Friday, January 17, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Phạm Minh Chính nói gì về Luật đất đai hiện nay

Ông Phạm Minh Chính nói gì về Luật đất đai hiện nay

“Thực tiễn hoạt động cho thấy thấy giàu lên cũng vì đất, nghèo đi cũng vì đất, đoàn kết cũng có, chia rẽ nội bộ cũng vì đất, rồi thậm chí là sai phạm tội cũng liên quan đến đất. Đây là vấn đề khó, phức tạp nên đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Sáng nay, 21/7, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII diễn ra tại Tòa nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh thành phố trong cả nước.

Dự Hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự, chỉ đạo và phát biểu kết luận hội nghị; cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các Bộ, Ban ngành trung ương và địa phương. Các Ủy viên Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đảng đoàn các đoàn thể trung ương.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt chuyên đề về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương nhằm quán triệt sâu rộng, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết quan trọng này.

Thủ tướng cho biết, tại Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI, dành nhiều thời gian thảo luận một cách dân chủ và đã thống nhất cao ban hành Nghị quyết mới về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ các phần trong Nghị quyết 18: Thứ nhất, các yếu tố nền tảng làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện thể chế về đất đai; Thứ hai, tính cấp thiết phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; Thứ ba, quan điểm, mục tiêu; Thứ tư, nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện.

Về các yếu tố nền tảng làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện thể chế về đất đai Thủ tướng nhấn mạnh, trên cơ sở Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, chúng ta đã và đang phấn đấu xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa trên cơ sở các nền tảng: Nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nền dân chủ XHCN, phát huy ý chí và sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại. Để xây dựng được các nền tảng này, chúng ta phải lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa yếu tố con người Việt Nam về trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức và các năng lực khác; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thủ tướng khẳng định, chúng ta đang xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, thực chất, hiệu quả. Lấy nội lực là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Đẩy mạnh công cuộc đổi mới kinh tế theo 3 trụ cột chính: Xóa quan liêu bao cấp, phát triển kinh tế đa thành phần và hội nhập quốc tế. Đồng thời, tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, ứng dụng KHCN, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường về cả kinh tế, chính trị, xã hội. Vì vậy trong thực tiễn quá trình quản lý và sử dụng đất đai ở nước ta cùng với những yếu tố nền tảng nêu trên, đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hoà các lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả đất đai, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thủ tướng nhấn mạnh đây là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm liên quan đến quá khứ, hiện tại, tương lai, liên quan đến tôn giáo dân tộc liên quan đến kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng, quốc tế quan tâm, nhưng không làm cũng không được.

“Thực tiễn hoạt động cho thấy thấy giàu lên cũng vì đất, nghèo đi cũng vì đất, đoàn kết cũng có, chia rẽ nội bộ cũng vì đất, rồi thậm chí là sai phạm tội cũng liên quan đến đất. Đây là vấn đề khó, phức tạp nên đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ, song không cầu toàn, không nóng vội, kiên định và cương quyết nhưng phải rất uyển chuyển mềm dẻo, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan và lấy thực tiễn làm thước đo để chúng ta làm. Cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì chúng ta tiếp tục đưa vào chủ trương, trên cơ sở đó luật hóa, còn cái gì chưa chín chưa rõ nhưng thực tiễn đặt ra thì mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm mở rộng dần, với tinh thần không cầu toàn, nóng vội” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Về quan điểm, mục tiêu về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 5 quan điểm. Trong đó nhấn mạnh, Nghị quyết khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về đất đai, đó là: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Trong đó, Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra.

Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình. Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững.

Nghị quyết xác định rõ, “quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Người sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ sử dụng đất theo quy định của pháp luật”.

Thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có chính sách phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai; kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí.

Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai. Hiện đại hoá công tác quản lý, dịch vụ công về đất đai. Củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy quản lý đất đai tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tập trung, đồng bộ, thống nhất. Nâng cao vai trò và năng lực các cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai. Đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hoá, hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế; được quy hoạch sử dụng hiệu quả, hợp lý với tầm nhìn dài hạn, hài hoà lợi ích giữa các thế hệ, các vùng, miền, giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển giáo dục, văn hoá, thể thao; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Giải quyết tốt những bất cập, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của

Nghị quyết khẳng định quan điểm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân trong xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.

Căn cứ vào các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được đưa ra tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng; bám sát các quan điểm chỉ đạo như đã được trình bày ở trên, Nghị quyết đã xác định 3 mục tiêu tổng quát và 6 mục tiêu cụ thể.

Về mục tiêu tổng quát Thủ tướng nêu rõ 3 mục tiêu cụ thể là hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.; Thứ hai, về nguồn lực đất đai: Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Thứ ba, về thị trường: Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả.

Bên cạnh đó Thủ tướng cũng nêu rõ 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp lớn trong Nghị quyết 18 và quá trình tổ chức thực hiện.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới