Monday, January 13, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnTùy viên quốc phòng TQ bị Fiji mời khỏi cuộc họp đảo...

Tùy viên quốc phòng TQ bị Fiji mời khỏi cuộc họp đảo quốc Thái Bình Dương

Hai tùy viên quốc phòng Trung Quốc đã bị cảnh sát Fiji đuổi khỏi cuộc họp có bài phát biểu của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris trong Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương.

The Guardian ngày 13.7 đưa tin hai tùy viên quốc phòng Trung Quốc đã bị cảnh sát Fiji đuổi ra khỏi một phiên họp ngày 12.7 của cơ quan thủy sản trong Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) ở Fiji. Trong phiên họp đó, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có bài phát biểu trực tuyến về việc tăng cường sự can dự của Mỹ trong khu vực, động thái được cho là để đáp lại ảnh hưởng của Trung Quốc tại đây.

Hai người đàn ông trên đã ngồi ở vị trí của đội ngũ phóng viên. Tuy nhiên, phóng viên người Fiji Lice Movono đang đưa tin cho The Guardian đã nhận ra một trong hai người đàn ông là quan chức của đại sứ quán Trung Quốc.

Phóng viên Movono cho biết bà “nhận ra ông ấy vì tôi đã tiếp xúc với ông ấy ít nhất ba lần rồi”. Một lần trong đó là tại chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến thủ đô Suva của Fiji vào tháng trước. Các phóng viên đã bị đưa ra khỏi các sự kiện và bị ngăn đặt câu hỏi trong dịp đó.

“Ông ấy là một trong những người đã đuổi chúng tôi ra ngoài và chỉ đạo những người khác ngăn chúng tôi ở Suva. Khi phát hiện ông ấy trong phiên họp ở Fiji, tôi đã đến hỏi: ‘Ông đến đây với tư cách là quan chức Đại sứ quán Trung Quốc hay người của hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa xã? Ông đang ngồi ở khu vực của phóng viên’. Nhưng ông ấy lắc đầu như để biểu thị rằng mình không nói được tiếng Anh”, bà Movono kể lại.

Bà Movono đã báo cho các nhân viên người Fiji trong ban tổ chức và được họ yêu cầu báo lại cho cảnh sát Fiji. Cảnh sát sau đó đã hộ tống hai người đàn ông ra khỏi phòng. Họ không trả lời các câu hỏi của truyền thông.

Các nguồn tin ngoại giao sau đó xác nhận rằng những người đàn ông này là tùy viên quốc phòng và phó tùy viên quốc phòng của Đại sứ quán Trung Quốc ở Fiji.

Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng vào khu vực trong vài tháng gần đây. Giống như Mỹ, Trung Quốc không phải là một bên tham gia PIF nhưng là đối tác của diễn đàn. Các quốc gia đối tác thường được mời tham dự cuộc đối thoại sau diễn đàn và có thể thuyết trình tại đó. Năm nay, đối thoại đối tác không được tổ chức trong tuần diễn ra hội nghị thượng đỉnh để các quốc gia Thái Bình Dương có thời gian xoay sở trước áp lực địa chính trị.

Trung Quốc được cho là sẽ sử dụng đối thoại sau diễn đàn để giới thiệu lại phiên bản mới của thỏa thuận kinh tế và an ninh. Thỏa thuận này đã được Bắc Kinh trình bày với 10 nhà lãnh đạo của các quốc gia Thái Bình Dương vào tháng trước, nhưng đã bị từ chối.

RELATED ARTICLES

Tin mới