Thursday, November 14, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiViệt Nam thận trọng trước thông tin về căn cứ TQ ở...

Việt Nam thận trọng trước thông tin về căn cứ TQ ở Cam Bốt

Theo báo chí Cam Bốt, ngày 08/06/2022, bộ trưởng Quốc Phòng Cam Bốt Tea Banh và đại sứ Trung Quốc tại Phnom Penh Vương Văn Thiên đã đến căn cứ hải quân Ream ở tỉnh Sihanoukville để dự lễ động thổ công trình cải tạo căn cứ này.

Vào lúc đó, tờ báo Khmer Times dẫn lời đại sứ Vương Văn Thiên nhấn mạnh công trình nói trên chỉ nhằm giúp hiện đại hóa hải quân Cam Bốt, chứ không nhắm vào bất kỳ bên thứ ba nào. Về phần bộ trưởng Quốc Phòng Tea Banh, ông bác bỏ thông tin cho rằng căn cứ Ream khi được hiện đại hóa sẽ do quân đội Trung Quốc độc quyền sử dụng. Trước đó, ngày 07/06, phát ngôn viên chính phủ Phnom Penh cũng tuyên bố Cam Bốt sẽ không cho phép Trung Quốc sử dụng độc quyền căn cứ Ream, hoặc phát triển địa điểm này làm căn cứ quân sự.

Nhưng cùng ngày hôm đó, tờ nhật báo Mỹ Washington Post khẳng định Trung Quốc sẽ được độc quyền sử dụng căn cứ Ream và như vậy là lính Trung Quốc sẽ có thể đóng thường trực tại đây cùng với các thiết bị tình báo.

Những thông tin tờ báo Mỹ đưa ra có khả tín hay không? Trên thực tế, Cam Bốt và Trung Quốc đã thỏa thuận những gì liên quan đến căn cứ Ream? Trả lời RFI Việt ngữ ngày 07/07/2022, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, cho biết:

“Những thông tin liên quan đến thỏa thuận giữa Cam Bốt và Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân Ream thì trước đây vẫn còn chút ít nghi ngờ, nhất là khi các cơ quan tình báo Mỹ, cũng như tờ The Wall Street Journal của Mỹ đưa tin vào năm 2019. Nhưng bây giờ mọi thứ đã trở nên rõ ràng và không còn nghi ngờ gì nữa. Phía Cam Bốt và Trung Quốc cũng đã xác nhận ngày 08/07 hai nước đã tiến hành lễ động thổ khởi công xây dựng căn cứ này với sự tham gia của bộ trưởng Quốc Phòng Cam Bốt Tea Banh và đại sứ Trung Quốc ở Cam Bốt Vương Văn Thiên. Rõ ràng là sự tham gia của Trung Quốc trong việc xây dựng, cải tạo căn cứ này đã được chứng minh.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây mà chúng ta cần theo dõi, đó là dàn xếp cụ thể giữa Trung Quốc và Cam Bốt như thế nào, ví dụ như Trung Quốc sẽ được tiếp cận khu vực nào của căn cứ này và quan trọng hơn là mục đích sử dụng của khu vực đấy sẽ là gì: chỉ được dùng để phục vụ việc tiếp liệu cho các tàu của Trung Quốc, hay các tàu chiến của Trung Quốc sẽ được hiện diện thường trực ở khu vực đấy. Đây là những điều có thể ảnh hưởng đến vai trò và ý nghĩa của dự án hợp tác này giữa Trung Quốc và Cam Bốt. Tuy nhiên, do chương trình chưa hoàn thành, cho nên chúng ta phải chờ xem sau khi hoàn thành, căn cứ này sẽ được sử dụng như thế nào.”

Việt Nam phản ứng thận trọng

Trước những thông tin nói trên, Việt Nam đã có phản ứng thận trọng. Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 09/06, khi được hỏi về việc Cam Bốt, Trung Quốc động thổ dự án cải tại căn cứ hải quân Ream, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã không trả lời thẳng, mà chỉ tuyên bố Việt Nam “luôn mong muốn duy trì và củng cố quan hệ hợp tác tốt đẹp với các quốc gia trên toàn thế giới”, đồng thời đề nghị là việc hợp tác giữa các quốc gia “cần đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như trên toàn thế giới”.

Vì sao Hà Nội lại tỏ ra thận trọng về những thông tin nói trên? Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp giải thích:

“ Việc Việt Nam chưa đưa ra phản ứng rõ ràng cũng là một điều dễ hiểu, tại vì đây là một vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng đến quan hệ với cả Cam Bốt và Trung Quốc, đều là những nước láng giềng quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc phòng của Việt Nam. Có lẻ là Việt Nam chọn cách tiếp cận thận trọng, vừa quan sát và chờ đợi để có thể đưa ra phản ứng phù hợp. Tôi nghĩ là Việt Nam cần có thời gian để đánh giá thêm, tại vì trên thực tế đã có nhiều căn cứ quân sự của Trung Quốc, ví dụ như ở Tam Á, ở Hoàng Sa, Trường Sa và trên đất liền, Trung Quốc cũng đã có những căn cứ như vậy. Mức độ đe dọa của Trung Quốc đối với Việt Nam không phải vì căn cứ Ream mà tăng lên đáng kể, trong khi chúng ta vẫn chưa biết mục đích sử dụng của Trung Quốc là gì, để xem mức độ đe dọa của Trung Quốc từ căn cứ này của Cam Bốt lớn đến đâu.

Chúng ta cũng cần lưu ý một điều: Hiến pháp Cam Bốt hiện tại quy định Cam Bốt là một quốc gia theo đường lối trung lập, không cho phép lập các căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ Cam Bốt. Chính vì vậy, tôi nghĩ là Cam Bốt cũng phải cân nhắc cẩn thận để không biến mình thành một quân cờ của Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh Cam Bốt cũng cần duy trì quan hệ tốt với các đối tác bên ngoài

Cam Bốt không muốn hy sinh sự độc lập, tự chủ về chiến lược chỉ vì Trung Quốc, và cũng không muốn hy sinh quan hệ của mình với các đối tác chỉ vì để duy trì quan hệ với Trung Quốc.

Bên cạnh căn cứ ở Ream, có lẽ Việt Nam sẽ quan tâm nhiều tới những gì diễn ra ở căn cứ gần đấy, đó là căn cứ Koh Kong. Căn cứ này không chỉ có hải cảng, mà còn có cả sân bay có thể được dùng để triển khai các máy bay quân sự. Có thông tin cho rằng Trung Quốc cũng đang tài trợ cho việc xây dựng các cơ sở có thể mang tính chất lưỡng dụng, có thể phục vụ cho các mục đích quân sự đó. Quy mô của căn cứ Koh Kong thì có thể lớn hơn nhiều so với căn cứ Ream. Việt Nam có lẽ cũng theo dõi tình hình ở cả Ream và Koh Kong để có thông tin chính xác để có phản ứng phù hợp với Cam Bốt và Trung Quốc, để làm sao vừa hạn chế được các rủi ro về an ninh, vừa duy trì được quan hệ tốt với cả Cam Bốt và Trung Quốc trong thời gian tới.”

Trang Asia Times ngày 30/06/2022 trích dẫn một số nhà phân tích cho rằng, nếu đó không phải là một căn cứ mà Trung Quốc độc quyền sử dụng và nếu không có việc lính Trung Quốc đóng thường trực ở căn cứ này, thì không có gì đáng lo ngại nhiều đối với Việt Nam. Trong trường hợp Trung Quốc xác lập một căn cứ quân sự và có sự hiện diện lâu dài ở Cam Bốt, thì chắc chắn Cam Bốt sẽ gặp các sức ép lớn từ phía các quốc gia khác trong ASEAN, từ phía Việt Nam, từ phía Mỹ và các đồng minh.

Trong trường hợp này, theo nhà nghiên cứu Collin Koh, Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, Việt Nam “sẽ không có phản ứng thái quá, cho dù Hà Nội sẽ vẫn theo dõi sát và bày tỏ quan ngại với Cam Bốt và Trung Quốc”. Ông Collin Koh cũng cho rằng Phnom Penh và Bắc Kinh cũng không muốn làm cho Việt Nam phản ứng quá mạnh, có thể ảnh hưởng đến các lợi ích của họ.

Nhưng các nhà phân tích khác như Zachary Abuza, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington thì lưu ý: “Một khu trại rộng hai mẫu Anh trong một khu trại không phải là nhỏ, và có thể sẽ có một biệt đội của quân đội Trung Quốc đóng thường trực ở đây.” Ông nói thêm, mối quan tâm thực sự là căn cứ này sẽ giúp Trung Quốc tăng cường khả năng “tình báo, giám sát và trinh sát”, theo dõi “mọi thứ ra vào” đảo Phú Quốc, nơi có hạm đội phía nam của hải quân và lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam. Nó cũng có thể cho phép quân đội giám sát hoạt động tại Căn cứ Hải quân Sattahip, căn cứ hải quân lớn nhất của Thái Lan cách đó chưa đầy 500 km và là nơi các chiến hạm của Mỹ thường xuyên cập cảng.

Rủi ro lớn cho hải quân Việt Nam?

Cũng trong bài viết của Asia Times, ông Nguyễn Khắc Giang, nhà phân tích tại Đại học Victoria Wellington, cho biết căn cứ này có thể “gây ra rủi ro lớn” cho hoạt động của hải quân Việt Nam, mà Bộ tư lệnh Vùng 5 chỉ nằm cách đó khoảng 30 km.

Năm ngoái, Việt Nam đã thông báo thành lập một hải đội dân quân thường trực tại tỉnh Kiên Giang, giáp với tỉnh Kampot, đông nam Cam Bốt. Báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam vào tháng 6/2021 cho biết đơn vị mới sẽ “bảo vệ chủ quyền biển và hải đảo” và thuộc quyền quản lý của Quân khu 9.

Tháng 6 vừa qua, nhà phân tích người Cam Bốt Sokvy Rim suy đoán rằng đơn vị mới của Việt Nam có thể được thành lập với mục đích “thu thập thông tin liên quan đến căn cứ quân sự tương lai của Trung Quốc tại Ream.”

Nghiêm trọng hơn, sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở miền nam Cam Bốt có thể đồng nghĩa với việc “bao vây” Việt Nam. Việt Nam hiện đang đối mặt với quân đội Trung Quốc qua biên giới phía bắc và ở phía đông từ các cơ sở quân sự của Trung Quốc được xây dựng ngày càng nhiều ở Biển Đông. Các tàu hải quân Trung Quốc đóng tại Căn cứ Hải quân Ream của Cam Bốt có nghĩa là Việt Nam kể từ nay bị đe dọa cả ở phía nam và phía tây.

Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K Inouye ở Honolulu, Hawaii, báo động, cùng với các đảo do Trung Quốc kiểm soát ở quần đảo Trường Sa, các tàu đó “tạo ra gọng kìm quân sự để siết chặt Việt Nam”. Ông Vuving nói thêm: “Sự hiện diện của Trung Quốc tại căn cứ hải quân Ream là yếu tố thay đổi cuộc chơi cho quan hệ giữa một bên là Cam Bốt với Trung Quốc và bên kia là Việt Nam. Nó đánh dấu một điểm không thể quay lại trong quan hệ Cam Bốt – Việt Nam và Trung Quốc-Việt Nam.”

Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp ở Singapore cũng có nhận định tương tự:

“ Nếu như họ có sự hiện diện ở vùng biển Cam Bốt như ở Ream, thì cái lợi lớn nhất đó là họ có thể rút ngắn thời gian khi triển khai lực lượng ở phía nam Biển Đông. Các tàu của họ từ căn cứ Ream khi triển khai xuống khu vực nam Biển Đông thì sẽ nhanh và hiệu quả hơn so với triển khai từ Hoàng Sa và Trường Sa, hay từ Trung Quốc đại lục.

Khi có sự hiện diện ở Cam Bốt, ở phía nam Biển Đông như vậy thì có thể họ sẽ tạo thành một thế gọng kìm ở Biển Đông, có thể triển khai lực lượng hải quân từ hai phía bắc và nam và từ đấy có thể uy hiếp an ninh của Việt Nam cũng như là các nước khác trong khu vực, cũng như là uy hiếp các lực lượng hải quân của các nước bên ngoài khu vực như của Mỹ và của các đồng minh.

Tuy nhiên, căn cứ Ream này không quá lớn và theo tôi hiểu thì Trung Quốc chỉ được phép tiếp cận khoảng một phần ba diện tích căn cứ đấy. Một điều nữa là căn cứ Ream cũng ở xa các khu vực tranh chấp chính ở Biển Đông, đặc biệt là khu vực Hoàng Sa và Trường Sa, những khu vực dễ xảy ra xung đột quân sự nhất. Khu vực Ream tương đối gần đảo Phú Quốc của Việt Nam, chính vì vậy Việt Nam, nếu muốn, có thể triển khai các thiết bị ở Phú Quốc để có thể theo dõi và giám sát các hoạt động hải quân ra vào các khu vực Ream.

Chắc chắn là nếu Trung Quốc có sự hiện diện thường trực ở căn cứ này, thì có thể họ có một số lợi thế nhất định, nhưng đấy không phải là một lợi thế quá lớn và Việt Nam có lẻ không phải quá lo lắng về vấn đề này.

Vấn đề chúng ta cần xem thử tổng thể quan hệ Cam Bốt và Việt Nam sẽ diễn biến theo chiều hướng nào, quan hệ Trung Quốc và Việt Nam sẽ ra làm sao trong thời gian tới và nhìn tổng thể hơn thì sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Cam Bốt có làm gia tăng căng thẳng hay gia tăng sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ với Trung Quốc, cũng như giữa Mỹ và các đồng minh của Mỹ với Trung Quốc trong thời gian tới hay không. Nếu như nó là chất xúc tác khiến căng thẳng khu vực gia tăng, thì đó là một mối lo ngại cũng không kém phần quan trọng đối với Việt Nam.”

Dầu sao những thông tin về căn cứ hải quân Ream một lần nữa cho thấy cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Cam Bốt giữa Việt Nam với Trung Quốc đang trở nên gay gắt hơn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới