Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTàu Sansha Zhi Fa 101 đe dọa ai?

Tàu Sansha Zhi Fa 101 đe dọa ai?


Trên Biển Đông Mỹ và đồng minh tiếp tục tăng cường các hoạt động bảo đảm “tự do hàng hải”. Tàu chiến hiện đại của Mỹ liên tục đi vào các khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Để đối trọng với Washington, mới đây Trung Quốc đã bất ngờ cho xuất xưởng một con tàu làm nhiệm vụ “thực thi pháp luật” trong khu vực mà nước này đã vẽ ra “Đường lưỡi bò” phi pháp .

Truyền thông phương Tây cho rằng, việc Trung Quốc tung ra Biển Đông con tàu lạ lùng này là động thái khiêu khích trắng trợn. Chẳng là, theo tờ South China Morning Post hôm 29/7, Trung Quốc đã bàn giao cho chính quyền thành phố Tam Sa một con tàu để “thực thi pháp luật”. Động thái này xuất hiện vào lúc Bắc Kinh gia tăng hiện diện quân sự trái phép ở Biển Đông.

Nguồn tin của tờ báo cho hay, Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Wuchang công bố, đã bàn giao con tàu có tên Sansha Zhi Fa 101 trước đó một ngày (28/7). Trước khi con tàu này “ra trận”, quân đội Trung Quốc đã có những hoạt động mang tính dọn đường. Cụ thể, đồn trú trái phép một phi đội bay, một số lượng nhân viên cứu hộ và điều hành hàng hải trên các đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Wuchang thông báo chi tiết: tàu Sansha Zhi Fa 101 được trang bị các thiết bị thực thi pháp luật chuyên dụng và một bãi đáp trực thăng. Tàu có “sứ mệnh vẻ vang” là tuần tra và giám sát vùng biển mà Trung Quốc khẳng định nằm dưới quyền tài phán thành phố Tam Sa (do Bắc Kinh tuyên bố trái phép trên Biển Đông). Việc biên chế con tàu có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ quyền hàng hải và các lợi ích của Trung Quốc, đặc biệt là chủ quyền (!).

Cái gọi là thành phố “Tam Sa” được Trung Quốc công bố cách đây 10 năm để tự cho mình có quyền quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Vào năm 2020, mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) trắng trợn đưa tin: theo phê chuẩn của Chính phủ Trung Quốc, “thành phố Tam Sa” sẽ thành lập hai quận để quản lý hai quần đảo này.

Theo CGTN, quận Tây Sa quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trung Sa cùng các vùng biển chung quanh, chính quyền huyện đặt ở đảo Phú Lâm. Còn quận Nam Sa quản lý quần đảo Trường Sa cùng vùng biển chung quanh và chính quyền đặt ở đá Chữ Thập.

Chữ Thập là một trong bảy thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp.

Mới đây, tại cuộc hội thảo của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược có trụ sở tại Washington (Mỹ), Phó trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Pak đã nhắc đến các sự việc đáng tiếc diễn ra trong mấy tháng qua. Đáng chú ý là, Trung Quốc đã ngăn cản, thách thức hoạt động thăm dò năng lượng và nghiên cứu hàng hải trong vùng biển mà Philippines tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực là trái pháp luật, dẫn đến bất ổn, làm tổn hại kinh tế của các quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền khác. Điều nguy hiểm hơn là nó làm xói mòn trật tự hàng hải, đe dọa quyền và lợi ích của tất cả các quốc gia phụ thuộc hoặc vận hành trên tuyến đường thuỷ quan trọng này.

Cũng tại hội thảo của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, ông Ely Ratner, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chỉ trích: “Trung Quốc đã có hàng tá hành vi hung hăng và vô trách nhiệm” trong nửa đầu năm 2022 ở Biển Đông, số lượng tăng mạnh trong 5 năm qua. Đây là một trong những mối đe dọa đáng kể nhất đối với hòa bình và ổn định trong khu vực. Nếu Bắc Kinh tiếp tục các hành vi này thì sẽ chịu hậu quả nặng nề không thể cứu vãn.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản pháo, cho rằng, bình luận nêu trên của Washington “ăn nói hồ đồ, đảo ngược trắng đen”.

Về lập luận, cả hai bên Trung Quốc và Mỹ không đưa ra được những vấn đề mới. Song trước những hành động khiêu khích thì bên nào cũng phải tỏ rõ thái độ, bởi im lặng tức là chấp nhận. Thế cho nên việc Trung Quốc cho ra đời hẳn một con tàu “thực thi pháp luật” trên Biển Đông chẳng khác gì một cú phản đòn bất ngờ đối với chiến lược tự do hàng hải của Mỹ.

Có nhà phân tích cho rằng, con tàu Sansha Zhi Fa 101 nhằm đe dọa ai? Bởi nó chẳng có gì hiện đại so với tàu Liêu Ninh của nước này. Có điều tàu được trang bị các thiết bị thực thi pháp luật chuyên dụng, chả hiểu là những thứ quái quỷ gì (?). Và điều quan trọng hơn, nó được “đóng dấu” là công cụ để sẵn sàng “chiến đấu” ở khu vực tranh chấp. Và để đối phó với hành động này, có thể lắm chứ, sẽ xuất hiện một con tàu khác của Mỹ. Trước mắt, nếu xuất hiện con tàu nào đó cũng chỉ như là “bù nhìn giữ dưa” mà thôi.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới