Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐiểm mặt một số ứng viên Bộ Chính trị khóa tới của...

Điểm mặt một số ứng viên Bộ Chính trị khóa tới của TQ

Các quan chức đã tham gia cùng nhà lãnh đạo hàng đầu trong các chuyến công du gần đây nhiều khả năng sẽ được thăng chức.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã có hai chuyến công du nội địa đường dài, đến Hong Kong và Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương; cả hai lần đều phải trải qua những chuyến bay kéo dài 4 giờ.

Các chuyến công du diễn ra vào một thời điểm nhạy cảm về mặt chính trị, nhưng cả hai đều có lý do chính đáng.

Chúng nhằm mục đích thể hiện khả năng của Tập trong việc duy trì sự ổn định của chính phủ ở các khu vực nhiều rắc rối này. Hong Kong đã rung chuyển trong làn sóng biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2019 và 2020, với đỉnh điểm là sự ra đời của luật an ninh quốc gia gây tranh cãi.

Tại Tân Cương, cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số chủ yếu theo Hồi giáo khác đã bị quốc tế lên án.

Diễn biến ở Hong Kong và Tân Cương là khó có thể chấp nhận theo các tiêu chuẩn toàn cầu, nhưng đó không phải là điều nhà lãnh đạo Trung Quốc phải cân nhắc. Mục tiêu mà ông hướng tới là những người tham dự mật nghị Bắc Đới Hà, sẽ diễn ra trong những ngày tới.

Mật nghị được tổ chức hàng năm tại khu nghỉ mát bên bờ biển cùng tên ở tỉnh Hà Bắc. Đây là nơi các nhà lãnh đạo đương nhiệm của Trung Quốc và những cán bộ lão thành đã nghỉ hưu thảo luận một cách không chính thức về các vấn đề quan trọng –chẳng hạn như thành phần của đội ngũ lãnh đạo tiếp theo.

Bắc Đới Hà năm nay đặc biệt nhạy cảm, bởi vì nó diễn ra ngay trước đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc mùa thu này – thời điểm Tập sẽ tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.

Việc Tập chỉ có thể dùng Hong Kong và Tân Cương như những ví dụ về “thành tích” của mình là điều đáng lưu tâm.

Kế hoạch ban đầu là tự hào nêu bật việc Trung Quốc ngăn chặn thành công Covid-19. Coronavirus bắt nguồn từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nhưng Trung Quốc đã có thể kiểm soát các đợt bùng phát dịch sớm hơn so với các quốc gia khác. Đó là nhờ vào chính sách zero-Covid khắc nghiệt của Tập, yêu cầu xét nghiệm trên diện rộng và phong tỏa nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, kế hoạch đó đã bị lung lay sau khi siêu đô thị Thượng Hải bị buộc phải đóng cửa suốt một thời gian dài, bất chấp sự tức giận của người dân địa phương và các doanh nghiệp. Cuộc chiến chống lại virus đã không còn là điều mà ai nấy đều cho là một thành tựu.

Tập cũng chẳng có gì nhiều điều để khoe khoang về các chính sách kinh tế của mình.

Nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua một đợt suy thoái mạnh do chính sách zero-Covid. Nhưng ngay cả trước khi Thượng Hải bị đóng cửa, nền kinh tế đã dần suy yếu sau khi chính quyền Tập Cận Bình đàn áp các ngành công nghệ, giáo dục, và bất động sản.

Ngay cả các trợ lý thân cận của Tập cũng không còn có thể thốt ra khẩu hiệu “thịnh vượng chung” của ông.

Đây là lý do tại sao ông phải nhấn mạnh vào “sự ổn định” của Hong Kong và Tân Cương.

Cùng lúc đó, đội hình các phụ tá thân cận tháp tùng Tập trong hai chuyến công du cũng thu hút sự chú ý của các nhà quan sát Trung Quốc.

Nói ngắn gọn thì, những người được chọn vào đoàn tùy tùng cùng chủ tịch nước đến Hong Kong và Tân Cương có khả năng nằm trong đội ngũ lãnh đạo mới của ông.

Một nhân vật đã xuất hiện cùng Tập trong chuyến công du Hong Kong là Ngoại trưởng Vương Nghị.

Năm năm trước, khi nhà lãnh đạo đến thăm Hong Kong lần gần nhất, tháp tùng ông là nhà ngoại giao hàng đầu Dương Khiết Trì, người vài tháng sau đó được thăng chức vào Bộ Chính trị gồm 25 thành viên của đảng.

Một số nghĩ rằng Vương sẽ đi theo con đường giống như Dương. Nhưng điểm yếu lớn nhất của ông là tuổi tác. Ở tuổi 68, Vương sinh cùng năm với Tập. Nếu chủ tịch nước tuân thủ chặt chẽ độ tuổi nghỉ hưu không chính thức của đảng là 68, thì không chắc Vương sẽ được thăng chức.

Những người tháp tùng Tập trong chuyến thăm Hong Kong năm 2017 cũng đã giành được lợi thế về mặt chính trị. Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), khi đó là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, và Vương Hỗ Ninh (Wang Huning), Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương, đã được thăng cấp vào nhóm bảy nhân vật cấp cao nhất của Trung Quốc, trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.

Từ quan điểm này, Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang), 59 tuổi, hiện là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, người tháp tùng Tập đến Hong Kong và Tân Cương trong chuyến đi lần này, có thể sẽ được đề bạt vào Ủy ban Thường vụ.

Một nhân vật khác cũng rất đáng chú ý trong hai chuyến đi là Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong), 65 tuổi, người vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Công an, điều hành các lực lượng cảnh sát, vào ngày 24/06. Là người đã quen biết Tập hơn 30 năm, tính từ thời gian họ làm việc cùng nhau ở tỉnh Phúc Kiến, Vương Tiểu Hồng là một trong những phụ tá thân cận nhất của Tập.

Phan Nhạc (Pan Yue), 62 tuổi, cũng đã tháp tùng Tập trong chuyến đi gần đây tới Tân Cương. Phan được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Quốc gia, một chức vụ cấp bộ chuyên trách các chính sách đối với người dân tộc thiểu số. Trong nhiều năm, người đứng đầu ủy ban này là người dân tộc thiểu số, nhưng truyền thống đó đã bị thay đổi bởi người tiền nhiệm của Phan (Trần Tiểu Giang) vào năm 2020. Đến lượt mình, Phan Nhạc cũng là người Hán, giống như 92% dân số Trung Quốc.

Ở đất nước Trung Quốc của Tập, trọng tâm nằm ở sự thống nhất của “dân tộc Trung Hoa” – chứ không phải là đa dạng văn hóa dân tộc – và việc bổ nhiệm Phan đã phản ánh điều này.

Hà Lập Phong (He Lifeng), 67 tuổi, cũng là một cộng sự từ những ngày Tập còn làm việc ở Phúc Kiến. Ông hiện là Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia và được coi là ứng viên cho một ghế ở Bộ Chính trị.

Dù không tháp tùng Tập trong cả hai chuyến đi, Hà đã có bài phát biểu tại Bắc Kinh trước khi diễn ra chuyến thăm Tân Cương. Trong đó, ông ca ngợi nhà lãnh đạo, mô tả ông là một chính khách, nhà tư tưởng, và chiến lược gia theo chủ nghĩa Mác-xít với hiểu biết sâu rộng và khả năng phán đoán sắc sảo.

Chuyến thăm của Tập tới Hong Kong được sắp xếp đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm ngày lãnh thổ này trở lại quyền cai trị của Trung Quốc.

Dù ngoài miệng, ông bày tỏ niềm tin vào sự ổn định của Hong Kong sau khi luật an ninh quốc gia chính thức có hiệu lực, cách hành xử Tập lại phản ánh sự ngờ vực dai dẳng đối với người dân Hong Kong.

Tập đến Hong Kong vào ngày 30/6 nhưng không ở lại qua đêm. Thay vào đó, ông nhanh chóng trở về Thâm Quyến, thành phố liền kề gần đó, rồi tiếp tục quay trở lại Hong Kong vào sáng hôm sau để tham dự lễ kỷ niệm.

Một lời giải thích là Tập sợ bị nhiễm coronavirus ở Hong Kong. Tuy nhiên, điều mà các phụ tá lo sợ nhất là khả năng một biểu ngữ mang khẩu hiệu ủng hộ dân chủ được trưng bày gần khách sạn của ông.

Nếu Tập ở lại Hong Kong và nỗi sợ hãi này trở thành hiện thực, đó sẽ là điều khiến lãnh tụ phải mất mặt. Còn ở Thâm Quyến, không có rủi ro nào như vậy.

Mã Hưng Thụy (Ma Xingrui), 62 tuổi, một trong những phụ tá thân tín của Tập, đã trở thành Bí thư Tân Cương vào cuối năm ngoái, sau khi giữ chức Bí thư Thành ủy Thâm Quyến và Tỉnh trưởng Quảng Đông, nơi Thâm Quyến là thành phố trực thuộc.

Mã đã ở bên cạnh Tập trong suốt chuyến công du khu tự trị của nhà lãnh đạo này.

Khác với vị tiền nhiệm Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), người đã cai trị Tân Cương bằng nắm đấm sắt và bị các chính phủ phương Tây trừng phạt, Mã Hưng Thụy đang mang lại một luồng gió mới.

Nhờ kinh nghiệm làm việc tại Thâm Quyến, Mã rất thông thạo các chính sách liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin. Việc bổ nhiệm ông vào vị trí lãnh đạo Tân Cương có lẽ là dựa trên hy vọng rằng ông có thể phục hồi nền kinh tế của khu vực. Và nhiều khả năng ông sẽ trở thành Ủy viên Bộ Chính trị.

Đã hai năm trôi qua kể từ khi luật an ninh quốc gia Hong Kong có hiệu lực.

“Thế giới tự do đã bị thu hẹp, lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc,” Lin Quanzhong, một học giả về chính trị quốc tế và từng là nhà nghiên cứu tại Academia Sinica, viện nghiên cứu hàng đầu Đài Loan, nhận định.

Lin cho biết quyền tự do ở Hong Kong đã giảm xuống còn 30% so với năm 1997, thời điểm chuyển giao thành phố.

Nhưng Tập coi “sự thu hẹp của thế giới tự do” này là sự mở rộng các giá trị của đảng và đang phô trương nó như một thành tựu.

Việc Tập ngày càng tập trung vào đối nội đã được phản ánh trong số báo ngày 16/07 của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng. Trang đầu và trang thứ hai của tờ báo phủ kín những câu chuyện về chuyến thăm Tân Cương của chủ tịch nước, bao gồm cả cuộc gặp của ông với binh sĩ Trung Quốc đóng ở đó.

Trong khi đó, tin tức về tốc độ tăng trưởng nhẹ 0,4% trong quý 2 (tháng 4 đến tháng 6) của nền kinh tế Trung Quốc chỉ được đăng trên trang 4, bất chấp việc nó đang là tin tức hàng đầu trên thế giới.

Trong lúc tin tốt được khuếch đại còn tin xấu bị ngó lơ, người ta sẽ ít cân nhắc đến yếu tố bên ngoài khi đưa ra quyết định. Những xích mích với thế giới tự do là điều không thể tránh khỏi, như thể hiện qua việc Trung Quốc không muốn chỉ trích Nga về vấn đề Ukraine.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới