Monday, November 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiXây nhà hát Opera bên hồ Tây: Cần thiết nhưng cũng nên...

Xây nhà hát Opera bên hồ Tây: Cần thiết nhưng cũng nên thận trọng

Hà Nội, một ngày không xa, rất có thể sẽ “khoác áo mới” với dự án bề thế về một nhà hát Opera bên hồ Tây với ứng dụng công nghệ tiên tiến bậc nhất và cảm hứng mang đậm sắc màu văn hoá Hà Nội. Nhà hát được thiết kế bởi KTS lừng danh Renzo Piano.

Để chuẩn bị cho Dự án này, UBND quận Tây Hồ, Hà Nội vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến người dân đối với đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An. Quy hoạch này có tổng diện tích khoảng 45.300 m2, thuộc địa giới hành chính phường Quảng An và một phần diện tích phường Tứ Liên, thuộc ô quy hoạch 16, 17, 19 nằm trong Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là trên mặt hồ Đầm Trị sẽ xây dựng một nhà hát Opera quy mô lớn với diện tích 13.578m2, hiện đại, đẳng cấp quốc tế và có sức chứa gần 2.000 người. Chức năng chính của nhà hát là không gian trình diễn nghệ thuật. Đây sẽ là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa chính của TP. Hà Nội, là điểm nhấn của khu vực hồ Tây nói riêng và của Hà Nội nói chung.

Trên thế giới, rất nhiều công trình văn hóa, nhà hát opera đã trở thành biểu tượng không chỉ của một điểm đến, mà còn là biểu tượng của một quốc gia. Những “thánh đường nghệ thuật” như thế còn giúp đem về doanh thu khổng lồ cho ngành du lịch. Ví như Nhà hát Con Sò – Opera Sydney là “kiệt tác của kiến trúc thế kỷ 20” hay “biểu tượng kiến trúc nổi tiếng thế giới”, hay như tại Ý, nhà hát Parco della Musica Auditorium – một kiệt tác của kiến trúc sư huyền thoại Renzo Piano, chỉ tính riêng năm 2017, có hơn 730 sự kiện được tổ chức tại đây và có tới 529.000 khách ghé thăm quan.

Vậy thì, trên con đường hội nhập quốc tế, Việt Nam cũng cần có một nhà hát tầm vóc, không chỉ để tổ chức các chương trình nghệ thuật tầm cỡ, là nơi hội tụ tinh hoa văn hoá của đất nước mà còn trở thành điểm đến của những các nghệ sĩ lừng danh toàn cầu và nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ du lịch và nghệ thuật thế giới.

Nhìn ở một khía cạnh khác, giữa những khối bê tông cao vút được xây dựng gần sát khu vực hồ, thì, nhà hát opera với kiến trúc hiện đại, với mái vòm lấy cảm hứng từ những con sóng sẽ tựa như một “hòn đảo âm nhạc”, hài hòa và tô đẹp thêm khung cảnh hồ Tây thơ mộng. Thêm nữa, dường như nó góp phần hiện thực hóa khát vọng của người dân Thủ đô về một công trình nhà hát xứng tầm, một biểu tượng mới của Thủ đô trong giai đoạn hiện đại.

Tất cả những điều đó cho chúng ta một câu trả lời là CẦN THIẾT có một nhà hát opera để thêm một bước nâng tầm vị thế Thủ đô, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố sáng tạo” mà UNESCO vinh danh.

Địa điểm được chọn lựa để xây dựng nhà hát – tại Đầm Trị, Hồ Tây – nơi vốn được xem là biểu tượng, một nét đặc sắc riêng có của Hà Nội. Nơi mà bất cứ một sự thay đổi nào dù nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến nét đẹp duyên dáng, sâu lắng đã gắn bó ngàn đời với người dân Thủ đô.

Nhà chức trách quận Tây Hồ nhiều lần khẳng định với công luận rằng: “Công trình nhà hát được xây dựng ở khu vực hồ Đầm Trị nhưng không ảnh hưởng nhiều đến phần diện tích mặt nước và cũng không nằm trong diện tích của Hồ Tây”.

Còn nữa, hoa sen là quốc hoa của đất nước chúng ta, mà hồn sen được coi là tao nhã nhất luôn thuộc về vùng sen Tây Hồ với hình ảnh đẹp dịu dàng, tinh khiết rất riêng của Hà Nội. Màu xanh tươi của lá hòa với sắc hồng dịu nhẹ của sen, những gam màu lạnh mát đó cứ bồng bềnh trên mặt nước Tây Hồ, trong nền trời mây lồng lộng tinh khôi, rất gần với vẻ đẹp duyên dáng của những tà áo dài Việt Nam.

Và, trà sen Tây Hồ được mệnh danh là “thiên cổ đệ nhất trà”, không chỉ nổi tiếng bởi hương vị thanh tao khác biệt mà còn ẩn chứa hồn cốt của người Hà Nội, là thức quà tinh túy nghìn năm Thăng Long – Hà Nội.

Những biểu tượng văn hóa đặc sắc bậc nhất Thủ đô ấy sẽ ra sao khi xây dựng nhà hát trên mặt nước hồ Đầm Trị bên Hồ Tây?

Cần thiết nhưng cũng cần thận trọng, để nhà hát Opera Hà Nội thực sự trở thành một biểu tượng văn hóa mới của Thủ đô. Ngoài các yếu tố về nghệ thuật, kiến trúc, đảm bảo môi trường sinh thái… cần lắm sự cẩn trọng trong quy hoạch, trong lựa chọn vị trí phù hợp.

Đừng vì tạo một biểu tượng văn hóa này mà lại làm ảnh hưởng hoặc mất đi một biểu tượng văn hóa khác – nhất là khi các biểu tượng đó đã ăn sâu bám rễ, trở thành giá trị, hồn cốt văn hóa đất Thăng Long tự bao đời.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới