Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ lo ngại Hàn Quốc tham gia liên minh sản xuất chip

TQ lo ngại Hàn Quốc tham gia liên minh sản xuất chip

Liên minh Chip 4 bị Bắc Kinh coi là âm mưu của Washington nhằm loại trừ Trung Quốc khỏi chuỗi giá trị bán dẫn. Trung Quốc đang lo ngại về khả năng tự cung cấp chip nếu Hàn Quốc gia nhập liên minh.

Theo các nhà phân tích và báo chí truyền thông, một liên minh chip do Mỹ khởi xướng với các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, đang phải đối mặt với sự chỉ trích từ Trung Quốc – quốc gia lo ngại về việc mất nguồn cung cấp thiết yếu khi tìm cách xây dựng khả năng tự cung cấp cao hơn trong lĩnh vực bán dẫn.

Liên minh Chip 4, một quan hệ đối tác do Mỹ thiết lập bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, đang bị Bắc Kinh coi là âm mưu của Washington nhằm loại trừ Trung Quốc khỏi chuỗi giá trị bán dẫn. Theo đó, cả Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Trung Quốc đều bày tỏ sự phản đối với liên minh này.

Trung Quốc đặc biệt nhạy cảm về vị trí của Hàn Quốc vì quốc gia này là chìa khóa cho động lực tự cung tự cấp chất bán dẫn của Bắc Kinh. Samsung Electronics và SK Hynix đều có nhà máy ở Trung Quốc, giúp nước này tích hợp vào chuỗi giá trị xuyên biên giới.

Trong bối cảnh Washington nỗ lực công khai thúc ép Seoul tham gia liên minh chip, Trung Quốc đã tăng cường phản đối, chống lại động thái này từ Hoa Kỳ.

“Hàn Quốc không nên làm theo Mỹ và phương Tây một cách mù quáng trong việc hoạch định chính sách đối với Trung Quốc của mình”, theo một bài xã luận được Global Times đăng tải trong tuần này. Bài viết nói thêm rằng không nên đổ lỗi cho Trung Quốc nếu quốc gia này thực hiện “các biện pháp đối phó với Hàn Quốc” nếu nước này chọn đứng về phía Washington.

Bài báo lặp lại bình luận của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên rằng Trung Quốc phản đối ý tưởng “vũ khí hóa” vấn đề cung cấp chip, khi ông thúc giục Hàn Quốc cân nhắc lợi ích lâu dài của mình.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc và trong số 69 tỉ USD xuất khẩu chip nhớ của Hàn Quốc vào năm 2021 thì xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 48%, dữ liệu từ Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc cho thấy.

“Tách khỏi một thị trường rộng lớn như vậy cũng giống như việc tự sát trong lĩnh vực thương mại”, theo bài xã luận của Global Times.

Kim Yang-paeng, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc, phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh trước quan điểm về việc Seoul tham gia Chip 4 bắt nguồn từ những lo ngại chiến lược về động lực tự cung cấp chất bán dẫn của họ.

“Theo quan điểm của Trung Quốc, Hàn Quốc không chỉ là nhà cung cấp chất bán dẫn mà còn là quốc gia có thể chuyển giao công nghệ sản xuất chất bán dẫn trong dài hạn”, Kim nói.

Nếu Hàn Quốc đứng về phía Mỹ, hợp tác trong công nghệ bán dẫn giữa Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ trở nên khó khăn hơn, ông Kim nói.

Năm ngoái, tập đoàn bán dẫn khổng lồ SK Hynix của Hàn Quốc đã từ chối kế hoạch nâng cấp nhà máy của mình ở thành phố Vô Tích, Trung Quốc sau khi Washington hạn chế công ty vận chuyển thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến đến Trung Quốc.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới