Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiKhủng hoảng Sri Lanka tác động lớn đến TQ

Khủng hoảng Sri Lanka tác động lớn đến TQ

Sự hỗn loạn kinh tế và chính trị đang bao trùm Sri Lanka sẽ có tác động lớn đến quan hệ với Trung Quốc, và đây cũng là lời cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Sri Lanka hiện đang chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế khi phải chịu áp lực dồn dập từ các khoản nợ khổng lồ, doanh thu du lịch sụt giảm và các tác động khác từ đại dịch cũng như giá cả hàng hóa tăng cao do xung đột Ukraine.

Hôm 11/7, một ngày sau khi hàng chục nghìn người biểu tình xông vào tư dinh cũng như của Thủ tướng tại thủ đô Colombo, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa xác nhận từ chức.

Thủ tướng Ranil Wickremesinghe, nhà lãnh đạo ra tuyên bố hồi tuần trước rằng Sri Lanka đã “phá sản”, cũng cho biết sẽ từ chức. Văn phòng Thủ tướng cho biết, các bộ trưởng đã nhất trí rằng, ngay khi có thỏa thuận thành lập chính phủ lâm thời của tất cả các đảng, họ sẽ bàn giao công việc của mình.

Chuyên gia Lin Minwang tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, Trung Quốc cho rằng, tình trạng hỗn loạn chính trị mới nhất diễn ra sau nhiều tháng bùng nổ biểu tình phản đối cuộc khủng hoảng tài chính và đây sẽ là đòn giáng mạnh vào mối quan hệ của Trung Quốc với đảo quốc này.

Gia tộc Rajapaksa đã thống trị chính trường Sri Lanka trong gần hai thập niên qua, được coi là có mối quan hệ thân thiện với Bắc Kinh.

Khi Mahinda Rajapaksa, anh trai của Tổng thống Gotabaya, nắm quyền từ năm 2005-2015, Colombo đã ký một loạt thỏa thuận xây dựng cơ sở hạ tầng với Bắc Kinh, bao gồm việc cho một công ty nhà nước Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm như một phần của một khoản nợ gây tranh cãi: hoán đổi vốn chủ sở hữu.

“Trong ngắn hạn, quan hệ giữa Trung Quốc và Sri Lanka sẽ bị ảnh hưởng lớn vì sự ảnh hưởng của gia tộc Rajapaksa suy giảm. Gia tộc này có thể sẽ không quay trở lại vũ đài chính trị trong tương lai gần”, chuyên gia Lin nói.

Ông Lin cho rằng, cuộc khủng hoảng do lạm phát tăng vọt, nợ cao và quản lý kinh tế yếu kém, cũng là một “lời cảnh tỉnh” đối với các nhà đầu tư Trung Quốc đang tìm đến các quốc gia đang phát triển dễ bị tổn thương do chi phí nhiên liệu tăng, thiếu lương thực… như Sri Lanka.

“Tôi sẽ không gọi đây là bài học nhưng là một lời nhắc nhở rằng, cần xem xét đến năng lực quản trị địa phương khi đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là khi môi trường quốc tế nói chung không tốt và tỷ lệ nợ của các nước ở Nam Á nói chung rất cao”, ông Lin nói. “Các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Sri Lanka ít nhiều sẽ bị lỗ”.

Đã có những đồn đoán rằng lãnh đạo phe đối lập Sajith Premadasa có thể nắm ghế vị trí thủ tướng nếu ông có thể đảm bảo đa số trong quốc hội, động thái có thể làm tăng thêm sự không chắc chắn cho Trung Quốc, vì ông Premadasa được cho là muốn thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, chuyên gia Liu Zongyi, thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, lại cho rằng, Bắc Kinh duy trì quan hệ thân thiết với mọi đảng phái chính trị ở Sri Lanka chứ không chỉ gia tộc Rajapaksa.

“Trung Quốc không nghiêng về phe này hay phe kia”, ông Liu nói và nhấn mạnh thêm: “Đó là lý do tại sao các chính phủ Sri Lanka trước đây đều muốn duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác với Trung Quốc”.

Chuyên gia Lin từ Đại học Phúc Đán cũng cho rằng, về lâu dài, Sri Lanka khó có thể rời xa Trung Quốc, một trong những chủ nợ lớn nhất và là nhà đầu tư nước ngoài quan trọng của quốc gia này.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế bùng nổ, Sri Lanka ngày càng phụ thuộc vào nước láng giềng Ấn Độ về các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu và vật tư y tế. Ấn Độ cũng đã mở rộng hạn mức tín dụng và hoán đổi tiền tệ cho Sri Lanka thêm hơn 3 tỷ USD.

Tuy nhiên, chuyên gia Lin nói: “Không cần phải quá bi quan về mối quan hệ Trung Quốc với Sri Lanka, bởi mối quan hệ của Sri Lanka với Ấn Độ có những mâu thuẫn cố hữu và Colombo thực sự cần Bắc Kinh để tạo thế đối trọng với New Delhi”.

Sri Lanka nằm ở Ấn Độ Dương, một vị trí chiến lược cho thương mại quốc tế. Quốc gia này đã nỗ lực vực dậy sau một cuộc nội chiến tàn khốc và gần đây hơn là suy thoái kinh tế từ cuộc tấn công khủng bố năm 2019 khi đại dịch Covid-19 tấn công ngành du lịch hái ra tiền.

Cuộc khủng hoảng đã trở nên trầm trọng hơn khi xung đột Ukraine bắt đầu vì Nga là thị trường tiêu thụ chè lớn thứ ba của Sri Lanka, nhưng Moscow không thể thanh toán hợp đồng với Colombo vì bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Colombo đã yêu cầu Bắc Kinh giúp đỡ, bao gồm khoản vay 1 tỷ USD để trả nợ và hạn mức tín dụng 1,5 tỷ USD để mua hàng hóa Trung Quốc, nhưng chưa đạt được tiến triển nào sau nhiều tháng đàm phán.

Trung Quốc và Nhật Bản, hiện nắm khoảng 10% nợ nước ngoài của Sri Lanka, và hiện đang là hai chủ nợ lớn nhất của Colombo.

RELATED ARTICLES

Tin mới