Tuesday, November 19, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Cùng thắng”?

“Cùng thắng”?

“Cùng thắng” – có lẽ là hợp hơn cả trong thời điểm này khi đề cập chuyến công du Châu Á của bà Nancy Pelosi – chuyến đi tốn nhiều giấy mực của báo chí, truyền thông trong nhiều ngày qua.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Tốn nhiều giấy mực thật. Từ hồi tháng 4 đã có hàng trăm bài báo trên thế giới đề cập việc bà Nancy Pelosi – Chủ tịch Hạ viện Mỹ sẽ thăm Đài Loan. Nhiều bài còn bàn, tán loạn xạ. Là bởi, Đài Loan là vấn đề nhạy cảm bậc nhất trong quan hệ Mỹ – Trung Quốc.

Báo chí có việc, nhưng những nhà lãnh đạo Bắc Kinh thì xóc óc.

Ai chứ Bắc Kinh khó chịu về câu chuyện này thì dễ hiểu. Bà Pelosi, trong hệ thống quyền lực, theo hiến pháp Mỹ, chỉ xếp sau ông Biden và bà Kamala Harris. Trường hợp không may, tổng thống và phó tổng thống gặp vấn đề không thể điều hành đất nước, bà Pelosi sẽ thế (tạm thời) vào vị trí của ông Biden.

Thế nghĩa là, địa vị quyền lực của bà Pelosi to lắm, chứ không thể chỉ nghĩ rằng, nó như một chính khách cỡ bộ trưởng hay nghị sĩ – những người bấy lâu nay thi thoảng vẫn ghé Đài Bắc. Những nhân vật cỡ đó, tới thì cũng khó chịu, nhưng cơ bản, Bắc Kinh chẳng mấy chấp nhặt. Nhưng ngược lại, một chuyến thăm chính thức Đài Loan của bà Pelosi, Bắc Kinh coi như biểu hiện của sự vi phạm quan điểm “một Trung Quốc” mà Mỹ đã khẳng định. Đài Loan chỉ là một tỉnh, hà cớ gì Chủ tịch Hạ viện Mỹ phải đến thăm?

Tất nhiên, bà Pelosi có thể viện cớ 25 năm trước đây, thời ông Lý Đăng Huy là tổng thống Đài Loan, ông Newt Gingrich, chủ tịch Hạ viện Mỹ đã từng thăm hòn đảo này năm 1997.

Nhưng tình thế khi đó khác. Khi đó, Trung Quốc chưa vươn lên thành nền kinh tế thứ 2 thế giới như hiện nay. Thứ nữa, trước khi qua Đài Loan, ông Gingrich đã làm Trung Nam Hải mát mặt khi tới thăm Bắc Kinh để thể hiện sự trọng thị rằng: đây mới là chính quốc của Đài Loan…

Trở lại câu chuyện thăm Đài Loan của bà Pelosi ấp ủ hồi tháng Tư. Đúng vào lúc sự giận dữ của Bắc Kinh lên tới cao trào, thì bà lăn ra ốm vì bị dương tính với Covid-19.

Vậy là chuyến công du Đài Loan của nhân vật quyền lực thứ 3 của Mỹ dang dở kéo theo sự nguội dần quan tâm của dư luận, để rồi nóng hầm hập trở lại trong những ngày này trước thông tin không chính thức bà Pelosi sẽ thăm Đài Loan trong chuyến công du đã được khởi động từ ngày 29/7.

Để thấy cái sự giận dữ của Bắc Kinh, chỉ cần biết, trong điện đàm với người đồng cấp là ông Biden kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ ngày 28/7, trước lời lẽ có phần kiềm chế của ông Biden, ông Tập Cận Bình đã cảnh báo, Mỹ đừng có “đùa với lửa” nếu để xảy ra việc bà Pelosi thăm Đài Loan. Trước đó, hệ thống truyền thông, quan chức ngoại giao Trung Quốc đã thi nhau tung ra các lời đe dọa về phía Mỹ.

Đáp lại, bà Pelosi, tới phút này vẫn.. lặng.

Tuy nhiên, Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho biết “bà Nancy Pelosi sẽ thăm Đài Loan ngày 2-8, và có kế hoạch gặp một nhóm nhỏ các nhà hoạt động nhân quyền tại hòn đảo”. Nghĩa là, “tiện đường và có chút việc nhỏ thôi”.

Động thái như muốn “bình thường hóa” chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi từ tuyên bố của ông John Kirby, phát ngôn viên an ninh quốc gia Nhà Trắng: “Chủ tịch Hạ viện có quyền thăm Đài Loan, và một chủ tịch Hạ viện Mỹ trước đây từng thăm Đài Loan mà không xảy ra sự cố nào, cũng như nhiều thành viên khác của Quốc hội, bao gồm các chuyến thăm của họ trong năm nay” dường như khẳng định nguồn tin của Reuters là đúng.

Và nếu thế, bà Pelosi sẽ đáp xuống Đài Loan vào đêm nay, 2/8, coi như một chuyến thăm không chính thức.

Rõ một điều, nếu Bắc Kinh không phản ứng dữ dội thì hẳn bà Pelosi và bầu đoàn đã hoặc sẽ rầm rộ kéo tới Đài Loan trong chương trình công du Châu Á.

Tuy nhiên, cũng rõ một điều, với việc vẫn tới Đài Loan, bà Pelosi dường như muốn thể hiện rằng, sự lồng lộn và những lời đe dọa của Bắc Kinh chẳng hề khiến bà nao núng. Chỉ có điều, vì thiện chí cao cả, nghĩ tới trách nhiệm với quan hệ hai cường quốc, mà bà chấp nhận làm mờ đi chút ít ý nghĩa của chuyến thăm.

Nên Trung Quốc, nếu biết điều, đừng nghĩ là bà Pelosi “sợ” và nhè vào đó mà sỉ nhục để làm mất thể diện của nước Mỹ.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới