Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mới“Khổ nhục kế” của ông Binden

“Khổ nhục kế” của ông Binden

Theo truyền thông, bà Nancy Pelosi và phái đoàn lên đường thăm châu Á ngày 29/7, với các điểm dừng Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore. Tuy nhiên, tới phút này, ngay cả các hãng thạo tin nhất cũng chưa biết, liệu bà có ghé thăm Đài Loan như dự kiến hay không?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc điện đàm mới nhất, ngày 29/7/2022.

Cái sự “không biết” càng khiến dư luận sốt ruột và tò mò. Tò mò về việc liệu có diễn ra cái bắt tay nồng nhiệt, hoan hỷ giữa người đàn bà quyền lực đứng đầu cơ quan lập pháp Mỹ với bà Thái Anh Văn – tổng thống Đài Loan đã đành, bên cạnh đó, như một cái bệnh không thể chữa, nhiều người còn thóc mách, nếu Đài Loan không thành điểm đến như dự kiến ban đầu, thì điều gì là nguyên nhân người đàn bà thép Pelosi phải e ngại chùn bước?

Nhiều người thậm chí còn tỏ ra thú vị khi “bình” rằng: không hiện diện ở Đài Loan trong chuyến công du khởi hành ngày 29/7 này, coi như bà Pelosi chấp nhận hy sinh một phần danh dự khi ‘nói mà không làm”. Đau nhất, việc “không làm” xảy ra như bất đắc dĩ sau khi Bắc Kinh tung cấp tập những lời đe dọa hàm ý: chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, do vi phạm chính sách “một Trung Quốc” của Bắc Kinh; và “Nếu Mỹ kiên quyết đi theo con đường riêng và thách thức đến lợi ích của Trung Quốc, họ chắc chắn sẽ bị đáp trả mạnh mẽ” – như lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bức bối.

Rất có thể, Trung Quốc cũng chỉ “dọa” thế để thể hiện sự cứng rắn trước thiên hạ. Chứ tình huống xấu nhất: bắn bỏ chuyên cơ chở người đứng đầu Quốc hội một cường quốc số 1 như Mỹ, đâu có là trò đùa. Không chừng, đó sẽ là cú kích hoạt một cuộc chiến tổng lực giữa hai cường quốc ngang cơ, mà danh sách những người đắc lợi, cả hai võ sĩ đối thủ, thời điểm này, coi như cùng đai, đều không có tên, bởi tàn cuộc thì đều đã sứt đầu, mẻ trán, máu me đầy mình…

Mỹ biết thế. Nhưng Mỹ cũng “tương kế tựu kế”, nhân thể lấy đó làm cớ để thị uy với Trung Quốc và thế giới, như tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley: Lầu Năm Góc sẽ làm mọi thứ cần thiết nếu nữ chính khách này đến Đài Loan.

Một nguồn tin còn cho biết: cách đây vài ngày, quân đội Mỹ đã xây dựng một kế hoạch dự phòng, trong đó có việc tạo ra các vòng bảo vệ kép, để bảo vệ bà Pelosi trong chuyến bay và thời gian lưu trú tại Đài Loan.

Trở lại lý do bà Pelosi bỏ qua Đài Loan (trong trường hợp xảy ra), một số người đang xoáy vào những thông tin về việc ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình vừa có cuộc điện đàm lần thứ 5 kéo dài hơn hai tiếng.

Nội dung cuộc điện đàm được cho là đề cập nhiều vấn đề trong quan hệ song phương cũng như toàn cầu, nhưng vấn đề Đài Loan có thể coi là điểm nhấn. Hai người đàn ông quyền lực nhất thế giới, trong cuộc điện đàm này, nói cho cùng, cũng chỉ khẳng định lại quan điểm mỗi quốc gia về vấn đề Đài Loan mà thế giới đã nghe đến mòn tai. Với Trung Quốc: Đài Loan là phần lãnh thổ không thể tách rời… Với Mỹ: Đành thế, nhưng Trung Quốc đừng có dùng sức mạnh vũ lực…

Ý nghĩa chính trị của cuộc điện đàm có thể chủ yếu nằm ở tính thời điểm: diễn ra trong bối cảnh chuyến công du châu Á của nhà lãnh đạo cơ quan lập pháp Mỹ đã khởi động. Ai cũng biết, những quy định của mô hình “tam quyền phân lập” Mỹ khiến ông Biden không thể can thiệp hoạt động của bà Pelosi. Nhưng khổ cho ông, “phương diện quốc gia” khiến ông đang phải đau đầu và nặng gánh với việc làm thế nào để duy trì mối quan hệ song phương, quản lý các bất đồng nhằm tránh sự hiểu lầm có thể dẫn đến đối đầu hai cường quốc – điều mà nếu xảy ra, hậu quả chắc chắn là không thể đo đếm.

Không nói thẳng được với bà Pelosi thì ông chọn cách nói… vòng qua cuộc điện đàm trực tiếp với ông Tập Cận Bình.

Một cuộc điện đàm với thời lượng tới hơn 2 giờ với ông Tập, cùng ý nghĩa truyền tải thông điệp tới người đồng cấp Trung Quốc, mục tiêu của ông Biden còn ở chỗ muốn bà Pelosi thấy ông đang vất vả như thế nào cho lợi ích quốc gia, để mà chia sẻ và thể hiện trách nhiệm, trong đó, thiết thực nhất là đừng ghé Đài Loan trong chuyên công du châu Á lần này nữa.

Thật thế, ông Biden – người đàn ông mạnh nhất thế giới – hóa ra cũng biết vận mẹo “khổ nhục kế” đúng lúc đúng chỗ.

Vấn đề là, không biết bà Pelosi có lấy đó làm điều cảm kích hay không mới là quan trọng kia?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới