Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiViệt Á dễ dàng 'thâu tóm' đề tài nghiên cứu khoa học...

Việt Á dễ dàng ‘thâu tóm’ đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia bằng cách nào?

Vi phạm của một số đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ khiến Công ty Việt Á dễ dàng “thâu tóm”, chiếm đoạt, sở hữu bất hợp pháp đề tài nghiên cứu sinh phẩm xét nghiệm Covid-19.

Công ty Việt Á đã sử dụng đề tài nghiên cứu và uy tín của Học viện Quân y để hợp thức hóa các sản phẩm, đề nghị Bộ Y tế cấp phép lưu hành tạm thời và chính thức bộ kit xét nghiệm, chẩn đoán Covid -19.

Sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015 – 2020, 2020 – 2025 về trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nghiên cứu, nghiệm thu đối với bộ kít xét nghiệm Covid-19, chỉ rõ những vi phạm của đảng viên, tổ chức đảng thuộc Đảng bộ Học viện Quân y, các cấp có thẩm quyền đã xử lý nghiêm minh đối với đảng viên, tổ chức đảng vi phạm được dư luận xã hội và đông đảo nhân dân đồng thuận, ủng hộ.

Theo thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương, một câu hỏi đặt ra là vì sao từ một đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia trong lúc rất nguy cấp phòng chống dịch Covid-19, Công ty Việt Á lại dễ dàng bị “thâu tóm” để từ đó, bộ kít xét nghiệm Covid-19 được “thổi giá” và “đóng dấu chất lượng” mang danh Công ty Việt Á, hợp thức hóa tài sản nhà nước thành của công ty, lưu hành rộng rãi trong cả nước để thu lợi bất chính hàng nghìn tỉ đồng?

Lãnh đạo Bộ Y tế thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á.

“Đây là vấn đề mấu chốt dẫn tới hàng loạt vi phạm của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và một số đơn vị, tổ chức đảng, đảng viên liên quan tới bộ kít xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Công ty Việt Á”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu.

Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng chi ra vi phạm ngay từ khi xác định nhiệm vụ, giao tổ chức thực hiện đề tài khoa học cấp quốc gia của Bộ Khoa học và Công nghệ. Ngày 30/1/2020, Học viện Quân y có công văn gửi Bộ Khoa học và Công nghiệp đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia về nghiên cứu bộ kít xét nghiệm phát hiện Covid-19 trái quy định của pháp luật, vi phạm Thông tư 07/2014/TT-BKHCN, của Bộ Khoa học và Công nghệ (công văn đề xuất đặt hàng phải là cấp bộ, ngành ký) và quy định của Bộ quốc phòng.

Hơn nữa, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật (CNN) lại trực tiếp nhận văn bản đề nghị của Học viện Quân y và tham mưu trình Bộ Khoa học và Công nghệ ký Quyết định số 144/QĐ-BKHCN thành lập hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ không đúng trình tự, thủ tục với quy chế làm việc của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Khi hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ được thành lập và hoạt động, hội đồng đã kiến nghị xét giao trực tiếp việc thực hiện đề tài theo hướng Học viện Quân y là cơ quan chủ trì, Công ty Việt Á là cơ quan phối hợp, theo đề xuất của chủ tịch hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ Lê Bách Quang (nguyên phó giám đốc Học viện Quân y), nhưng không đưa ra hội đồng thảo luận, nhằm mục đích để Công ty Việt Á được tham gia sản xuất thử nghiệm bộ kít xét nghiệm Covid-19.

Từ sản phẩm kít xét nghiệm Việt Á, hàng loạt sai phạm đã lộ sáng

Hồ sơ thuyết minh đề tài do Học viện Quân y lập và gửi trực tiếp cho Bộ Khoa học và Công nghệ cũng trái quy định, vi phạm Thông tư 07/2014/TT-BKHCN, của Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng thời, có nhiều nội dung không đầy đủ, không có thông tin về quyền, nghĩa vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Quân y, Công ty Việt Á; phương án phối hợp giữa Học viện Quân y và Công ty Việt Á; phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu; quyền sở hữu trí tuệ; sở hữu công nghiệp, nhưng lại không được hội đồng tư vấn đánh giá, yêu cầu, kiến nghị chỉnh sửa, bổ sung, khi thực tế Công ty Việt Á không có chức năng, năng lực sản xuất sinh phẩm, không có năng lực tài chính. Đó là kẽ hở pháp lý để Công ty Việt Á được tham gia sản xuất bộ kít xét nghiệm Covid-19…

Chiếm đoạt sở hữu bất hợp pháp kết quả đề tài nghiên cứu

Đặc biệt, mặc dù đề tài được đầu tư 100% kinh phí từ ngân sách nhà nước do Học viện Quân y là cơ quan chủ trì, Công ty Việt Á là cơ quan phối hợp và đang trong quá trình thực hiện, chưa nghiệm thu, chưa bàn giao kết quả nghiên cứu, nhưng Việt Á đã sử dụng đề tài nghiên cứu và uy tín của Học viện Quân y để hợp thức hóa các sản phẩm, đề nghị Bộ Y tế cấp phép lưu hành tạm thời và chính thức bộ kít xét nghiệm, chẩn đoán Covid-19, dẫn đến việc công ty dễ dàng “thâu tóm” và chiếm đoạt sở hữu bất hợp pháp kết quả đề tài nghiên cứu.

Đồng thời, Việt Á đã chuyển sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước thành sở hữu của Công ty Việt Á, tiến hành thương mại hóa sản phẩm, cung cấp ra thị trường thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng mà thực tế hầu hết các vật tư, sinh phẩm của Công ty Việt Á có nguồn gốc nhập khẩu không bảo đảm hồ sơ pháp lý theo quy định.

“Việc để Công ty Việt Á ‘thâu tóm’, chiếm đoạt sở hữu bất hợp pháp đề tài nghiên cứu bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19, nguyên nhân chính là do sự buông lỏng lãnh đạo, thiếu trách nhiệm của Ban cán sự Đảng, để Bộ Khoa học và Công nghệ có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tất cả các khâu của quá trình quản lý nhà nước đối với nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19, do Học viện Quân y chủ trì”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng chỉ ra, việc quản lý, theo dõi sử dụng thanh toán kinh phí, kiểm tra, giám sát thực hiện đề tài nghiên cứu, kể cả công tác truyền thông có nội dung không chính xác, không đầy đủ; đề tài đang trong quá trình thực hiện, chưa nghiệm thu hoàn thành, mới đánh giá, nghiệm thu giai đoạn 1, đã tổ chức họp báo và đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 26/4/2020 với nội dung “Bộ kít xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận”.

Đồng thời Bộ đã ban hành nhiều văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương với nội dung “Bộ kít được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận và đưa vào quy trình đánh giá sử dụng khẩn cấp ngày 24/4/2020”, đã tạo điều kiện để Công ty Việt Á lợi dụng truyền thông đánh bóng uy tín, quảng bá thương hiệu, thương mại hóa sản phẩm để thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng. Song trên thực tế, Tổ chức Y tế thế giới không công nhận bộ kít xét nghiệm Covid-19 này của Việt Nam sản xuất.

Cũng liên quan đến việc để Công ty Việt Á “thâu tóm”, chiếm đoạt bất hợp pháp sở hữu đề tài bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19, còn có những vi phạm của Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Y tế trong việc buông lỏng lãnh đạo, kiểm tra, để Bộ Y tế, một số đơn vị thuộc Bộ và cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của Bộ Y tế trong việc cấp số đăng ký lưu hành; việc giám sát, đánh giá, kiểm tra, thẩm định quy trình kiểm định chất lượng; hiệp thương giá và kiểm tra việc hiệp thương giá, mua sắm bộ kít xét nghiệm Covid-19 do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty Việt Á sản xuất.

Sai phạm trong việc xác nhận chất lượng sản phẩm của Việt Á

Ngoài ra, vi phạm của Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ (VSDT) Trung ương Đặng Đức Anh trong việc xác nhận chất lượng bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 do Học viện Quân y và Công ty Việt Á phát triển đã kéo theo nhiều vi phạm và để Bộ Y tế cấp sổ đăng ký lưu hành bộ kít xét nghiệm Covid-19 mang tên Công ty Việt Á sản xuất.

Theo đó, ngày 2/3/2020, ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện VSDT Trung ương, gửi email cá nhân cho Bộ Khoa học và Công nghệ (không có chữ ký, không đóng dấu) xác nhận các bộ sinh phẩm của Học viện Quân y đạt tiêu chuẩn độ nhạy, độ dặc hiệu, tính ổn định trong thử nghiệm phát hiện Sars-Co-V2.

Đây chỉ là tài liệu cá nhân trao đổi với cá nhân, không có giá trị pháp lý, không phải tài liệu của Viện VSDT Trung ương gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, trên cơ sở này Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài giai đoạn 1 trái quy định.

Tiếp đó, ngày 18/8/2020, ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện VSDT Trung ương ký Công văn số 1160/VSDTTW-NCYS gửi Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, theo đó Viện VSDT Trung ương lập lại phiếu kết quả kiểm nghiệm; đồng thời kèm theo giấy chứng nhận kiểm nghiệm trang thiết bị y tế, trong đó kết luận bộ kít xét nghiệm Covid19 do Công ty Việt Á sản xuất đạt tiêu chuẩn của nhà sản xuất.

Trên cơ sở này, ngày 4/12/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5071/QĐ-BYT (do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký) cấp số đăng ký lưu hành đối với bộ kít xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á có giá trị 5 năm là trái thẩm quyền và vi phạm Quyết định số 1353/QĐ-BYT, ngày 25/3/2020 của Bộ Y tế.

Việc cấp số đăng ký cho Công ty Việt Á là không đúng đối tượng, vì đây là tài sản công thuộc sở hữu Nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ là đại diện chủ sở hữu, Bộ Khoa học và Công nghệ chưa quyết định xử lý bàn giao cho Công ty Việt Á…

“Từ những vi phạm này và nhiều vi phạm khác của một số đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Y tế dẫn tới Công ty Việt Á đễ dàng ‘thâu tóm’, chiếm đoạt sở hữu bất hợp pháp đề tài nghiên cứu bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu.

Cũng từ những sai phạm này, Bộ Y tế đã hợp thức hóa giá bán các sinh phẩm, trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm vi rút Sars-CoV-2 cho Công ty Việt Á. Từ đó các Sở Y tế và các bệnh viện, viện nghiên cứu sử dụng các thông báo nêu trên làm cơ sở xác định giá gói thầu mua sắm sinh phẩm, trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm vi rút Sars-CoV-2 (chủ yếu thực hiện bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn) vì cho rằng đây là giá chuẩn do Bộ Y tế công bố, dẫn tới nhiều địa phương vi phạm trong việc mua bộ kít xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á, gây thiệt hại rất lớn đến tiền, tài sản của Nhà nước và các cơ sở y tế.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới