Thursday, January 16, 2025
Trang chủQuân sựTại sao tàu sân bay thứ ba của TQ mang tên Phúc...

Tại sao tàu sân bay thứ ba của TQ mang tên Phúc Kiến

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã dành 17 năm ở tỉnh Phúc Kiến để quan sát kỹ Đài Loan.

Tàu Phúc Kiến sử dụng các máy phóng điện từ cho phép con tàu có thể phóng các máy bay chiến đấu liên tiếp nhanh chóng, cạnh tranh với các tàu sân bay tiên tiến nhất của Mỹ.

Tên gọi của tàu sân bay thứ ba và tiên tiến nhất của Trung Quốc, được hạ thủy tại Thượng Hải vào ngày 17/06, không phải là cái tên mà hầu hết chúng ta mong đợi.

Tàu sân bay đầu tiên của nước này, được cải tạo ở Đại Liên, thuộc tỉnh Liêu Ninh, nằm phía đông bắc, được đặt tên là Liêu Ninh. Tàu sân bay sản xuất trong nước đầu tiên của Trung Quốc, được đóng tại cùng thành phố cảng trên, được đặt tên là Sơn Đông, theo tên tỉnh nằm đối diện bên kia Vịnh Bột Hải.

Dù khó mà gọi tàu sân bay thứ ba theo tên thành phố thương mại quốc tế sầm uất Thượng Hải, nhưng con tàu vẫn có thể được đặt tên theo một trong hai tỉnh liền kề, là Giang Tô hoặc Chiết Giang.

Tuy nhiên, thay vào đó, nó được đặt tên là Phúc Kiến, theo tên một tỉnh nằm xa hơn về phía nam và đối diện với Đài Loan. Điều này có thể khiến người Đài Loan tức giận.

Một sự kiện chính trị thú vị, được tổ chức ở Phúc Kiến ba ngày trước lễ hạ thuỷ của tàu sân bay mới, cho chúng ta một manh mối.

Đó là buổi lễ kỷ niệm lần thứ 360 ngày mà vị tướng nhà Minh, Trịnh Thành Công, thành lập chính phủ ở Đài Loan vào năm 1662. Trịnh, được người đời gọi là Quốc Tính Gia, đã qua đời vào tháng 6 năm đó, ở tuổi 39.

Tầm quan trọng của sự kiện đã được thể hiện qua danh sách những người tham dự. Các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại tỉnh Phúc Kiến đều có mặt, dù tỉnh này đang trong tình trạng cảnh giác vì COVID-19. Ngoài ra, Lưu Kết Nhất, một quan chức hàng đầu về vấn đề Đài Loan, đã có bài phát biểu qua video từ Bắc Kinh.

Lưu hiện là Chủ nhiệm Văn phòng sự vụ Đài Loan Quốc vụ viện và Văn phòng Công tác Đài Loan của Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trịnh hiện vẫn được nhiều người tôn sùng như một anh hùng ở Trung Quốc. Là một vị tướng sống sót từ triều đại nhà Minh, ông đã kháng cự triều đại nhà Thanh do người Mãn Châu thành lập.

Trịnh đã chinh phục Đài Loan, nơi từng nằm dưới sự cai trị của Hà Lan, và thành lập chính quyền của người Hán đầu tiên tại hòn đảo, dù rằng nó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

“Kokusenya Kassen (Những trận chiến của Trịnh Thành Công)” – một tác phẩm nổi tiếng của Chikamatsu Monzaemon, nhạc trưởng nhà hát kịch rối Ningyo-joruri của Nhật Bản trong thời kỳ Edo – được lấy nguyên mẫu từ Trịnh.

Trịnh Thành Công sinh ở Hirado, tỉnh Nagasaki, miền tây Nhật Bản. Mẹ ông là người Nhật. Cuộc phiêu lưu của người anh hùng máu nóng có hai quê hương, người đã đi khắp mọi vùng biển khơi, đã sớm chiếm được cảm tình của người dân ở Edo, nay là Tokyo.

Nhưng ở Trung Quốc ngày nay, sự thật rằng Trịnh có mẹ là người Nhật Bản thường bị che giấu, thậm chí một số khu tưởng niệm còn bỏ qua lời giải thích về gốc tích của mẹ ông.

Ở Trung Quốc, người ta được dạy rằng Trịnh là một anh hùng đã “tái chiếm” Đài Loan. Bất tiện thay khi người anh hùng ấy lại có nguồn gốc Nhật Bản.

Cha của Trịnh là một thương gia hàng hải, người đứng đầu một đội tàu có vũ trang. Thành trì quân sự của Trịnh là Hạ Môn, Phúc Kiến, và từ căn cứ này, ông đã chiếm được Đài Loan do Hà Lan cai trị.

Trước đây, Tập Cận Bình từng giữ chức Thị trưởng Hạ Môn khi mới ngoài 30 tuổi. Cũng chính tại Hạ Môn, ông đã tái hôn với Bành Lệ Viên, một ca sĩ nổi tiếng thuộc quân đội.

Hạ Môn đã mở ra con đường cho Tập tham gia vào nền chính trị quốc gia.

Tập, người đã dành 17 năm làm việc ở Phúc Kiến, luôn mong muốn thống nhất Đài Loan với Trung Quốc đại lục. Sau này sự can dự của ông vào các vấn đề Đài Loan vẫn tiếp tục.

Trong cuộc khủng hoảng Đài Loan năm 1996, khi Tập là quan chức cấp cao của Phúc Châu, thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Phúc Kiến, quân đội Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tập trận bắn tên lửa. Lục quân, hải quân, và không quân của Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận chung lớn đầu tiên trên Đảo Bình Điền của Phúc Kiến.

Vào thời điểm đó, Chủ tịch nước đương nhiệm Giang Trạch Dân đã đích thân chỉ huy quân đội. Còn lãnh tụ tối cao Đặng Tiểu Bình thì vẫn còn sống. Các cuộc tập trận, giả định rằng lực lượng Trung Quốc sẽ đổ bộ lên Đài Loan, đã khiến các nước láng giềng phải e ngại.

Nhưng Trung Quốc hồi đó chưa có tàu sân bay. Bằng cách dọn đường cho việc thống nhất Đài Loan với đại lục, trong tư cách là lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc hiện nay, Tập có thể vượt qua thành tích của Đặng và đi vào lịch sử đảng.

Theo các nguồn tin địa phương, Tập thường đến thăm Đảo Bình Điền trong thời gian ở Phúc Châu. Giống như Hạ Môn, Bình Điền mang đến cho người Trung Quốc một cảm giác gần gũi với Đài Loan.

Chẳng có gì lạ khi tưởng tượng rằng chàng trai trẻ Tập Cận Bình đã suy nghĩ về một chiến lược Đài Loan mà mình sẽ theo đuổi, nếu một ngày nào đó anh ta trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc. Một chiến lược như vậy sẽ kết hợp khía cạnh quân sự và kinh tế, hướng đến mục tiêu thống nhất.

Hơn nữa, ngày mà tàu sân bay Phúc Kiến ra mắt còn có thể mang nhiều ý nghĩa khác.

Ngày 17/06 là một mốc quan trọng trong lịch sử quân sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Cách đây 55 năm, cũng vào ngày đó, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công quả bom hydro đầu tiên.

Đối với Mao Trạch Đông, việc sở hữu một quả bom hydro đóng vai trò rất quan trọng; nó đã đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu.

Đối với Tập, các máy phóng điện từ tối tân của tàu sân bay Phúc Kiến cũng có thể tượng trưng cho điều tương tự. Xét về mặt kỹ thuật, con tàu có khả năng cạnh tranh với loạt tàu sân bay tiên tiến nhất của Mỹ.

Các máy phóng điện từ cho phép tàu sân bay liên tục phóng nhiều máy bay chiến đấu, dù bị hạn chế bởi boong tàu ngắn và đông đúc. Nếu tàu sân bay thứ tư và các tàu sân bay tiếp theo của Trung Quốc được trang bị máy phóng điện từ như một thiết bị tiêu chuẩn, điều đó có thể cho phép Trung Quốc ngăn chặn hạm đội tàu Mỹ tiếp cận Đài Loan.

Nỗi ám ảnh của Tập đối với Đài Loan còn được phản ánh trong một kế hoạch hoành tráng nhằm thiết lập mạng lưới đường sắt cao tốc và đường cao tốc nối Bắc Kinh với Đài Bắc vào năm 2035.

Kế hoạch này nổi lên từ năm ngoái. Các tuyến đường dự kiến sẽ đi qua Đảo Bình Điền. Việc xây dựng một cây cầu hoặc một đường hầm dưới biển qua Eo biển Đài Loan là điều có thể hình dung. Đài Loan chắc chắn không đồng ý, nhưng dù sao thì tấm bản đồ vẫn được phát hành.

Kế hoạch năm 2035 là một ẩn ý về khả năng Tập nhắm đến việc thống nhất với Đài Loan trong cùng năm đó. Thời hạn của kế hoạch thường được nói chung chung là năm mà Trung Quốc bắt kịp Mỹ về kinh tế và quân sự.

Trong những lần đàm phán với Mỹ, Trung Quốc đã bắt đầu nói rằng Eo biển Đài Loan không phải là một phần của vùng biển quốc tế. Tuyên bố này nhằm ngăn chặn các hạm đội Mỹ tự do đi lại trong khu vực eo biển.

Bài phát biểu mà Lưu Kết Nhất, quan chức hàng đầu của Đài Loan, trình bày tại buổi lễ kỷ niệm Trịnh Thành Công ngày 14/06 cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy mong muốn thống nhất với Đài Loan mạnh mẽ của Tập.

Lưu đã bất ngờ nổi lên như một ứng viên nặng ký cho chiếc ghế ngoại trưởng tiếp theo của Trung Quốc. Cùng ngày với bài phát biểu của Lưu, người ta thông báo rằng Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Lạc Ngọc Thành, một nhà ngoại giao thân Nga được nhiều người tin là sẽ trở thành ngoại trưởng tiếp theo, đã bị thuyên chuyển sang một vị trí ngoài ngành ngoại giao, rõ ràng là ông đã bị giáng chức.

Việc đặt tên cho tàu sân bay Phúc Kiến chắc chắn sẽ khiến người Đài Loan cảm thấy lo sợ.

Liệu đây có phải là cái tên phù hợp nhất trong hoàn cảnh hiện tại?

Cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine được xem như một lời nhắc nhở về khả năng Bắc Kinh thống nhất với Đài Loan bằng vũ lực. Trung Quốc đã từ chối lên án cuộc chiến của Nga.

Trung Quốc đã bị giám sát chặt chẽ hơn tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Tây Ban Nha trong tuần này, giống như tại hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Đức những ngày trước đó.

Để chống lại áp lực quốc tế, Trung Quốc cần thể hiện lập trường cứng rắn đối với Đài Loan. Nhưng điều này có thể phản tác dụng.

Sau khi tập trung thành công quyền lực vào tay mình, với tư cách là người đứng đầu đảng, quân đội, và nhà nước, Tập Cận Bình là người duy nhất có thể đưa ra quyết định cuối cùng về tên gọi của tàu sân bay.

Chẳng lẽ Tập không có phụ tá thân tín nào dám khuyên ông không nên tỏ ý khiêu khích như vậy?

Sự lạc quan của Tập trong việc đặt tên tàu sân bay cho thấy rằng nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc đang sống trong thế giới của riêng mình trước thềm đại hội toàn quốc quan trọng của đảng vào mùa thu này. Ông chắc chắn có tham vọng. Nhưng có lẽ ông cũng đang cô độc một mình.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới