Dồn dập các động thái quân sự được Mỹ triên khai trên Biển Đông. Không khó nhận ra, những động thái này triển khai trùng thời điểm PCA ra phán quyết vụ kiện đình đám của Philippines với Trung Quốc 6 năm về trước.
Tiêu điểm câu chuyện là việc ngày 16/7, Hạm đội 7 Mỹ ra thông báo tàu khu trục USS Benfold đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Thông báo nhấn mạnh: “Vào ngày 16-7, USS Benfold (DDG 65) khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông gần quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Thông báo lập tức được các hãng tin lớn trên thế giới, trong đó có Reuters, quan tâm đặc biệt.
Lâu nay, hải quân Mỹ vẫn thường cho chiến hạm nghênh ngang ra vào Biển Đông như chỗ không người. Trước khi áp sát Trường Sa, cũng chiến hạm USS Benfold tối tân, có chiều dài 154m; sườn ngang 18m; mớn nước 9,4m; trọng tải tối đa gần 9.000 tấn; hoạt động với 3 động cơ Allison 501-K34, vận tốc tới 56 km/h và tầm hoạt động lên tới 8.100km, được trang bị các thiết bị điện tử có thể phát hiện các mục tiêu trên biển, trên không hoặc dưới mặt biển…, đã áp sát Hoàng Sa (của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép năm 1974) vào ngày 13/7. Sự hiện diện của USS Benfold khiến Trung Quốc giãy đành đạch như đỉa phải vôi, phản ứng lại qua tuyên bố của Điền Quân Lý – người phát ngôn Chiến khu Nam bộ của quân đội Trung Quốc.
Ông Điền Quân Lý nói rằng: Quân đội nước này đã triển khai lực lượng không quân, hải quân theo dõi và xua đuổi tàu khu trục USS Benfold của Mỹ hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa.
Ông Điền Quân Lý gần như y chang nhắc lại tuyên bố của chính ông hồi tháng 9/2021 rằng: Quân đội Trung Quốc đã “xua đuổi một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông”.
Cũng như lần trước, Mỹ ngay lập tức bác bỏ thông tin về cái gọi là “xua đuổi” của ông Điền Quân Lý. Còn với dư luận, tuyên bố của ông Điền Quân Lý nhiều lắm có lẽ chỉ họ …cười nhếch mép. Thì vẫn thế, Trung Quốc có bài nào mới đâu trong các tình huống tương tự. Thậm chí, những ngôn từ bạo miệng, kẻ cả của Bắc Kinh làm nhiều người nhớ lại clip hình ảnh phi công-đại úy không quân Trung Quốc Gao Zengsong lái tiêm kích bom JH-7 đang “đuổi” một tàu chiến ra khỏi vùng được cho là “lãnh hải Trung Quốc” tại Biển Đông do Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng ngày 25.4.
Thậm chí câu nói của phi công Gao trong clip: “Nếu tôi không quay lại, nhớ gửi lá thư trong tủ của tôi cho con tôi” (hàm ý, sẽ quyết tử cho chủ quyền biển đảo của Tổ quốc) càng khiến nhiều người hoài nghi hơn. Bởi thật thế, hẳn đã diễn ra một cuộc “choảng nhau” thực sự, đấu súng thực sự chứ đâu có chuyện Mỹ chịu nước lép. Cũng như nếu thế, Mỹ hẳn phải sợ Trung Quốc mà “chừa hẳn” thói nghênh ngang đi vào khu vực đường cơ sở mà Trung Quốc tuyên bố?
Đằng này, ngược lại, trong năm 2021, cũng chiến hạm USS Benfold đã thực tự do hàng hải Hải quân tới gần 10 lần. Trong những lần đó, đáp lại cảnh báo của Trung Quốc, Mỹ tuyên bố, họ làm thế để “thách thức các tuyên bố chủ quyền hàng hải quá mức bất kể việc quốc gia khẳng định chúng”.
Thậm chí, trước sự khó chịu của Trung Quốc, phát ngôn viên của tàu sân bay Carl Vinson, bà Miranda Williams có lần đã giận dữ mà rằng: “Hải quân của chúng tôi thường xuyên bay, tuần tra bằng tàu và hoạt động trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương theo luật pháp quốc tế trong hơn 75 năm qua và sẽ tiếp tục làm như vậy”.
Những diễn biến xung quang việc chiến hạm USS Benfold của Mỹ áp sát Hoàng Sa và Trường Sa cho thấy, Mỹ nói là làm. Và sâu xa hơn, thời điểm này, Mỹ làm như để “nhắc” Trung Quốc đừng quên “bàn thua” mất mặt trước Philippines với Phán quyết của PCA năm 2016.
Còn những tuyên bố của Trung Quốc chỉ chứng tỏ một điều: không làm gì được Mỹ, thì chỉ còn cách tăng cường…dùng võ miệng để dọa vậy.
T.V