Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnCái chết của dòng Mekong

Cái chết của dòng Mekong

Gần 50 triệu người sống phụ thuộc vào nghề cá ở hạ lưu sông Mekong đang rơi vào tình trạng khủng hoảng mất nguồn cá do khai thác quá mức và đập thủy điện “mọc” tràn lan.

Thực trạng báo động tại hạ nguồn Mekong.

Thực trạng “khát cá” đáng báo động

Theo số liệu của Ủy hội sông Mekong (MRC) mới đây, sản lượng thủy sản trên sông Mekong đang sụt giảm mạnh và gây nên tác động dây chuyền đến cả hệ sinh thái toàn lưu vực. Sáu tháng đầu năm 2022, quần thể cá da trơn lớn trên sông Mekong đã giảm 90% sau một thập kỷ. Trong số 692 loài cá nước ngọt còn tồn lại ở hạ lưu sông Mekong, 10% có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu và 3% gần bị đe dọa. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đưa ra dự báo có thể trong thời gian tới, các loài thủy sản lớn có lộ trình di cư dài như cá linh, cá trèn… sẽ không về nữa.

Đặc biệt, các chuyên gia cảnh báo nguồn thủy sản ở Campuchia đang ở mức báo động. Ông Marc Goichot, chuyên gia Tổ chức Bảo tồn WWF, cho rằng nguồn thủy sản ở hồ Tonle Sap cung cấp khoảng 1/3 thực phẩm cho hơn 15 triệu dân Campuchia hiện đang bị sụt giảm nghiêm trọng.

Trang Phnom Penh Post mới đây dẫn một loạt báo cáo của Tổ chức WorldFish có trụ sở ở Malaysia nhấn mạnh rằng đánh bắt thủy sản có vai trò sống còn đối với rất nhiều người dân Campuchia. Khoảng 3 triệu người dân hiện sống nhờ vào hồ Tonle Sap và nhiều người theo nghề này để vừa kiếm bữa ăn cho gia đình vừa làm sinh kế. Trong khi đó, khảo sát của WorldFish cũng cho thấy 81% người dân được hỏi cho biết sản lượng đánh bắt đã sụt giảm mạnh trong những năm gần đây. Và chắc chắn điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ

Vào đầu năm nay, người dân địa phương không còn cá tôm để đánh bắt nên đành trồng sen và cấy lúa ven sông Mekong. Một số thậm chí đã rào các mảnh đất của họ để khẳng định quyền sở hữu. Đây là một ví dụ rõ ràng về những thay đổi lớn đang diễn ra dọc theo sông Mekong khi tôm cá ngày một trở nên khan hiếm hơn.

Trong bài phân tích về sự thay đổi của sông Mekong, trang BlueNotes so sánh rằng cách đây 10 – 15 năm, một ngư dân trung bình mỗi ngày đánh bắt được trên 100 kg cá mỗi ngày. Ngày nay, mỗi ngày họ chỉ bắt được chừng 10 – 15 kg dù rất cố gắng.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến nguồn lợi thủy sản tại lưu vực sông Mekong suy giảm nghiêm trọng một phần có thể do việc đánh bắt cá trái phép.

Thông thường, thủ phạm là những ngư dân địa phương tuyệt vọng, sử dụng một loạt biện pháp như dùng thuốc nổ, kích điện, chất độc và lưới cỡ siêu lớn không được cấp phép. Họ cũng thường phớt lờ lệnh cấm đánh bắt trong mùa cấm từ tháng 6 đến tháng 10, khi một số khu vực nhất định được giới hạn để tạo điều kiện cho cá sinh sản.

Hơn nữa là việc bán cá nước ngọt khai thác trái phép trong mùa cấm trên chợ đen cũng ngày càng nở rộ. Đây là một chủ đề nhạy cảm trong khu vực, nên dường như không ai sẵn lòng tiếp chuyện. Chủ các thuyền không chắc chắn về những việc họ đang làm để kiếm sống, trong khi người bán hàng ở chợ dường như cũng mơ hồ về nguồn gốc số cá họ nhập về.

Ngoài ra, nếu khai thác cá tràn lan không kiểm soát, đặc biệt là ở giai đoạn cá non thì thiệt hại là vô cùng lớn, không thể đo đếm hết, lại ảnh hưởng tới vòng sinh dưỡng của thủy sản, nguy cơ cạn kiệt cho mùa sau. Mặc dù vậy, do địa bàn rộng, cộng với tập quán của người dân, rất khó để ngăn chặn tình trạng khai thác này bởi quy định về việc cấm đánh bắt cá non hiện nay vẫn còn chưa có.

Hệ quả từ đâu?

Thời điềm hiện tại ở đầu dòng chảy, Trung Quốc đã 6 đập thủy điện, 11 con đập tiếp theo dự kiến xây dựng trên đất Lào và Campuchia sẽ gây ra những tác động xấu và nghiêm trọng cho khu vực, đặc biệt vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam do ở cuối nguồn. Riêng con đập Don Sahong mà Lào quyết tâm xây dựng đã bị cộng đồng cư dân 4 quốc gia lên án mạnh mẽ vì vị trí đập nằm ở vùng vô cùng quan trọng như yết hầu cho các loại cá vượt qua.

Theo nhiều chuyên gia, việc xây dựng số lượng lớn đập thủy điện như trên có thể mang lại cái lợi trước mắt lên đến 33 tỷ USD cho nước xây đập, nhưng hậu quả lâu dài mà nó gây ra cho nguồn lợi thủy sản của các nước chịu ảnh hưởng sẽ gấp 10 lần, tương đương 247 tỷ USD. Báo cáo cũng chỉ rõ, quốc gia gánh chịu hậu quả lớn trong khu vực tiểu vùng sông Mekong sẽ là Việt Nam.

Vẫn biết thủy điện lâu nay được coi là một nguồn “năng lượng xanh”, vì có thể tái tạo và không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Thêm nữa, các đập nước trên lý thuyết còn giúp kiểm soát dòng chảy, điều chỉnh lưu lượng nước, phòng chống lũ lụt hay hạn hán tại hạ nguồn; giúp phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, việc phát triển thủy điện trên các dòng sông lớn như Mê Kông sẽ là “lợi bất cập hại”, nên cần có sự tham gia nghiên cứu kỹ lưỡng của tất cả các quốc gia từ thượng nguồn đến hạ lưu.

Bên cạnh đó, các tác động liên quan đến một số loài cá di cư cũng như tác động về dòng chảy, phù sa cần được làm rõ hơn với các nghiên cứu khoa học với kết quả thấu đáo. Có như vậy mới tránh được “tiền lệ xấu” cho các dự án có thể có sau này và cam kết của các quốc gia Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam khi tham gia Hiệp định về hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong mới được thể hiện một cách thuyết phục.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới