Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã đến sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc lúc 22:43 tối hôm 02/08. Đây là quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ đã đến thăm Đài Loan trong 25 năm kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Newt Gingrich thăm hòn đảo vào năm 1997. Cùng lúc đó, đài CCTV của Trung Quốc đưa tin rằng máy bay chiến đấu Sukai-35 của nước này đang đi qua eo biển Đài Loan, tuy nhiên Bộ Quốc phòng Đài Loan đã phủ nhận thông tin này.
Máy bay vận tải “Boeing C-40C” chở bà Pelosi (số hiệu SPAR19) cất cánh từ Malaysia lúc 15:42 chiều theo giờ Đài Loan. Chiếc chuyên cơ đã hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn vào lúc 22:43 tối ngày 02/08.
Ông Wu Zhaoxie, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc cùng các quan chức khác đã đến sân bay Tùng Sơn để tiếp đón bà Pelosi. Đi cùng ông Wu có bà Sandra Oudkirk, Giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT).
Ngay sau khi chuyến bay của Chủ tịch Hạ viện Pelosi hạ cánh, bà đã ngay lập tức đưa ra một thông cáo báo chí thông qua văn phòng của mình, nói rằng chuyến thăm của phái đoàn quốc hội đến Đài Loan là để giữ cam kết kiên định của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ nền dân chủ phát triển mạnh mẽ của hòn đảo.
Bà Pelosi chỉ ra rằng chuyến thăm là một phần của sứ mệnh tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản, tập trung vào an ninh chung, quan hệ đối tác kinh tế và quản trị dân chủ. Các cuộc thảo luận của phái đoàn với các nhà lãnh đạo Đài Loan sẽ tập trung vào việc tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với các đối tác và thúc đẩy các lợi ích chung song phương, bao gồm cả việc thúc đẩy một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, theo thông báo từ văn phòng bà Pelosi.
“Hoa Kỳ kiên quyết ủng hộ 23 triệu người dân Đài Loan, điều này quan trọng hơn bao giờ hết, khi thế giới phải đối mặt với sự lựa chọn giữa chế độ độc tài và dân chủ”, bà Pelosi nói.
Trước lời đe dọa của Trung Quốc rằng sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu bà đến thăm Đài Loan, bà Pelosi chỉ ra rằng chuyến thăm của bà chỉ là một trong nhiều phái đoàn quốc hội Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan, và nó không hề mâu thuẫn với chính sách bấy lâu nay của Hoa Kỳ về Chính sách Một Trung Quốc, được hướng dẫn bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan – Hoa Kỳ, ba Thông cáo chung Hoa Kỳ -Trung Quốc và Sáu đảm bảo.
Máy bay chiến đấu Trung Quốc bay qua eo biển Đài Loan?
Khi chuyên cơ chở bà Pelosi tiến gần đến Đài Loan, đài CCTV đưa tin rằng máy bay chiến đấu Su-35 của Không quân Trung Quốc đang “đi ngang qua eo biển Đài Loan”, nhưng Bộ Quốc phòng Trung Hoa Dân Quốc đã đưa ra một thông cáo báo chí vào buổi tối, nêu rõ rằng “đây là thông tin sai lệch và không phải sự thật”. Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh rằng quân đội Trung Quốc có thể nắm được từng động thái của vùng biển và vùng trời xung quanh eo biển Đài Loan bằng cách sử dụng các phương pháp tình báo, giám sát và trinh sát chung.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) trả lời trong cuộc họp báo thường kỳ vào buổi chiều, nói rằng Trung Quốc thường xuyên liên lạc với Hoa Kỳ về chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới Đài Loan nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc.
Ngoài ra, Cục An toàn Hàng hải Chiết Giang cũng công bố tin tức vào buổi tối rằng, các khu vực của Biển Hoa Đông đã diễn ra cuộc tập trận bắn đạn thật từ ngày 03/08 đến ngày 05/08. Trước đó, Trung Quốc đã công bố bảy cuộc tập trận mạnh mẽ để đáp lại chuyến thăm Đài Loan theo kế hoạch của bà Pelosi.
Trang web skyscanworld cho thấy máy bay cảnh báo sớm trên không E-3G của Mỹ tiếp tục bay vòng quanh Đài Loan.
Tháp Taipei 101 Đài Bắc đã sáng đèn vào lúc 21:00 giờ tối ngày 02/08 để bày tỏ sự chào đón của họ. Các thông điệp chiếu sáng gồm: “Cảm ơn những người bạn của nền dân chủ”, “Sự ủng hộ vững chắc cho Đài Loan”, “Cùng nhau duy trì trật tự thế giới”, “Tình bạn Hoa Kỳ-Đài Loan vĩnh cửu”, v.v.
Theo hãng thông tấn trung ương, bà Pelosi dự kiến sẽ đến thăm Viện Lập pháp và gặp gỡ Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) trong chuyến công du tới Đài Loan.
Theo thông cáo báo chí gần đây của văn phòng bà Pelosi, chuyến đi châu Á sẽ tập trung vào vấn đề an ninh, quan hệ đối tác kinh tế và quản trị dân chủ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
T.P