Friday, January 17, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTình trạng rời bỏ quê hương ở VIỆT NAM

Tình trạng rời bỏ quê hương ở VIỆT NAM

Theo ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, năm 2020, thu nhập bình quân/người/tháng ở nông thôn đạt 3,48 triệu đồng; tình trạng “ly nông – ly hương” diễn ra ở nhiều nơi.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị.

Sáng 21/7, Báo cáo những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Hội nghị Trung ương 5 thông qua, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, trong những năm qua, nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết. Tăng trưởng của ngành trong những năm gần đây có xu hướng giảm (bình quân giai đoạn 2008 – 2020 đạt 3,01%/năm), chưa đạt mục tiêu đề ra (3,5 – 4,0%/năm).

Đáng chú ý, năng suất lao động nông nghiệp của Việt Nam thấp, chỉ bằng 40% của Thái Lan, 30% của Trung Quốc. Tính bền vững chưa cao, cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp chế biến phát triển chậm, hiệu quả sản xuất và giá trị gia tăng còn thấp. Công tác dự báo, thông tin về thị trường sản xuất, tiêu thụ nông sản còn hạn chế.

Cũng theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn chậm phát triển, chưa tạo được nhiều việc làm; cơ cấu lại lao động nông thôn còn gặp nhiều bất cập. Tình trạng “ly nông – ly hương” diễn ra ở nhiều nơi. Chênh lệch thu nhập nông thôn và thành thị, giữa các vùng còn cao. Năm 2020, thu nhập bình quân/người/tháng ở nông thôn đạt 3,48 triệu đồng bằng 62,84% thu nhập ở khu vực thành thị (5,54 triệu đồng).

Trước tình trạng trên, Nghị quyết 19 đã đề ra nhiều mục tiêu và giải pháp, trong đó tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, mối quan hệ gắn bó của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Nghị quyết cũng xác định rõ vai trò, vị trí quan trọng của nông dân – là người quyết định thành công của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn: Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Từ đó, Nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nghị quyết đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phát triển mạnh công nghiệp sản xuất giống, vật tư nông nghiệp và cũng đưa ra một số nhiệm vụ cụ thể cho các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp, trong đó:

Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hoá, tự động hoá.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới