Tuesday, December 24, 2024
Trang chủQuân sựQuân đội Ukraine gặp khó khăn về hậu cần

Quân đội Ukraine gặp khó khăn về hậu cần

Những vũ khí hiện đại phương Tây chuyển cho Ukraine có tiêu chuẩn vận hành, bảo trì và dùng cỡ đạn khác nhau, tạo ác mộng hậu cần cho binh sĩ.

Binh sĩ Ukraine điều khiển pháo tự hành ở vùng Donetsk.

Giới chức Ukraine mô tả vũ khí phương Tây là yếu tố then chốt trong nỗ lực xoay chuyển cục diện chiến trường với Nga. Trước đây, Ukraine phụ thuộc vào vũ khí hạng nặng thời Liên Xô, trong khi Nga sở hữu những khí tài hiện đại hơn với số lượng áp đảo.

Những vũ khí hiện đại và hiệu quả hơn của phương Tây, đặc biệt là các loại pháo tầm xa, đã được Ukraine đưa vào tham chiến. Chúng giúp tạo ra những khác biệt nhất định, cho phép Ukraine tấn công chính xác vào các kho đạn chiến lược, cơ sở hạ tầng phòng không và những trung tâm chỉ huy nằm sâu trong phòng tuyến Nga.

Nhưng việc tiếp nhận và vận hành những khí tài hiện đại do phương Tây viện trợ đang đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với quân đội Ukraine.

“Cách làm hiện nay, theo đó mỗi quốc gia viện trợ một loại pháo riêng, đang nhanh chóng tạo ra ác mộng hậu cần với Ukraine, bởi mỗi khí tài lại yêu cầu một cách thức đào tạo, bảo trì và sửa chữa riêng biệt”, Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), hồi đầu tháng đánh giá trong một báo cáo.

Các loại pháo phương Tây đang được quân đội Ukraine tiếp nhận gồm lựu pháo M777 của Mỹ, Australia và Canada cùng các loại pháo tự hành như Caesar của Pháp, Panzerhaubitze 2000 (PzH 2000) của Đức, M109 của Mỹ hay AHS Krab từ Ba Lan.

“Những tổ hợp vũ khí này không có nhiều điểm chung, cũng không thể dùng chung những loại đạn tốt nhất”, Jack Watling, đồng tác giả báo cáo của RUSI, cho hay.

NATO đã cố gắng tiêu chuẩn hóa trang thiết bị quân sự, đặc biệt là đạn dược, để chúng có thể hoán đổi giữa các quốc gia thành viên với nhau. Tuy nhiên, nỗ lực này đến nay vẫn còn hạn chế.

Khối có hơn 1.000 tiêu chuẩn quân sự chung cho các quy trình và vật liệu, nhưng việc áp dụng tiêu chuẩn nào lại phụ thuộc vào từng đồng minh.

Theo một quan chức NATO, các lãnh đạo của khối tháng trước đã đồng ý sẽ hỗ trợ Ukraine trong quá trình chuyển đổi từ vũ khí thời Liên Xô sang vũ khí hiện đại hơn theo chuẩn NATO.

Ukraine không chỉ được cung cấp các loại vũ khí khác nhau. Quân đội nước này còn phải học cách xử lý và bảo trì vũ khí phương Tây, vốn phức tạp hơn so với những khí tài mà họ sử dụng trước đây.

“Khi chuyển đổi sang các nền tảng khí tài mới, họ phải xử lý rất nhiều thứ trước đây chưa từng gặp”, Scott Boston, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức tư vấn và nghiên cứu chính sách toàn cầu RAND Corporation, nói.

“Rất nhiều khí tài quân sự của Ukraine đã 40 năm tuổi, chỉ cần sửa chữa bằng búa, cờ lê, dầu bôi trơn, sức mạnh và cầu nguyện”, ông nói. “Nếu bạn liên tưởng cách thợ cơ khí cắm laptop đọc các cảm biến để sửa một chiếc ôtô hiện đại, bạn sẽ hiểu khác biệt lớn đến đâu”.

“Để đạt được hiệu suất cao như các hệ thống vũ khí mà phương Tây đang có, chúng cần một mức độ phức tạp nhất định, từ thiết bị thủy lực đến cảm biến điện tử. Đạn dược cũng cần được điều chỉnh để đạt độ chính xác và tầm bắn xa hơn”, trung tướng Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, hiện công tác tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, giải thích.

Theo Watling, những vấn đề trên chưa phải là tất cả thách thức mà quân đội Ukraine phải đối mặt khi vận hành các hệ thống pháo từ phương Tây. Chúng có cỡ nòng, phụ tùng thay thế, cơ chế bảo trì, cách thức nạp đạn cũng khác biệt. Chúng có thể sử dụng hệ thống máy tính điều khiển riêng, gây khó khăn trong khâu truyền dữ liệu.

Những khác biệt về cấu tạo này dẫn đến không đồng nhất trong khâu đào tạo, vận hành. Việc cung ứng các linh kiện thay thế cũng trở nên phức tạp hơn.

Một số khí tài được phương Tây cung cấp cho Ukraine với số lượng nhỏ giọt, nên không đủ để bù đắp nếu hỏng hóc hay cần bảo dưỡng. Nhiều loại pháo với thông số và năng lực chiến đấu khác nhau cũng gây thách thức cho các chỉ huy chiến trường, chuyên gia nhận định.

Boston cho hay một vấn đề khác nằm ở phụ tùng. Với vũ khí thời Liên Xô, quân đội Ukraine có thể tận dụng những thiết bị cũ hỏng để lấy linh kiện thay thế, sửa chữa. Với vũ khí phương Tây, “họ không có phụ tùng nào ngoài những gì đã nhận”, ông nói.

Ukraine cũng đang gặp khó khăn trong việc vận hành một số tổ hợp pháo, đặc biệt là khẩu PzH 2000 của Đức, vốn cần khoảng 40 ngày huấn luyện để vận hành và bảo trì. Với trọng lượng 57 tấn, nó cũng nặng hơn hầu hết khí tài thời Liên Xô, đồng nghĩa chúng không thể đi qua một số cây cầu của Ukraine, làm phức tạp thêm hành trình tới chiến trường.

Với chỉ 12 hệ thống PzH 2000 được chuyển đến từ Đức và Hà Lan tới Ukraine, khâu vận chuyển hiện chưa phải vấn đề quá nghiêm trọng. Rắc rối sẽ lớn hơn nhiều nếu Ukraine tiếp nhận những cỗ xe tăng chiến đấu chủ lực có thể nặng tới 60 tấn, dù điều này được cho là khó xảy ra trong tương lai gần.

Các nhà phân tích phương Tây đều đồng tình rằng quân đội Ukraine sẽ mạnh hơn nhiều với những hệ thống khí tài hiện đại mà họ được viện trợ. Tuy nhiên Watling tin rằng những bên hỗ trợ Ukraine cũng cần “rút ra bài học” trong tương lai, như hạn chế chuyển giao quá nhiều loại vũ khí với những đặc điểm quá khác biệt.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới