Tuesday, December 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChiến lược an ninh của Nhật và bối cảnh khu vực

Chiến lược an ninh của Nhật và bối cảnh khu vực

Vụ ám sát bất ngờ cựu thủ tướng Nhật Shinzo Abe (8/7/2022) không chỉ gây sốc mà còn đe dọa làm suy giảm ổn định chính trị của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và di sản của ông Abe. Trong khi cần xem xét các ý nghĩa tiềm ẩn của sự kiện đó đối với chính trị của Nhật và an ninh của khu vực, cuộc chiến tranh tại Ukraine là một nhân tố làm thay đổi cuộc chơi, thúc đẩy Nhật phải điều chỉnh chiến lược để có vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực và trật tự thế giới.

Chiến lược an ninh mới của nhật

Với tầm nhìn mới về một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, bức tranh địa chính trị khu vực đã thay đổi. Điều đó được thúc đẩy bởi cuộc chiến tại Ukraine và bị tác động bởi cái chết bất ngờ của ông Abe. Theo Thomas Wilkins (ASPI), một báo cáo mới về “chiến lược an ninh của Nhật” và điều chỉnh tư duy chiến lược của Tokyo đã được công bố.

Cái chết của Shinzo Abe còn làm dư luận chú ý tới sự đóng góp to lớn của ông nhằm vạch ra con đường mới cho Nhật, trong suốt nhiệm kỳ thủ tướng của mình. Đầu năm 2013, ông Abe đã đọc diễn văn tại CSIS ở Washington DC, tuyên bố “Nước Nhật quay lại”. Trong nhiệm kỳ hai gần 8 năm, ông đã cố gắng điều chỉnh chiến lược an ninh của Nhật, và tích cực xây dựng vai trò lớn hơn cho Nhật như một đối tác chủ chốt về an ninh khu vực.

Ngày nay, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã được biết đến với sự trỗi dậy đầy nguy hiểm của Trung Quốc tại Biển Hoa Đông và Biển Đông. Sự nguy hiểm đó đã gia tăng bởi hợp tác Trung-Nga, với sự tranh chấp quyết liệt các công nghệ mới nổi như thiết bị mạng, điện từ, và siêu vượt âm, được ứng dụng trong xung đột hybrid (lai) hay grey-zone (vùng xám) và hoạt động quân sự cường độ cao, trong khi chiến lược an ninh của Nhật được xác định rõ ràng.

Chiến lược an ninh mới của Nhật dựa trên ba trụ cột chính: (1) pháp quyền, (2) thịnh vượng về kinh tế, (3) hòa bình và ổn định. Đây là một sáng kiến mới để giúp Nhật đóng vai trò lãnh đạo khu vực. Vì không còn hài lòng nếu chỉ đi theo và ủng hộ một trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo, nên bản thân Nhật đã nổi lên như kiến trúc sư về trật tự khu vực. Nhằm mục đích đó, Nhật đã xúc tiến cải tổ cơ chế an ninh và cấu trúc quốc phòng của mình.

Hệ thống mới sẽ tập trung các vấn đề an ninh vào Văn phòng Thủ tướng (Kantei) và Ban Thư ký An ninh Quốc gia (NSS) do cố vấn an ninh quốc gia cầm đầu. Cấu trúc quốc phòng mới sẽ tháo gỡ hàng rào ngăn cách giữa các binh chủng, với một bộ tư lệnh thống nhất, một văn phòng tham mưu liên quân mạnh hơn, và một quy trình mua sắm thông thoáng hơn. Để cải tổ cấu trúc quốc phòng đó, Nhật cần tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP.

Một nhân tố chủ yếu khác để thay đổi là mong muốn tái cấu trúc Lực lượng Phòng vệ (JSDF) trở thành Lực lượng Quốc phòng “đa năng” với năng lực mới trong các lĩnh vực như mạng, không gian và điện từ, để đảm bảo có thể đáp ứng các thách thức mới trong thế kỷ 21, trong đó, Nhật Bản nhất thiết phải có lực lượng không quân ưu việt và năng lực phòng thủ với tên lửa tầm xa siêu vượt âm để ngăn chặn tên lửa đạn đạo của đối phương.

Nhân tố thay đổi cuộc chơi

Bình luận về chiến lược an ninh mới của Nhật, đại sứ Nhật tại Úc Shingo Yamagami nói “Thái độ trong nước gần đây đã thay đổi nhiều”. Cuộc chiến tại Ukraine là nhân tố làm thay đổi cuộc chơi. Các nhà ngoại giao và nghiên cứu đều nhất trí rằng Trung Quốc và Nga là động lực chính thúc đẩy Nhật có tư duy chiến lược mới.

Đã có một bước tiến dài kể từ thời hậu chiến vì di sản của những năm tháng chiến tranh vẫn còn ám ảnh sâu sắc tâm thức của người Nhật cũng như các nước láng giềng. Trong chiến tranh, 3,1 triệu người Nhật được cho là đã chết, trong khi Việt Nam có 2 triệu người chết đói. Chính vì vậy mà nhiều người Nhật có xu hướng lo ngại gần như cố hữu, không muốn thay đổi hiến pháp và tham gia các hoạt động gắn với lập trường quốc phòng tích cực.

Mãi tới năm 1990, lần đầu tiên sau chiến tranh, Nhật mới dám triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình tại Camphchia. Và tới năm 1991 Nhật mới dám triển khai một Lực lượng Phòng vệ (JSDF) tại Trung Đông, sau chiến tranh Vùng Vịnh lần đầu. Nay, chính Trung Quốc và Nga đã thúc đẩy Nhật phải điều chỉnh chiến lược với “tốc độ ánh sáng” chuyển tư duy an ninh tập thể thời trước, thành học thuyết an ninh quốc gia “hậu Ukraine”.

Theo một khảo sát dư luận của NHK (tháng 5/2022), đa số người Nhật được hỏi đã ủng hộ quyết định của Nhật viện trợ thiết bị quốc phòng không sát thương cho Ukraine, và tham gia các hoạt động quân sự tích cực ở nước ngoài như tập trận. Việc thay đổi tư duy chiến lược này còn được thể hiện trong quyết định của chính phủ Fumio Kishida để tăng ngân sách quốc phòng của Nhật, và tăng cường một cách căn bản năng lực tấn công của Nhật.

Người Nhật biết rằng họ không thể một mình đảm bảo an ninh chỉ bằng quân đội. Nhật đã đề xuất tầm nhìn đầy tham vọng về một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, trong đó các nước thành viên được hưởng an ninh và thịnh vượng. Nhật là động lực chính thúc đẩy Bộ Tứ gồm các nước Mỹ, Úc, và Ấn Độ, với tầm nhìn mới trong lĩnh vực về an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu, cứu trợ thiên tai, thế giới mạng và hạ tầng cơ sở.

Với thay đổi tư duy chiến lược của Tokyo, Nhật Bản đang đóng góp ngày càng lớn, ngày càng năng động và ngày càng tham vọng, nhằm đảm bảo rằng một khi thay đổi thì sẽ không thể đảo ngược được. “Nhật đang cố gắng kiềm chế con quái vật với sự trợ giúp của các nước đối tác cùng chí hướng, cùng tôn trọng luật pháp, trong ngôi làng thế giới”. Nói cách khác, điều chỉnh chiến lược đó là do tầm nhìn và công sức của cố thủ tướng Abe.

Chiến lược an ninh mới của Nhật dựa trên 3 trụ cột chính là chính sách ngoại giao với tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nội lực của Nhật với hệ thống an ninh và lực lượng quốc phòng được cải tổ, các liên minh và đối tác được tăng cường. Là một cường quốc chủ yếu tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Nhật ưu tiên kiến tạo liên minh quốc phòng với Mỹ, trong khi củng cố đối tác chiến lược với các nước khu vực cùng chí hướng.

Bối cảnh khu vực thay đổi

Tuy nhiên, ở Nhật có sự khác biệt giữa tham vọng chính sách và dư luận. Tuy dư luận có sự thay đổi nhằm phản ứng trước các sự kiện đang diễn ra tại Ukraine cũng như tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, nhưng Tokyo đảm bảo rằng Nhật sẽ không hành động đơn phương theo hướng cực đoan hay khó đoán. Tokyo hiểu rằng không thể hành động một mình, dù cho ngoại giao thành công thế nào hay có thể cải thiện thực trạng quốc phòng đến đâu.

Ngoài liên minh quốc phòng với Mỹ, Nhật đã tăng cường đối tác an ninh với Úc, Ấn Độ, Anh, các nước EU và Đông Nam Á, gồm Việt Nam, Singapore, Philippines, thông qua các cơ chế như Bộ Tứ (Quad) và đối thoại chiến lược Ba Bên. Vì Úc chia sẻ với Nhật các quan tâm sâu sắc về môi trường an ninh khu vực bị suy yếu, nên đã khuyến khích Nhật sẵn sàng đảm nhận một vai trò lớn hơn để đảm bảo an ninh và ổn định khu vực qua răn đe.

Tuy quan hê Việt-Mỹ đã có một bước tiến dài kể từ sau chiến tranh, nhưng quan hệ đối tác chiến lược chính thức vẫn còn bị treo, dù “Không có gì là không thể” (lời Ted Osius) và “Bầu trời là giới hạn” (lời Daniel Kritenbrink). Trong khi đó, quan hệ của Việt Nam với Nhật, Ấn Độ và Úc (là ba nước thành viên “Bộ Tứ”) ngày càng được tăng cường. Trong khi đó Việt Nam tham gia IPEF là một đòn bẩy để thúc đẩy đối tác chiến lược Việt-Mỹ.

Tuy Việt Nam không chọn bên và không tham gia các hiệp ước quân sự vì chính sách “Ba không” (hay “Bốn không” trong có có “một tùy”) nhưng lợi ích chiến lược của Việt Nam ngày càng song trùng với lợi ích chiến lược của các đối tác trong “Bộ Tứ” và “Bộ Tam”. Bên cạnh quan hệ đối tác chiến lược “trên thực tế” (de facto) với Mỹ, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược chính thức với Nhật, Ấn Độ, Úc, Anh, Pháp, Đức và EU.

Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Lâm thời của Mỹ (2021) đã liệt kê các đối tác chính gồm các nền dân chủ, cùng với một ngoại lệ là Viêt Nam. Lý do chủ yếu là Việt Nam và Mỹ đều coi Trung Quốc là mối đe dọa, vì “kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Phil Robertson (giám đốc Châu Á của Human Rights Watch) lý giải “Việt Nam được coi là một đồng minh quan trọng và thiết yếu để Mỹ đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông”.

Chiến tranh Thế giới đã kết thúc cách đây 77 năm, nhưng bóng ma chiến tranh và chính sách “Đại Đông Á” của Nhật vẫn còn ám ảnh, không chỉ trong hiến pháp Nhật mà còn trong tâm thức người Châu Á. Nhưng thời thế đã thay đổi. Trong khi Trung Quốc vẫn tuyên truyền tội ác chiến tranh của Nhật qua phim ảnh và sách giáo khoa để cổ động tinh thần dân tộc, thì các nước Châu Á như Việt Nam nay là “đối tác chiến lược sâu rộng” của Nhật.

Nay người Úc không còn nhớ “hiểm họa da vàng” (yellow peril) khi tàu ngầm Nhật xâm nhập cảng Sydney (1942) mà chỉ lo tàu chiến Trung Quốc đe dọa Biển Đông, quần đảo Solomon, hay thậm chí là cảng Darwin. Trong tầm nhìn chiến lược Indo-Pacific, Úc là đồng minh của Nhật, Ấn Độ và Mỹ trong “Bộ Tứ”, và là đối tác của Mỹ và Anh trong Bộ Tam (AUKUS) nhằm đối phó với sự trỗi dậy đầy thách thức của Trung Quốc.

Lời cuối

Theo tin báo chí, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan không đến thăm Đà Nẵng như dự kiến, mà đang đến eo biển Đài Loan, trước tình hình căng thẳng do chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi dự định đến thăm Đài Loan vào đầu tháng tám. Kế hoạch điện đàm sắp diễn ra giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ càng thêm phức tạp. Trong bối cảnh đó, dù muốn hay không, chiến lược an ninh mới của Nhật sẽ bị thử thách.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới