Sunday, November 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiDu lịch Đà Nẵng có gì để đón giới siêu giàu?

Du lịch Đà Nẵng có gì để đón giới siêu giàu?

“Đà Nẵng bước đầu đã đáp ứng các điều kiện cho du lịch cao cấp cho giới nhà giàu và siêu giàu, tuy nhiên để trở thành điểm đến cao cấp vẫn còn quãng đường rất dài, cần tập trung nhiều nguồn lực”- ông Dũng nói.

Một góc điểm checkin cầu Rồng và cá chép phun nước ở TP Đà Nẵng

Đà Nẵng đã và đang nỗ lực định hình, nâng tầm du lịch địa phương, trong đó, hướng đến sản phẩm du lịch chất lượng cao là một trong những mục tiêu phát triển. Tuy nhiên có nhiều quan điểm trái chiều về định hướng này, do đặc tính thị trường và sản phẩm du lịch Đà Nẵng hiện có.

Để có cái nhìn đa chiều về vấn đề này, VietTimes đã có cuộc trò chuyện với ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.

Nội lực du lịch Đà Nẵng có gì?

  • Thời gian gần đây có nhiều quan điểm cho rằng Đà Nẵng cần đi theo định hướng phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, dành cho giới giàu và siêu giàu… Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao, thưa ông?

Ông Cao Trí Dũng: Thực tế là Đà Nẵng đang dần định hình thương hiệu là TP đáng sống, đáng đến, đáng đầu tư. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng là một trong những điểm đến hiếm hoi có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai các dịch vụ chất lượng cao như: sông, biển, núi, đặc điểm văn hoá, hạ tầng giao thông…

Vì vậy, sự xuất hiện của nhóm nhu cầu cao cấp, sang trọng của khách du lịch và cư dân địa phương là tất yếu. Do đó, tôi cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng kinh doanh du lịch trên địa bàn TP cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để nâng tầm điểm đến, thu hút nhà đầu tư, thu hút được các nguồn khách có khả năng chi tiêu cao để du lịch thực sự trở thành một trong 3 trụ cột phát triển của TP.

Để hiện thực hoá định hướng phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, trở thành điểm đến của giới giàu, ông cho rằng địa phương cần hội tụ những giá trị gì?

Ông Cao Trí Dũng: Theo tôi, điểm đến chất lượng cao, phục vụ cho nhóm khách giàu và siêu giàu thì ít nhất phải hội đủ 4 nhóm điều kiện:

Một là, phải có hệ thống tài nguyên du lịch, cả tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn, đặc sắc, khác biệt, có tính cạnh tranh cao.

Hai là, có hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, thuận lợi, dễ tiếp cận, hướng đến các dịch vụ cao cấp như sân bay, bến cảng, nhà ga, hệ thống đường cao tốc, bến du thuyền…

Ba là, cần có hệ thống dịch vụ hoàn chỉnh, phong phú, đặc sắc, chất lượng cao và rất cao tập trung vào các khu nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khoẻ, sắc đẹp; các thương hiệu ẩm thực, mua sắm cao cấp, các tour du lịch hạng sang, siêu sang…

Bốn là, có sự quyết tâm của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước trong việc đảm bảo môi trường an ninh, an toàn, thân thiện, mến khách; có chính sách thu hút các nhà đầu tư lớn; có nguồn nhân lực chất lượng cao…

Đà Nẵng bước đầu đã đáp ứng được các điều kiện nêu trên, tuy nhiên, để thực sự trở thành một điểm đến cao cấp cho giới nhà giàu và siêu giàu, thì vẫn còn quãng đường rất dài, cần tập trung nhiều nguồn lực mới hy vọng đạt được.

  • Ông có thể cho biết những phân khúc sản phẩm, dịch vụ du lịch hiện có của Đà Nẵng gồm những gì? Với những gì đang có, theo ông, Đà Nẵng có thể hiện thực hoá được định hướng phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao hay chưa?

Ông Cao Trí Dũng: Cùng với sự gia tăng nhanh chóng của chất lượng cuộc sống và sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng, hiện đang có sự dịch chuyển khá rõ về xu hướng du lịch sử dụng các dịch vụ chất lượng cao hơn.

Lượng đặt phòng cho các khách sạn 1-2 sao giảm đi đáng kể, trong khi đó nhu cầu cho khách sạn 4 sao trở lên, đặc biệt là khách sạn, khu nghỉ cao cấp tăng lên rất nhanh. Nhiều năm qua, Đà Nẵng là một trong những địa phương có dịch vụ cao cấp tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng với lượng phòng 5 sao nhiều nhất cả nước, các thương hiệu khách sạn lớn hầu hết đã xuất hiện ở Đà Nẵng.

Tuy nhiên, để hình thành hệ sinh thái sản phẩm phục vụ cho giới giàu và siêu giàu, Đà Nẵng cần nhanh chóng bổ sung các dịch vụ cao cấp như du thuyền cao cấp, máy bay tư nhân hạng sang, khu mua sắm cao cấp, các tour hạng sang, các khu vui chơi giải trí đẳng cấp, các show diễn có chiều sâu…

Có một điều cần cân nhắc khi đi theo định hướng sản phẩm chất lượng cao đó là xung đột giữa 2 phân khúc bình dân và giới giàu có trên cùng 1 điểm đến. Vậy ông cho rằng Đà Nẵng cần có giải pháp gì để giải quyết xung đột này?

Ông Cao Trí Dũng: Theo tôi, định hướng phục vụ phân khúc khách hạng sang không đồng nghĩa với việc loại bỏ các dịch vụ bình dân. Nhiều điểm đến trên thế giới vẫn cùng lúc phục vụ tốt 2 nguồn khách này.

Đà Nẵng nên đi theo hướng duy trì cả hai, ưu tiên khách có khả năng chi tiêu cao, nhưng hạn chế xung đột bằng cách quy hoạch các khu sản phẩm, dịch vụ riêng. Bên cạnh đó, cần tạo ra ranh giới về không gian và chi phí để có thể đồng thời khai thác cả hai nguồn khách, tận dụng tốt nhất hệ thống dịch vụ ở địa phương.

Cần thêm những nhà đầu tư đủ tầm

  • Nguồn nhân lực được coi như một nhân tố then chốt cho định hình các sản phẩm du lịch có chất lượng cao. Vậy nguồn nhân lực hiện tại của Đà Nẵng có đảm bảo cho mục tiêu này hay không, thưa ông?

Ông Cao Trí Dũng: Nguồn nhân lực du lịch là một trong những yếu tố được quan tâm hàng đầu trong định hướng nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ phân khúc khách hàng cao cấp.

Nhận thức điều này, Đà Nẵng đã từng bước bắt kịp yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực cao cấp. Các thương hiệu quản lý khách sạn nổi tiếng đã có mặt tại Đà Nẵng, bên cạnh đó, các tập đoàn trong nước cũng đã nâng được chuẩn chất lượng lên mức cao.

Tuy nhiên, vẫn cần đẩy nhanh quá trình hội nhập về lao động chất lượng cao trong ASEAN, có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho lao động chuyên môn cao, tay nghề cao, đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực du lịch đến làm việc tại Đà Nẵng, có như vậy mới có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường khách cao cấp.

Để thu hút phân khúc du khách giàu có phải có sản phẩm và dịch vụ tương xứng, bao gồm chuỗi dịch vụ từ vận chuyển, lưu trú, điểm đến cho đến sản phẩm giải trí, dịch vụ tiêu tiền… Vậy với những gì hiện có, liệu các sản phẩm này có thể đáp ứng được nhu cầu của du khách hay chưa, thưa ông?

Ông Cao Trí Dũng: Đúng là phải có sự đồng bộ về chuẩn chất lượng cao cấp trong chuỗi dịch vụ phục vụ du khách.

Hiện Đà Nẵng đã có thể đáp ứng được một số khâu trong chuỗi dịch vụ này, một số khâu vẫn cần có thêm các nhà đầu tư, các chuẩn chất lượng cao cấp, các thương hiệu về ẩm thực, vận chuyển, mua sắm, tour tuyến, show diễn cao cấp… để có thể tạo thành hệ sinh thái sản phẩm cao cấp hoàn chỉnh cho điểm đến.

  • Ngoài vai trò là Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, ông còn là Chủ tịch HĐQT một đơn vị lữ hành lớn. Là một nhà quản lý, một chuyên gia du lịch, ông có thể tư vấn gì cho Đà Nẵng về cách thức, tiến trình để xây dựng và phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao?

Ông Cao Trí Dũng: Có lẽ du lịch Đà Nẵng nên tập trung vào 3 nội dung chính. Một là, cần có quy hoạch và chiến lược phát triển các dịch vụ du lịch cao cấp một cách bài bản.

Tiếp đến là cần có chính sách hấp dẫn để kêu gọi, lựa chọn các nhà đầu tư đủ tầm, đủ năng lực, đủ tâm huyết để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao.

Tiếp nữa là, khuyến khích, gìn giữ và tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng dân cư luôn hướng đến việc xây dựng Đà Nẵng là một điểm đến sang trọng, văn minh, an ninh, mến khách.

Có như vậy mới có thể thu hút đối phân khúc tượng du khách hạng sang như kỳ vọng.

-Cảm ơn ông!

Theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng vào cuối năm 2019, trên địa bàn TP có 943 cơ sở lưu trú du lịch với 40.074 buồng phòng. Trong đó, có 91 cơ sở lưu trú cùng với 17.352 phòng hạng 4-5 sao và tương đương.

So với năm 2013, tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn đã tăng hơn 2,4 lần và tăng 2,9 lần số lượng buồng, số cơ sở lưu trú hạng 4-5 sao và tương đương tăng hơn 4,5 lần và 4,3 lần số lượng buồng.

Việc gia tăng số lượng phòng lưu trú này từng được nhiều doanh nghiệp quan ngại về cung sẽ vượt cầu cả trong thời điểm cao điểm lẫn mùa thấp điểm. Sự mất cân đối này sẽ đẩy du lịch Đà Nẵng lâm vào cảnh mất cân đối nguồn “cung”, gây lãng phí và kém hiệu quả trong vận hành, khai thác hệ thống cơ sở lưu trú tại địa phương nếu không có giải pháp phù hợp.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới