Monday, December 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiHà Nội tiếp tục phản hồi kết luận thanh tra trục đường...

Hà Nội tiếp tục phản hồi kết luận thanh tra trục đường Lê Văn Lương

Sở Xây dựng, Quy hoạch và Kiến trúc, bốn quận ở Hà Nội cho rằng kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng về trục đường Lê Văn Lương “chưa đầy đủ”, “chưa chính xác”.

default

Sáu ngày sau khi Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội có văn bản gửi Bộ Xây dựng phản hồi kết luận thanh tra số 39 về công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch tại khu vực hai bên đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, ngày 21/7 Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đã báo cáo Thường trực Thành ủy việc thực hiện kết luận này. Theo báo cáo, cùng với việc nghiêm túc thực hiện, xin rút kinh nghiệm về thiếu sót, một số sở, ngành và bốn quận đã giải trình và không đồng tình với nhiều nội dung.

Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội tiếp tục cho rằng kết luận thanh tra Bộ Xây dựng chưa nêu rõ định hướng cũng như quy hoạch chi tiết trục đường tại các quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt “là chưa đầy đủ và toàn diện, chưa phù hợp với quy định pháp luật và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của thủ đô qua các thời kỳ”.

Với Sở Xây dựng, kết luận thanh tra nêu trách nhiệm trong ba nhóm vấn đề là cấp phép xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở và quản lý xây dựng theo giấy phép, quy hoạch được duyệt. Đơn cử dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower trên đường Lê Văn Lương bị kết luận “thiết kế không phù hợp với tổng mặt bằng”.

Sở Xây dựng lý giải, quy mô dự án do Bộ Xây dựng thẩm định khác với quy mô dự án do Sở tham gia ý kiến vào năm 2002. Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư đã điều chỉnh hồ sơ thiết kế và được Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở vào đầu năm 2017. Sở Xây dựng chỉ cấp phép xây dựng theo đúng bản vẽ thiết kế đã được Bộ Xây dựng thẩm định.

Phản hồi về dự án xây dựng Trường quốc tế Nhật Bản do Công ty Cổ phần giáo dục Himlam Wisdom làm chủ đầu tư, bị kết luận “thẩm định thiết kế bản vẽ thi công có tầng hầm vượt chỉ giới xây dựng 6 m ở phía tây và nam”, Sở Xây dựng Hà Nội dẫn Nghị định 39 về quản lý không gian xây dựng ngầm tại đô thị quy định “khi có nhu cầu xây dựng vượt quá chỉ giới xây dựng hoặc phạm vi sử dụng đất đã được xác định thì phải được cơ quan thẩm quyền nhà nước cho phép”.

Sở Xây dựng giải trình trên địa bàn Hà Nội, Sở Quy hoạch và Kiến trúc là cơ quan được giao quản lý về quy hoạch xây dựng. Năm 2015, UBND thành phố đã có văn bản giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc kiểm tra xác nhận bản vẽ chi tiết. Sở Xây dựng cấp phép xây dựng và thẩm định thiết kế điều chỉnh trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Sở Quy hoạch và Kiến trúc là “phù hợp quy định”.

Từ những phân tích trên, Sở Xây dựng đề nghị Thanh tra Bộ Xây dựng nghiên cứu các căn cứ về trách nhiệm thẩm định, thiết kế, thẩm quyền của Sở Xây dựng đã được thành phố ủy quyền, từ đó điều chỉnh kết luận thanh tra.

Tại quận Hà Đông, dự án Điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận “có sai sót trong điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết”. Cụ thể, dự án bị điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất khu vực sản xuất thêm 2,2 lần; tầng tầng cao nhà xưởng một tầng nhưng không tính toán khả năng cung cấp hạ tầng kỹ thuật, xã hội.

UBND quận Hà Đông cho hay, đồ án được UBND thị xã Hà Đông phê duyệt năm 2002 căn cứ quy hoạch chung thị xã Hà Đông, được tỉnh Hà Tây cũ phê duyệt tháng 4/2001. Năm 2006, tỉnh Hà Tây điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Hà Đông và năm 2007 phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 đô thị phía bắc thành phố Hà Đông. UBND thị xã Hà Đông sau đó điều chỉnh quy hoạch chi tiết đồ án để khớp nối hạ tầng, phù hợp với quy hoạch của cấp trên, việc này được cho là “phù hợp Thông tư 15 của Bộ Xây dựng”.

Với dự án khu nhà ở Him Lam, phường Vạn Phúc, kết luận thanh tra nêu tại ô P (A- P) theo quy hoạch là bãi đỗ xe 548 m2, 4 tầng, nhưng chủ đầu tư xây dựng công trình một tầng diện tích hơn 460 m2 kết cấu thép, tường gạch và một công trình 45 m2 khung thép mái tôn sử dụng để xe. Kết quả rà soát của quận Hà Đông cho thấy chủ đầu tư đã phá dỡ hai công trình trên và hoàn trả mặt bằng đề xây dựng bãi đỗ xe theo đúng quy hoạch được duyệt.

Theo kết luận thanh tra, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội liên quan việc lập đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, điều chỉnh đồ án và kinh phí thực hiện lập quy hoạch. Đơn vị này cho hay, trong 82 nội dung đề cập ở kết luận chỉ có một đánh giá đúng, còn lại 81 nội dung chưa chính xác. Viện đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ kiến nghị xem xét.

Các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội tiếp tục có ý kiến với Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ xem xét lại một số nội dung của kết luận.

Từ báo cáo của các đơn vị, Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đề nghị Thường trực Thành ủy chỉ đạo UBND thành phố làm việc với Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ để xem xét, bàn bạc, thống nhất nội dung trong kết luận thanh tra số 39, làm cơ sở để hoàn thành việc thực hiện kết luận.

Trước đó giữa tháng 5, Thanh tra Bộ Xây dựng công bố kết luận thanh tra số 39 sau hơn 2 năm thực hiện. Văn bản nêu rõ, UBND TP Hà Nội và cơ quan chuyên môn nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kỹ thuật cho từng dự án theo xu hướng chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn, có dự án tăng từ 5 thành 30 tầng. Việc điều chỉnh sai quy định dẫn đến gia tăng dân số, chỉ tiêu quy hoạch không đảm bảo quy chuẩn xây dựng, thiếu đất cho trường học, cây xanh…

Tại hội thảo phát triển công nghiệp và đô thị vùng đồng bằng sông Hồng hôm 19/7, đề cập tới hạn chế của vùng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng chỉ ra việc quy hoạch lộn xộn, không đồng bộ về hạ tầng ở Hà Nội. Ông nói “đường Lê Văn Lương là điển hình của quy hoạch bất cập”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới