Hơn 100 dự án bất động sản chưa được bàn giao ở Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ thế chấp do người mua từ chối trả các khoản nợ ngân hàng với lý do chủ đầu tư không thể giao nhà. Các ngân hàng nước này đã phải đồng loạt lên tiếng khẳng định rủi ro vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Theo một thống kê chưa đầy đủ của Tianmu Media có trụ sở tại Hàng Châu, Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc ngày 13/7, người mua nhà của hơn 100 dự án bất động sản tại 18 tỉnh như: Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc… đã ra thông cáo tập thể từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp ngân hàng do những nhà phát triển bất động sản chậm trễ trong việc hoàn thành các dự án nhà ở vì khó khăn thanh khoản.
Theo ước tính của GF Securities, diện tích dừng thi công của các công ty nhà ở vỡ nợ trung bình chiếm khoảng 20% và các công ty nhà ở vỡ nợ chiếm khoảng 25% tổng năng lực sản xuất của toàn ngành. Ước tính diện tích ngừng thi công là khoảng 500 triệu m2, chiếm khoảng 5% trong tổng diện tích thi công toàn ngành là 9,7 tỷ m2.
Từ góc độ tài sản ngân hàng có khả năng bị ảnh hưởng, theo thống kê của GF Securities, nếu 500 triệu m2 dừng thi công được tính với giá 10.000 nhân dân tệ/m2, giá trị tài sản tương ứng sẽ là 5.000 tỷ nhân dân tệ (hơn 740 tỷ USD). Giả sử đây đều là những dự án đã bán và tỷ lệ thanh toán đợt đầu đạt 60%, sẽ tương ứng với khoản vay thế chấp là 2.000 tỷ nhân dân tệ (gần 300 tỷ USD). Điều này có thể làm leo thang cuộc khủng hoảng bất động sản và rủi ro nợ xấu đối với hệ thống ngân hàng Trung Quốc.
Hôm nay (14/7), hàng loạt các ngân hàng nước này, như Ngân hàng Nông thôn, Ngân hàng Xây dựng… đã phải liên tiếp ra thông cáo, khẳng định quy mô các khoản vay bất động sản hiện đang ở mức thấp và rủi ro vẫn nằm trong tầm kiểm soát, trong khi cổ phiếu ngành ngân hàng Trung Quốc đang trong xu hướng giảm, có lúc giảm tới gần 2% vào sáng cùng ngày.
Trước đó, ngày 13/7, China Fund News cũng dẫn số liệu của công ty tư vấn bất động sản CRIC Trung Quốc cho biết, tính đến cuối năm 2021, việc trì hoãn giao nhà diễn ra ở 24 thành phố lớn, chiếm 10% tổng số. Tuy nhiên, theo công ty này, ngay cả trong kịch bản bi quan nhất, việc giao nhà chậm cũng chỉ chiếm 5-10% tổng số nhà thương mại trong cả nước Trung Quốc.
Công ty chứng khoán CITIC cho rằng, doanh số bán nhà ở Trung Quốc đang suy yếu trở lại trong tháng 7, cho thấy sự phục hồi của thị trường vẫn chưa vững chắc và rủi ro tín dụng vẫn chưa thể được giải quyết.
Trước đó, giá nhà tại Trung Quốc đã chứng kiến tháng giảm thứ 9 liên tiếp trong tháng 5, cho thấy nhu cầu vẫn yếu bất chấp sự hỗ trợ từ chính quyền Trung ương.
T.P