vẻ đẹp cung đèo này rồi di chuyển theo QL4A đi Thông Nông, Hà Quảng, thăm di tích Pắc Bó nên những năm trở lại đây, du khách dừng chân ở Bảo Lạc ngày một đông, kinh tế du lịch ngày một thêm nhộn nhịp”.
Được biết, anh Lý Thanh Tuân những năm trước làm homestay tại xã Du Già, Hà Giang. Nhận thấy Bảo Lạc có vị trí đặc biệt như vậy, 5 năm trước, anh Tuân quyết định chuyển hướng đầu tư tới Bảo Lạc. Bảo Lạc Homestay của anh Lý Thanh Tuân hiện đang là điểm đến được du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đánh giá cao, chia sẻ trên nhiều diễn đàn du lịch. Thường xuyên có du khách nước ngoài đến làm tình nguyện giúp Bảo Lạc Homestay nâng cao chất lượng phục vụ cũng như giới thiệu, quảng bá điểm đến trên các diễn đàn du lịch.
Anh Lâm Luân – chủ Golden Jungle House, một công ty du lịch, lữ hành trẻ tại Hà Giang cho biết những năm gần đây, tuyến du lịch ưa thích của du khách quốc tế chính là cung đường QL4C – QL3 – QL4A để di chuyển từ Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang sang Hà Quảng, Cao Bằng. Cũng bởi vậy, Bảo Lạc dần trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho du khách nghỉ lại qua đêm, khám phá cung đèo Khau Cốc Chà hùng vỹ và vẻ đẹp của mùa hoa mơ, hoa mận, mùa lúa chín vàng óng trên những thửa ruộng bậc thang, săn mây… ở thung lũng Đồng Mu, hay khám phá con đường xuyên rừng trúc tuyệt đẹp của xã Xuân Trường trước khi tới thăm khu di tích Pắc Bó, Hà Quảng rồi thẳng đường đi thăm hồ Thang Hen, thác Bản Giốc… trong hành trình khám phá Cao Bằng.
T.P