Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChiến tranh vùng xám và câu chuyện “bốn không”

Chiến tranh vùng xám và câu chuyện “bốn không”

Trung Quốc đang tăng cường hoạt động quân sự theo kiểu “chiến tranh vùng xám”. Đây là chiến lược nhằm làm hao mòn lực lượng và kiểm tra phản ứng của Đài Loan.

Một trong những hoạt động khiến cho Đài Loan căng thẳng nhất là máy bay chiến đấu (bao gồm tiêm kích, oanh tạc cơ và trực thăng tấn công) của Quân đội Trung Quốc (PLA) đã liên tục quần thảo trên bầu trời hòn đảo này, với số lượng ngày càng tăng. Máy bay đã ngang nhiên bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan và xa hơn đến eo biển Ba Sĩ.

Trong sáu tháng đầu năm nay, PLA đã tiến hành 555 lần xuất kích, trong đó 398 lần có sự tham gia của máy bay chiến đấu, gấp đôi số lần so với con số cùng kỳ năm trước.

Sự hung hăng này là có nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn là dằn mặt Đài Bắc ngày càng tỏ ra thân Mỹ, “phản bội” lại lợi ích dân tộc Trung Hoa vĩ đại. Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và luôn tuyên bố sẽ “tái thống nhất” hòn đảo này.

Hơn hai năm qua, Quân đội Trung Quốc PLA đã cho máy bay chiến đấu bay vào ADIZ Đài Loan gần như hằng ngày. Trước đây, hoạt động huấn luyện trên không và các nhiệm vụ khác của PLA tại khu vực chủ yếu sử dụng các máy bay hỗ trợ bay chậm, bao gồm máy bay trinh sát và cảnh báo sớm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, lực lượng không quân Trung Quốc đã tăng cường tập luyện, với sự tham gia của các máy bay chiến đấu trong vùng trời gần Đài Loan và xa hơn về phía nam tới eo biển Ba Sĩ. Eo biển này là cửa ngõ quan trọng để đi tới phía tây Thái Bình Dương.

Hồi đầu năm, 35 máy bay chiến đấu – gồm J-16 và một máy bay ném bom H-6, cùng với bốn máy bay hỗ trợ khác – đã đi vào khu vực tây nam ADIZ của Đài Loan. Đến cuối tháng 5 vừa qua, 22 máy bay chiến đấu đã cùng với 8 máy bay hỗ trợ khác tiến vào ADIZ của Đài Loan tại cùng khu vực. Các máy bay chiến đấu, cùng với các máy bay hỗ trợ khác sẽ hình thành một nhóm tấn công và củng cố các hoạt động hải quân của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan và Biển Đông.

Sự phát triển của các máy bay tiếp nhiên liệu trên không cho phép không quân Trung Quốc có thể cùng lúc điều động nhiều máy bay chiến đấu tham gia huấn luyện và thực hiện các nhiệm vụ khác. Các máy bay tiếp nhiên liệu trên không như Y-20 sẽ cho phép chiến đấu cơ của PLA cùng với các máy bay hỗ trợ khác mở rộng phạm vi hoạt động và triển khai sức mạnh tấn công tầm xa.

Lần đầu tiên trong năm nay, ngày 21/6 một chiếc Y-20 đã đi theo 17 máy bay chiến đấu tại khu vực gần quần đảo Đông Sa. Nhờ có các máy bay chở dầu và các phương tiện tinh vi như hệ thống vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu mà không quân Trung Quốc luôn huênh hoang về khả năng hoạt động ở các khu vực cách xa bờ biển đại lục.
Mục đích chính của PLA hiện nay là xây dựng ưu thế trên không, có thể mở rộng từ eo biển Đài Loan đến “Chuỗi đảo thứ nhất” (bao gồm quần đảo Kuril, quần đảo Nhật Bản, Okinawa, phần phía bắc của quần đảo Philippines, bán đảo Mã Lai và Đài Loan, thậm chí xa hơn).

Trước các hành động hung hăng của Trung Quốc, Mỹ đã có những động thái chuẩn bị đáp trả những hành động liều lĩnh. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Mark Milley cho hay, PLA rõ ràng đang phát triển khả năng tấn công Đài Loan vào một thời điểm nào đó. Ông Mark lưu ý: Bất kỳ quyết định nào về việc có làm như vậy hay không sẽ là lựa chọn mang tính chính trị.

Nhằm “rút củi đáy nồi”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng, thời gian qua Mỹ đã sử dụng “lá bài Đài Loan” ngày càng nhiều và phối hợp với một số quốc gia để thổi phồng các vấn đề liên quan đến Đài Loan nhằm thúc đẩy “quốc tế hóa vấn đề Đài Loan”.

Ông Triệu ngọt nhạt: “Quan hệ Mỹ – Trung đang ở giai đoạn quan trọng. Chúng tôi hy vọng phía Mỹ sẽ thực hiện những phát biểu tích cực của Tổng thống Joe Biden và từ bỏ tư duy ‘tổng bằng 0’ lỗi thời trong chiến tranh lạnh”.

Xin giải thích đơn giản: Tư duy “tổng bằng 0” là thuật ngữ có nguồn gốc từ lý thuyết trò chơi, nhằm nói về những tình huống trong đó lợi ích của người này sẽ là mất mát của người khác.

Bắc Kinh khuyến cáo Lầu Năm Góc thực hiện “bốn không” không nên theo đuổi một cuộc chiến tranh lạnh mới; không tìm cách thay đổi hệ thống của Trung Quốc; không nhắm vào Trung Quốc thông qua hệ thống liên minh của Mỹ; không ủng hộ “Đài Loan độc lập”.

Về phía “người trong cuộc”, những năm gần đây, Đài Loan đã nhiều lần chỉ trích việc lực lượng không quân Trung Quốc lặp đi lặp lại các hoạt động quân sự gần hòn đảo này, thường ở phía tây nam của ADIZ hoặc gần quần đảo Đông Sa do Đài Loan kiểm soát. Đài Loan gọi các hoạt động quân sự này là “chiến tranh vùng xám”. Đài Bắc luôn khẳng định, chỉ người dân của họ mới có thể quyết định tương lai của mình.

Nhưng lúc này đây khi máy bay chiến đấu cùng với các loại máy bay hỗ trợ khác bay như ken dày đặc bầu trời,liệu chính quyền của Tổng thống Thái Anh Văn có nao núng?

Câu trả lời là: không! Bởi câu chuyện Nga sa lầy ở Ukraine đang bày ra trước mắt cả thiên hạ. Thời tòan cầu hóa, hội nhập quốc tế, cậy to xác lấy thịt đè người là không dễ!

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới