Thursday, January 23, 2025
Trang chủGóc nhìn mới Mỹ “tương kế tựu kế”

 Mỹ “tương kế tựu kế”

Ngày 29/7, ngày làm việc cuối cùng của Hạ viện trước kỳ nghỉ kéo dài hết tháng 8, trở thành ngày mở đầu chuyến công du châu Á của bà Pelosi – Chủ tịch Hạ viện Mỹ. Cùng với những vấn đề khác, bảo đảm an ninh tuyệt đối cho chuyến đi của bà Pelosi là những thông tin được dư luận chú ý.

Eo biển Đài Loan và hòn đảo cùng tên

Chú ý bởi trước chuyến công du, phía Trung Quốc, qua nhiều kênh, đã phản đối quyết liệt sự hiện diện của bà Pelosi tại Đài Loan – hòn đảo theo đuổi quan điểm độc lập và  tự trị một cách bướng bỉnh bất chấp việc Trung Nam Hải tuyên bố, đây là phần lãnh thổ thiêng liêng, phải thống nhất về đại lục.

Bắc Kinh thừa biết, Đài Bắc thách thức thế là có chỗ dựa. Chỗ dựa đó là Mỹ. Không có Mỹ ngầm ủng hộ, Đài Loan đâu dám to tiếng, cũng như thi thoảng, bà Thái Anh Văn lại lên mặt “tài nữ” ném những  tuyên bố đầy răn đe về bờ bên kia phía đại lục khẳng định quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền.

Nói Mỹ “ngầm ủng hộ” Đài Loan là bởi, cho dù lập trường của Washington về vấn đề Đài Loan là chính sách “một Trung Quốc”, không ủng hộ Đài Loan độc lập. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Nhà trắng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, phản đối đơn phương thay đổi hiện trạng; kêu gọi Trung Quốc không có thêm hành động gây bất ổn đối với vùng lãnh thổ này.

Nghe qua, tưởng Washington rõ ràng, sòng phẳng lắm. Nhưng ngẫm, mới thấy, hóa ra người Mỹ thâm  hơn nhiều những hậu duệ các ông đồ Nho Trung Hoa.

Để nắm được bản chất thật lập trường của Washington trong câu chuyện Đài Loan, Bắc Kinh như chơi trò “đuổi hình bắt chữ” với một Washington biến ảo khôn lường. Từng tưởng bở và hoan hỷ với sự thừa nhận “một Trung Quốc”, nhưng lại “phản đối đơn phương thay đổi hiện trạng”, mãi sau Bắc Kinh mới chợt ngã ngửa: hóa ra, Washington muốn duy trì vô thời hạn sự chia ly hai bờ eo biển Đài Loan? Thậm chí, gần đây, Bắc Kinh càng nổi xung khi ông Biden còn khiến bà Thái Anh Văn được nước, với tuyên bố: “Washington sẽ can thiệp quân sự nếu Bắc Kinh tấn công Đài Loan”.

Trở lại chuyến công du của bà Pelosi, “võ mồm” của Bắc Kinh đe dọa rằng: sự kiện này, nếu diễn ra, sẽ “làm suy yếu nghiêm trọng” chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Bắc Kinh. “Nếu Mỹ thách thức lằn ranh đỏ của Trung Quốc, họ sẽ phải chịu toàn bộ hậu quả mà hành động này gây ra” – như lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong họp báo ngày 27/7 cũng bị Washington biến thành cơ hội.  

Nhiều nguồn tin, trước ngày bà Pelosi lên chuyên cơ thực hiện chuyến công cán, đã cho biết: quân đội Mỹ sẽ tăng cường hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các chiến đấu cơ, tàu chiến, thiết bị giám sát cùng hệ thống quân sự khác có thể được sử dụng để cung cấp nhiều lớp bảo vệ cho máy bay chở bà Pelosi. Tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã chứng thực cho các nguồn tin không chính thức nêu trên, khi nói rằng: quân đội Mỹ sẽ làm tất cả những điều cần thiết để đảm bảo an toàn nếu bà Pelosi hoặc bất kỳ lãnh đạo nào yêu cầu hỗ trợ về mặt quân sự.

Thực ra, Trung Quốc, dù mạnh miệng hơn thế, cũng thừa biết, nói chỉ để mà nói. Họ hiểu, ngăn cản chuyên cơ của bà Pelosi đáp xuống Đài Loan là câu chuyện tày trời. Còn Mỹ, thậm chí còn hiểu thấu gan ruột Trung Quốc: Bắc Kinh có thể dám làm nhiều điều, nhưng bắn hạ, uy hiếp chuyên cơ của bà Pelosi trong thời điểm này, có cho vàng, cũng chẳng dám, vì đã thấy trước hậu quả tồi tệ như thế nào.

Vậy mà Mỹ vẫn hùng hổ làm cái việc gọi là “tăng cường quân sự trong khu vực” quá mức cần thiết vào nơi bà Pelosi có chuyến thăm?

 Phòng các tình huống xấu? Không loại trừ điều đó. Nhưng cái chính là  Mỹ muốn biến việc Trung Quốc đe dọa thành cớ để phô trương sức mạnh, đồng thời cũng là để quân đội Mỹ thuần thục hơn trong hiệp đồng tác chiến tại một thao trường biển mà theo dự đoán, sẽ là nơi diễn ra cuộc cạnh tranh khốc liệt sức mạnh, ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc trong tương lai không xa.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới