Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhủng hoảng ở Sri Lanka và bài học đau đớn về độc...

Khủng hoảng ở Sri Lanka và bài học đau đớn về độc lập, tự chủ

Thời gian gần đây, tình hình bất ổn ở Sri Lanka đã đưa quốc gia này trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới. Hiện thực tồi tệ cũng gợi ra rất nhiều vấn đề cho thế giới, đặc biệt là những nước đang phát triển trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế. Cụ thể hơn, đó là bài học về sự độc lập, tự chủ trong đường lối phát triển của quốc gia, dân tộc.

Người dân Sri Lanka quá đói và vất vả nên đã biểu tình trước tòa nhà nghị viện.

Trên lĩnh vực kinh tế, Chính phủ Sri Lanka là điển hình cho một mô hình quản trị yếu kém về năng lực và tầm nhìn. Việc để quốc gia mình rơi vào vòng xoáy nợ nần mà không cách nào cứu vãn nổi là bằng chứng không thể chối cãi cho nhận định trên. Theo đó, nợ nước ngoài từ các tập đoàn tài chính của phương Tây như HSBC, JPMorganChase, Prudential chiếm hơn 60% tổng số nợ.

Đặc biệt hơn, tác động nghiêm trọng của “bẫy nợ” là nó không chỉ gây ra khó khăn cho hệ thống tài chính của các quốc gia mắc nợ mà còn biến những nước này trở nên ngày càng phụ thuộc vào nước ngoài. Trường hợp như Sri Lanka, họ dần thiếu đi tính tự chủ trong các quyết sách về kinh tế. Nghiêm trọng hơn, Chính phủ đã bán rẻ đất đai cho các tập đoàn nước ngoài, đẩy hàng trăm nghìn ngư dân ra khỏi các ngư trường truyền thống và dựng nên hàng trăm khách sạn, resort sang trọng. Cách biệt giàu nghèo ngày càng tăng một phần từ những dự án tỷ USD đó.

Chưa hết, Chính phủ vừa sụp đổ của Sri Lanka được điều hành bởi những người ủng hộ nhiệt tình đến mức mù quáng đối với với chương trình nông nghiệp hữu cơ, vốn chịu ảnh hưởng từ các ý tưởng về một nền nông nghiệp “xanh” của Phương Tây. Kết quả là, từ một đất nước xuất khẩu gạo, Sri Lanka đã lập tức trở thành một nước nhập khẩu. Ngân sách quốc gia vì thế cũng đội lên hàng trăm triệu USD. Bài học của Sri Lanka là một minh chứng rõ nét về chương trình “nghị sự xanh” mờ mịt của Liên minh châu Âu, không những không tạo nên sự khác biệt đáng kể cho tình trạng môi trường mà còn đang trở thành gánh nặng khủng khiếp trên vai người dân nghèo ở các nước đang phát triển.

Trên địa hạt chính trị, Sri Lanka nổi tiếng là một “sân chơi” quyền lực giữa các cường quốc. Trong đó, nổi bật hơn cả là Ấn Độ và Trung Quốc. Nếu như Ấn Độ được biết đến là “người anh” bảo trợ về chính trị cho chế độ gia đình trị của Rajapaksa thì Trung Quốc lại là thế lực chủ yếu giúp củng cố địa vị của dòng họ này trên chính trường Sri Lanka những năm gần đây nhờ đòn bẩy về kinh tế. Cạnh tranh Trung – Ấn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngày càng trở nên quyết liệt, không kém gì cạnh tranh Trung – Mỹ. Và tất nhiên, Sri Lanka trở thành “tâm điểm” của cuộc cạnh tranh quyền lực ấy. Từ nhiều năm qua, nhiều dự án của cả Trung Quốc và Ấn Độ đã được triển khai ở Sri Lanka, với số vốn ước tính hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, nhiều dự án cho đến nay vẫn chưa được triển khai một cách hiệu quả. Nguồn vốn đó đã trở thành “con mồi” béo bở cho quan chức tham nhũng tại nước này.

Trong đối ngoại, Chính phủ Sri Lanka đã thất bại ngay từ ban đầu khi không thể nhận diện được bản chất của hội nhập quốc tế. Đồng thời, Chính phủ cũng không nhận thức đầy đủ về các chiến lược phát triển của những đồng vốn từ bên ngoài. Để rồi chính họ đã đẩy cả quốc gia, dân tộc mình trở thành “thuộc địa” ngay trong thời kỳ hiện đại. Cụ thể là phụ thuộc về sản xuất, phụ thuộc về chính sách và tầm nhìn dài lâu. “Bẫy nợ” chính là biểu hiện cao nhất của sự phụ thuộc ấy. Cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này gần đây chỉ là “giọt nước tràn ly” cho những bất ổn đến từ nhiều thập niên phụ thuộc, mất tự chủ.

Có thể nói, biến cố chính trị – xã hội ở Sri Lanka đã tạo nên những dư chấn mạnh mẽ trên truyền thông và công luận quốc tế. Nó không chỉ làm gia tăng hơn nữa sự bất ổn của chính trị thế giới mà về lâu về dài, còn làm thay đổi mối quan hệ quốc tế ở châu Á – Thái Bình Dương. Sri Lanka có thể không phải là bài học duy nhất nhưng là bài học trước mắt cho câu chuyện độc lập, tự chủ trong thời đại mới. Một thời đại mà ở đó toàn cầu hoá vừa là thời cơ, vừa là thách thức cho các nước đang phát triển.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới