Saturday, January 18, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnMối hiểm họa của TQ với kinh tế toàn cầu

Mối hiểm họa của TQ với kinh tế toàn cầu

Trang Reuters đưa tin, kinh tế Trung Quốc giảm mạnh trong quý II vừa qua đã phản ánh tổn thất to lớn gây ra bởi các đợt phong toả chống Covid-19. Đồng thời phủ thêm bóng đen lên triển vọng phát triển của nền kinh tế toàn cầu…

Viễn cảnh suy thoái của kinh tế Trung Quốc đang đến gần, khiến ngày càng nhiều lo ngại rằng cú sốc này sẽ kéo theo sự suy thoái toàn cầu.

Reuters dẫn tin hôm 16/7, Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết chỉ số tăng trưởng của quốc gia này trong quý II/2022 chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm 2,6% so với quý trước đó. Giữa bối cảnh Thượng Hải, thành phố lớn nhất nước này, đã bị phong tỏa suốt hai tháng để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng và buộc nhiều nhà máy phải ngừng hoạt động.

Cũng trong quý II, đã có 5/31 tỉnh thành ở Trung Quốc có kinh tế tăng trưởng giảm sút, trong đó Thượng Hải giảm mạnh nhất với 13,7%, Cát Lâm giảm 4,5% và Bắc Kinh giảm 2,9%. Bên cạnh đó, mặc dù đầu tư tài sản cố định quốc gia của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm tăng 6,1%, nhưng đầu tư phát triển bất động sản lại giảm 5,4%. Diện tích nhà ở thương mại được bán ra trên cả nước giảm 22,2%, trong khi doanh số bán nhà giảm 28,9%.

Trang Reuters dẫn nhận định của chuyên gia Toru Nishihama, kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life ở Tokyo (Nhật Bản) cho rằng nửa đầu 2021, Trung Quốc giữ vai trò như đầu tàu đưa kinh tế thế giới thoát khỏi cuộc suy thoái do Covid-19 gây ra. Tuy nhiên sau đó, kinh tế Trung Quốc đã suy yếu đi nhiều từ nửa cuối 2021. Việc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc suy giảm đã gây tổn hại đến hàng loạt quốc gia trong thời gian qua. Thực tế này đã “phủ bóng đen” lên hy vọng phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Đầu tiên có thể nhận thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới này suy yếu đang là tin xấu với các nhà xuất khẩu hàng hóa như Brazil, Chile hay Australia, những nước cung cấp dầu, đồng và quặng sắt lớn nhất cho Trung Quốc. Bên cạnh đó, Đức, Đài Loan và Hàn Quốc cũng ảnh hưởng vì phụ thuộc vào Trung Quốc như một thị trường tiêu thụ máy móc, ô tô và chất bán dẫn khổng lồ cũng như là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với Mỹ, nơi lạm phát phi mã đang siết chặt ngân sách của các hộ gia đình, thì việc kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại cũng là tin tiêu cực. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell tuần trước cảnh báo rằng, cùng với cuộc chiến ở Ukraine, kinh tế Trung Quốc khó khăn có thể làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát ở Mỹ.

“Bất cứ điều gì xảy ra ở Trung Quốc đều tác động đáng kể đến tăng trưởng toàn cầu”, ông Carlos Casanova, nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại Union Bancaire Privée (Hong Kong) nhận định.

Tác động của việc tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc đang được cảm nhận rộng rãi. Ở Lincoln (Nevada, Mỹ), công ty sản xuất và lắp đặt thiết bị thể thao cho trường học Bison đã có các dự án bị đình trệ vì các nhà cung cấp không thể nhận thiết bị chuyển mạch và các linh kiện điện tử khác từ Trung Quốc. “Các dự án 80.000 USD hoặc 100.000 USD đang bị trì hoãn vì thiếu một số thành phần trị giá 200 USD”, Giám đốc điều hành Nick Cusick nói.

Gần đây, Apple cho biết việc phong tỏa tại Trung Quốc có thể khiến công ty mất doanh thu từ 4 tỷ đến 8 tỷ USD do các vấn đề về chuỗi cung ứng. Còn General Electric, bộ phận chăm sóc sức khỏe của họ đang phải đối mặt với các vấn đề về sản xuất và giao hàng vì sự cố ngừng hoạt động.

Tại Nhật Bản, Sony và Nintendo cho hay những hạn chế về nguồn cung liên quan đến Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất máy chơi game điện tử. Theo Giám đốc Tài chính Sony Hiroki Totoki, các hạn chế của Covid-19, bao gồm cả việc phong tỏa ở Thượng Hải, đã gây khó khăn cho các công ty ở đó trong việc sản xuất và vận chuyển các bộ phận được sử dụng trong thiết bị của hãng.

Trong khi đó, Fortescue Metals (Australia), nhà sản xuất quặng sắt lớn thứ tư trên thế giới cho biết các đợt phong tỏa ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến nhu cầu thép và làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa…

Xuất khẩu của Đài Loan và Hàn Quốc sang Trung Quốc tháng 4 cũng giảm 3,9% so với tháng 3, theo các nhà kinh tế tại Goldman Sachs. Ngân hàng này cho rằng, một số nền kinh tế châu Á gắn chặt với Trung Quốc, nên họ đặc biệt dễ bị suy thoái.

Tại châu Âu, sản lượng sản xuất tháng 3/2022 của Đức ghi nhận mức sụt giảm lớn nhất theo tháng kể từ khi bắt đầu đại dịch năm 2020, phản ánh những tác động từ Trung Quốc cũng như hậu quả từ cuộc khủng hoảng Ukraine.

Đơn cử như hãng BMW đã báo cáo sản lượng sản xuất trong 3 tháng đầu năm giảm 19% so với cùng kỳ, với lý do nguồn cung cấp toàn cầu cho các bộ phận bị tắc nghẽn, cũng như việc Trung Quốc ngừng hoạt động. Lượng xe giao đến Trung Quốc giảm khoảng 9% trong quý. Doanh thu của nhà sản xuất đồ thể thao Adidas tại Trung Quốc 3 tháng đầu năm giảm 35% so với cùng kỳ 2021. Trong khi, chi phí tìm nguồn cung và vận chuyển cao hơn làm ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Thực tế là, mức độ tác động mà Trung Quốc gây ra cho nền kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào mức độ suy thoái của chính họ. Tuy nhiên, đa số các chuyên gia kinh tế đều lạc quan rằng kinh tế của Trung Quốc sẽ phục hồi và kỳ vọng kích thích của chính phủ Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn vào cuối năm nay.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới