Friday, December 27, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnÔng Tập đến Tân Cương lúc này làm gì?

Ông Tập đến Tân Cương lúc này làm gì?

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Tân Cương, quê hương của người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi đang bị áp bức, với mục đích thúc đẩy đoàn kết dân tộc và củng cố địa vị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này sẽ giúp ông Tập có được nhiệm kỳ thứ 3.

Phụ nữ Duy Ngô Nhĩ làm việc trong một nhà máy sản xuất vải ở Hotan, Tân Cương, Trung Quốc, ngày 27/04/2019.

Theo Tân Hoa xã và CCTV, ngày 12 – 15/07, ông Tập đã đến một khu phố của người Duy Ngô Nhĩ ở thủ phủ Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề). Ông cũng đã đến thăm một đơn vị của Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương – tổ chức bán quân sự mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng từ những năm 1950 để kiểm soát và phát triển Tân Cương – tại thành phố Thạch Hà Tử (Shihezi) cách Urumqi khoảng 85 dặm về phía tây.

Đây là chuyến thăm Tân Cương đầu tiên của ông Tập sau hơn 8 năm. Chuyến đi gần đây nhất của ông kết thúc vào ngày 30/04/2014 – thời điểm xảy ra vụ tấn công bằng bom và dao ở ga xe lửa của Urumqi, khiến 3 người thiệt mạng và 79 người bị thương. Bắc Kinh đã mô tả vụ việc này và những vụ tương tự là “các cuộc tấn công khủng bố bạo lực” của người Hồi giáo, và rồi lấy cớ đó để tăng tốc chiến dịch “Hán hóa người Hồi giáo”. Chiến dịch này được ĐCSTQ thiết kế để xóa bỏ các tập tục Hồi giáo và buộc các tín đồ tôn giáo phải tin vào chế độ cầm quyền.

Tháng 08/2018, Ủy ban của Liên hợp quốc về Xóa bỏ phân biệt chủng tộc lần đầu tiên tiết lộ rằng khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các trại ở Tân Cương. Tại đây, họ chịu cảnh lao động cưỡng bức và bị tẩy não bằng các lý thuyết và phương pháp tư duy của ĐCSTQ.

“Tôi đau đớn khi xem những hình ảnh này [ảnh và video về chuyến thăm Tân Cương của ông Tập] sau khi biết chính xác những gì người Duy Ngô Nhĩ đã trải qua”, ông Omer Kanat – Giám đốc điều hành của Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ (UHRP) – nói với The Epoch Times qua email ngày 15/07. “Chúng tôi đã ghi nhận vô số trường hợp người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ và kết án vì chính những điều mà chính quyền [ĐCSTQ] tuyên bố sẽ coi trọng và bảo vệ”.

Trong những năm qua, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Canada và Úc đã tẩy chay các sản phẩm làm ra bởi lực lượng lao động cưỡng bức từ Tân Cương. Các mặt hàng đó bao gồm bông, polysilicon được sử dụng trong các tấm pin mặt trời và pin cho xe điện. Phương Tây hy vọng những hành động này có thể ngăn chặn cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Ngày 21/06, Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức của Mỹ (UFLPA) đã có hiệu lực. Luật này cấm nhập khẩu các sản phẩm được làm bởi lao động cưỡng bức ở Tân Cương.

Chi tiết chuyến thăm Tân Cương của ông Tập

Trong chuyến đi 4 ngày của mình, ông Tập đã đến thăm một trường đại học, một cảng đất liền, một viện bảo tàng và một khu phố của người Duy Ngô Nhĩ ở Urumqi. Ở Shihezi, ông đã đến thăm một viện bảo tàng và các khu đất nông nghiệp. Tại Turpan, thành phố cách thủ phủ Urumqi khoảng 110 dặm về phía đông, ông Tập đã đến thăm một vườn nho, một ngôi làng và tàn tích của thành phố cổ Jiaohe.

Đài truyền hình CCTV do nhà nước Trung Quốc điều hành đã giải thích mục đích đằng sau hành trình của ông Tập là: Ông Tập muốn người dân ở Tân Cương ủng hộ chế độ và từ bỏ các mục tiêu mà họ theo đuổi.

Trong chuyến đi, ông Tập cũng thường xuyên nói rằng các nhóm dân tộc ở Tân Cương là thành viên của đại gia đình Trung Quốc và điều này cần được dùng để định hình cách cư xử của họ.

Trung Quốc xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa sang Trung Á thông qua Urumqi. Cảng đất liền ở Urumqi là chìa khóa cho Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của ĐCSTQ. BRI, ra đời vào năm 2013, được Bắc Kinh sử dụng để đầu tư và xây dựng dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, nhưng trên thực tế, cũng khiến các quốc gia này lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. BRI có biệt danh là “bẫy nợ”.

Thành phố cổ Jiaohe, hiện là đống đổ nát, từng là một thị trấn quan trọng trên Con đường Tơ lụa. Ông Tập đã đến thăm những tàn tích của thành phố Jiaohe và cảng ở Urumqi để thúc đẩy BRI.

CCTV cũng kể chi tiết về chuyến thăm của ông Tập đến cánh đồng bông ở Shihezi.

Tân Cương cung cấp khoảng 90% bông cho Trung Quốc. Việc tẩy chay bông sản xuất tại Tân Cương đã buộc ngành dệt may Trung Quốc phải nhập khẩu bông để làm ra các sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

Mưu đồ chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình

Nhà bình luận Tang Jingyuan, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nói với The Epoch Times vào ngày 15/07 rằng “ông Tập Cận Bình muốn tô vẽ chế độ của ông như là một kẻ cai trị thành công ở Tân Cương. Hiện nay, ông Tập đang nỗ lực để có thể tiếp tục nắm quyền nhiệm kỳ thứ ba”.

Không có phương tiện truyền thông tự do nào ở Trung Quốc; tất cả các phương tiện truyền thông đều là công cụ tuyên truyền của chế độ, ông Tang cho biết. Người dân Trung Quốc không biết tình hình thực tế đang diễn ra ở Tân Cương và luôn bị đánh lừa bởi các phương tiện truyền thông nhà nước.

“Trung Quốc không áp dụng hệ thống bầu cử kiểu phương Tây. Ông Tập cần thuyết phục các phe phái khác trong ĐCSTQ rằng ông ấy xứng đáng với nhiệm kỳ thứ ba”, ông Tang nói.

ĐCSTQ sẽ sớm tổ chức mật nghị Bắc Đới Hà (Beidaihe) hàng năm. Tất cả các quan chức hàng đầu sẽ tham gia cuộc họp này và tranh luận về các vấn đề chính mà ĐCSTQ phải đối mặt. Năm nay, mật nghị sẽ quyết định người lãnh đạo trong 5 năm tới. Kết quả sẽ được công bố vào mùa thu tại Đại hội 20 của ĐCSTQ.

Nhà bình luận Tang, hiện đang sống ở Mỹ, đã quan sát các cuộc đàn áp ở Tân Cương trong nhiều thập kỷ qua. Ông tin rằng ông Tập sẽ sử dụng nhiều vũ lực hơn để duy trì quyền lực của mình trong khu vực.

“Quân đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, được gọi là Bingtuan, là lực lượng được sử dụng để canh tác đất đai và bảo vệ chế độ. Chuyến thăm của ông Tập tới quân đoàn này vào ngày 13/07 có nghĩa là ông ấy ghi nhận thành tích mà quân đoàn đã đạt được và ông ấy sẽ sử dụng quân đoàn để làm nhiều việc hơn nữa trong tương lai”, ông Tang nói.

Ông Tang cho rằng sẽ không có sự thay đổi lớn nào về mặt chính trị ở Tân Cương.

ĐCSTQ đã xây dựng hàng trăm cái gọi là trung tâm giáo dục kỹ năng nghề, đồng thời phá hủy hàng nghìn nhà thờ Hồi giáo và các địa điểm thờ tự Hồi giáo khác ở Tân Cương kể từ năm 2017. Chế độ này tuyên bố rằng người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác đang nhận được các chương trình giáo dục tại trung tâm; tuy nhiên, tiếng nói từ nạn nhân và các cuộc điều tra lại cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới