Wednesday, November 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ, Nhật “quyết tâm” đối phó TQ

Mỹ, Nhật “quyết tâm” đối phó TQ

Trang Reuters đưa tin, Mỹ và Nhật vừa khởi động một cuộc đối thoại kinh tế cấp cao mới nhằm đối phó với Trung Quốc và giải quyết những gián đoạn cung ứng toàn cầu do xung đột Nga – Ukraine gây ra.

Các bộ trưởng hai nước Mỹ – Nhật Bản tham dự Đối thoại “2 + 2” ngày 29/7 tại Washington.

Theo đó, hôm 29/7, Bộ trưởng Thương mại Nhật Koichi Hagiuda cho hay, hai nước đồng minh lâu năm đã nhất trí thành lập một trung tâm nghiên cứu chung mới về chất bán dẫn thế hệ tiếp theo trong cuộc họp cấp bộ trưởng kinh tế “2 + 2” tại Washington. Cơ sở này nhằm tạo dựng một nguồn cung an toàn các thành phần chiến lược như chất bán dẫn, pin,… và cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất của Trung Quốc.

Hiện có nhiều lo ngại về nguy cơ xảy ra mất ổn định của nguồn cung này. Bên lề cuộc họp, hai bên cũng thảo luận về vấn đề năng lượng và an ninh lương thực toàn cầu.

Cuộc gặp trên nằm trong khuôn khổ chương trình của Ủy ban tham vấn chính sách kinh tế Mỹ-Nhật Bản – một định dạng mới cho Bộ Tứ ngoại giao với các nỗ lực làm cho nền kinh tế của hai nước thêm “cạnh tranh và dẻo dai”.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh, Trung Quốc không chỉ thực hiện các biện pháp cho vay để có được cơ sở hạ tầng ở các vị trí trọng yếu trên thế giới mà còn áp dụng các hình thức trừng phạt kinh tế nghiêm trọng lên Australia để trả đũa cho việc nước này yêu cầu điều tra về dịch bệnh. Ngoài ra, Trung Quốc còn cố gắng ép các công ty Đức có đầu tư vào Trung Quốc phải cắt đứt quan hệ với các công ty Litva nhằm trừng phạt Litva vì quan điểm của họ ủng hộ Đài Loan.

Cùng ngày, Reuters đã dẫn lời của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại phiên khai mạc: “Là nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ ba thế giới, điều quan trọng là chúng ta phải cùng nhau hành động để bảo vệ trật tự kinh tế dựa trên luật lệ, một trật tự mà tất cả các quốc gia đều có thể tham gia, cạnh tranh và thịnh vượng”.

Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Washington, các sự kiện thế giới gần đây, bao gồm đại dịch Covid-19 và chiến sự Nga – Ukraine đã cho thấy tính dễ bị tổn thương của các chuỗi cung ứng quan trọng, trong khi ngày càng nhiều quốc gia đang phải vật lộn với gánh nặng nợ nần do các hoạt động cho vay không bền vững và không minh bạch. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế cưỡng ép của Trung Quốc đã buộc một số quốc gia phải lựa chọn ảnh hưởng không tốt đến an ninh, sở hữu trí tuệ và sự độc lập kinh tế của họ.

“Các thách thức này đòi hỏi hai nước chúng ta phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong vấn đề kinh tế”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết. Vì vậy, quan chức Mỹ-Nhật rất hoan nghênh việc Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật dành 52 tỷ USD đầu tư vào sản xuất các chất bán dẫn và coi đây là đại bước ngoặt về kinh tế.

Ngoài ra, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Raimondo cũng cho rằng luật trên sẽ cho phép “tái xây dựng toàn bộ chuỗi cung ứng bán dẫn tại Mỹ” và tạo không gian cho hoạt động nghiên cứu chung tiên tiến hơn.

Thời điểm hiện tại, Mỹ và Nhật chưa trực tiếp nhắc đến khái niệm “NATO kinh tế” mà một số nghị sĩ Mỹ và đồng minh vừa đề xuất. Tuy nhiên, họ vẫn nhất trí rằng “các thực tế kinh tế của Trung Quốc” đòi hỏi họ phải có một sự phản ứng chung thật quyết liệt và mạnh mẽ.

Về phần mình, ông Hayashi Yoshimasa, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản đã mô tả cuộc xung đột ở Ukraine là một thách thức nghiêm trọng đối với trật tự quốc tế, đồng thời đề cập đến những nỗ lực “sử dụng ảnh hưởng kinh tế một cách không công bằng và độc quyền để đạt các lợi ích chiến lược cũng như sửa đổi trật tự quốc tế hiện có. Nhật Bản tuy không theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ nhưng nếu họ tham gia vào sáng kiến này thì ít nhiều cũng cũng hướng tới mục tiêu giành lấy tầm ảnh hưởng trên thế giới”.

Theo Thông cáo chung, hai bên đã nhất trí rằng với tư cách là hai nền kinh tế lớn hàng đầu, Mỹ và Nhật Bản có thể cung cấp mô hình tốt nhất về thịnh vượng, ổn định và an toàn. Hai bên bày tỏ quan ngại lớn và phản đối việc sử dụng theo hướng có hại các ảnh hưởng kinh tế, bao gồm cưỡng ép kinh tế cũng như các thực tế cho vay không công bằng và mờ ám, theo những cách thức đe dọa lợi ích chính đáng của các quốc gia có chủ quyền trên thế giới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới