Wednesday, January 1, 2025
Trang chủBiển nóngTàu quân sự TQ bám đuổi tàu khu trục Mỹ ở eo...

Tàu quân sự TQ bám đuổi tàu khu trục Mỹ ở eo biển Đài Loan

Trung Quốc cáo buộc tàu khu trục Mỹ “gây nguy cơ an ninh” ở eo biển Đài Loan, trong khi Mỹ khẳng định hoạt động của tàu tuân thủ luật pháp quốc tế và khẳng định cam kết với khu vực.

Hãng Reuters ngày 20.7 đưa tin quân đội Trung Quốc cho hay đã theo sau và quan sát khi tàu khu trục USS Benfold của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan.

Bộ Tư lệnh Chiến khu đông Trung Quốc cáo buộc Mỹ “thường xuyên khiêu khích và thể hiện”, cũng như “gây nguy cơ an ninh” ở eo biển Đài Loan.

Trong khi đó, Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ cho hay tàu khu trục lớp Arleigh Burke này đã đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 19.7 trong vùng biển quốc tế và tuân thủ luật pháp quốc tế.

“Tàu đi qua hành lang dọc eo biển bên ngoài lãnh hải của bất cứ quốc gia nào. Việc tàu đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, theo thông cáo của Hạm đội 7 đưa ra ngày 20.7.

Thông cáo cho biết quân đội Mỹ có thể đưa máy bay, tàu và hoạt động ở bất cứ nơi đâu luật pháp quốc tế cho phép.

Trước đó, Hạm đội 7 cho biết tàu USS Benfold đã hoạt động khẳng định quyền tự do hàng hải (FONOP) vào ngày 13.7 tại Biển Đông gần Hoàng Sa – quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.

Thông cáo nói hoạt động này phù hợp với luật quốc tế và tàu Benfold sau đó tiếp tục hoạt động tại Biển Đông. Bên cạnh đó, hoạt động của Mỹ còn nhằm thách thức tuyên bố của Trung Quốc về đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Hoàng Sa, cho rằng tuyên bố này không phù hợp với luật quốc tế.

Đến ngày 16.7, Hạm đội 7 ra thông cáo cho hay tàu khu trục USS Benfold của Hải quân Mỹ đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông gần Trường Sa.

“Vào ngày 16.7 (giờ địa phương) USS Benfold khẳng định quyền đi lại và tự do [ở Biển Đông] gần quần đảo Trường Sa, theo luật pháp quốc tế”, thông cáo viết, và cho biết tàu tiếp tục hoạt động ở Biển Đông.

Theo thông cáo, những yêu sách phi pháp về hàng hải ở Biển Đông gây đe dọa nghiêm trọng đến tự do biển, bao gồm tự do cho tàu thuyền, máy bay, tự do thương mại và tự do về cơ hội kinh tế cho các nước trong khu vực.

Thông cáo nhắc lại rằng luật pháp quốc tế theo Công ước về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) cung cấp các quyền và tự do cùng việc sử dụng hợp pháp vùng biển cho tất cả các nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp khác trên các vùng biển của Việt Nam được xác lập trên cơ sở Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Mọi hành vi phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển đó đều vô giá trị và không được công nhận.

RELATED ARTICLES

Tin mới