Nga sử dụng nhiều loại trang thiết bị, khí tài cho chiến dịch quân sự ở Ukraine, song đến nay, nhiều loại vũ khí tối tân của Moscow vẫn chưa hiện diện ở chiến trường này.
Xe tăng T-14 Armata
Theo trang tin 19Fortyfive, đến nay, Nga dường như vẫn chưa sử dụng xe tăng T-14 Armata cho chiến dịch quân sự ở Ukraine. T-14 Armata được đánh giá là một trong những xe tăng uy lực nhất thế giới.
T-14 Armata là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới nhất được Nga phát triển trên nền tảng xe chiến đấu đa năng Armata. Sức mạnh hỏa lực và khả năng phòng vệ chủ động, bị động và khả năng cơ động của T-14 Armata được đánh giá rất cao.
Hỏa lực của T-14 Armata được tăng cường nhờ pháo nòng trơn 125mm 2A82-1M lắp trên tháp pháo không người điều khiển, với tầm bắn 8km. Đạn xuyên giáp của nó có thể xuyên giáp dày 900mm từ khoảng cách 2km. Xe tăng này được trang bị các tổ hợp phòng thủ Afganit và Malakhit, có thể chống lại tên lửa và đạn chống tăng và máy bay tầm thấp.
Mặc dù có nhiều ưu điểm vượt trội, nhưng có một số lý do khiến T-14 Armata đến nay vẫn chưa xuất hiện ở chiến trường Ukraine.
Trước tiên, Nga mới chỉ chế tạo một số nguyên mẫu T-14 Armata. Điều này đồng nghĩa, nếu Nga mất một vài xe tăng hiện đại ở Ukraine, đó sẽ là một tổn thất rất lớn và đe dọa nghiêm trọng đến triển vọng của dự án phát triển và xuất khẩu hàng loạt xe tăng loại này của Moscow.
Thứ hai, chi phí chế tạo T-14 Armata tương đối lớn, khoảng 3,7 triệu USD, do vậy, nguy cơ mất những xe tăng này ở Ukraine sẽ tạo gánh nặng lớn cho ngành sản xuất quốc phòng của Nga vốn bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Máy bay tàng hình Su-57
Mặc dù Nga tuyên bố đã đưa Su-57 trực chiến ở Ukraine ngay từ những tuần đầu của chiến dịch quân sự, song hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy máy bay chiến đấu tàng hình này đã tham chiến.
Su-57 là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 do Nga sản xuất. Những chiếc Su-57 đầu tiên được biên chế vào Không quân Nga vào năm 2020 và đã thực hiện sứ mệnh tại Syria.
Su-57 được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên bộ, trên biển cũng như trên không. Máy bay này dự kiến sẽ thay thế các mẫu MiG-29 và Su-27 và có thể tạo ra đối trọng với máy bay F-22 của Mỹ. Hệ thống cảm biến hiện đại có thể giúp máy bay này theo dõi cùng lúc 60 đối tượng, nhờ 6 radar. Su-57 có thể mang theo 2 tên lửa tầm ngắn K-74M2 cũng như 4 tên lửa tầm trung K-77M.
Ngoài ra, Su-57 có thể được trang bị nhiều loại bom dẫn đường chính xác, tên lửa không đối đất, không đối hạm, tên lửa chống radar và tên lửa hành trình. Pháo tự động cỡ nòng 30mm trên máy bay có tầm bắn 800m đối với các mục tiêu trên không và 1.800 m đối với các mục tiêu trên mặt đất.
Lý do Su-57 vắng bóng ở Ukraine có lẽ cũng giống như T-14 Armata. Nga có thể không dám mạo hiểm đưa Su-57 tham chiến bởi đến nay họ mới chỉ sản xuất một số ít tiêm kích này.
T.P