Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN lần thứ 55 khai mạc tại Phnom Pênh, Campuchia bị những đám mây u ám che phủ. Tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện coi ASEAN là “cái đinh rỉ”; Ngoại trưởng Trung Quốc hủy cuộc gặp song phương với người đồng cấp Nhật Bản, sau đó ông rời khỏi tiệc chiêu đãi.
Là Chủ tịch luân phiên ASEAN, hẳn Thủ tướng Campuchia rất buồn. Ông đã trút giận vào những lời lên án những người đại diện cho lực lượng đang cầm quyền tại Miến Điện. Thế nhưng việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vốn thân cận với Phnom Pênh bỏ đi, không tham dự chiêu đãi thì ông Hun Sen hoàn toàn bất ngờ.
Lý do mà ông Vương “chuồn” thì ai cũng biết, vì đại diện các nhà ngoại giao Đông Nam Á nhìn ông với con mắt dò xét, thiếu thiện cảm. Chỉ có chuyến thăm của bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đối với Đài Loan mà khiến cho không khí eo biển Đài Loan và trong khu vực căng như dây đàn.
An ninh căng thẳng một phần lớn trách nhiệm thuộc về Bắc Kinh. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã phản ứng thái quá trước chuyến thăm này. Sau khi dọa dẫm, đe nẹt, kể cả việc bắn hạ chuyên cơ chở bà Pelosi không được, Quân đội Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận lớn chưa từng có để dằn mặt Đài Bắc. Cùng với đó là những biện pháp trừng phạt kinh tế hòn đảo này.
Để tránh những “câu hỏi khó”, ông Vương chuồn khỏi bữa tiệc với các món sơn hào hải vị của xứ Chùa Tháp, là cái chước “tam thập lục kế” của người Tầu. Ông đã không hề giải thích về sự vắng mặt. Báo chí đồng loạt đưa tin: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã vẫy tay chào báo giới khi ông bước vào căn phòng tổ chức bữa tiệc tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Quốc tế Chroy Changvar ở Phnom Penh vào tối 4/8, sau đó thì… biến mất.
Trước đó phía Trung Quốc thông báo: Hủy bỏ cuộc gặp giữa ông Vương và ngoại trưởng Nhật Bản bên lề hội nghị ở Campuchia trong ngày 4/8. Lý do, nhóm G7, trong đó có Nhật Bản, đã ra tuyên bố chỉ trích Bắc Kinh tập trận gây mất ổn định tại eo biển Đài Loan.
Vương Nghị lớn giọng: “Trung Quốc ngày nay không còn là Trung Quốc thế kỷ XIX nữa. Lịch sử không nên lặp lại và sẽ không bao giờ lặp lại”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng, tuyên bố do các Bộ trưởng ngoại giao G7 đưa ra hôm 4/8 là “vô trách nhiệm”. (G7: Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ). Riêng Nhật Bản, một thành viên của G7, không tư cách gì nói về vấn đề Đài Loan.
Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay. Phía Nhật Bản cũng rất nóng gáy. Bộ Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết, 5 tên lửa do Trung Quốc bắn hôm 4/8, trong khuôn khổ cuộc tập trận quân sự gần Đài Loan, đã rơi trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Tokyo cũng đã gửi công hàm phản đối Bắc Kinh về sự kiện này. Ông Kishi nói: “Đây là một vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Nhật Bản và sự an toàn của người dân”.
Phần về đại diện chính quyền Miến Điện, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN đã có những lời lẽ rất cứng rắn đối với tập đoàn quân sự đang cầm quyền tại đây sau hàng loạt hành động coi thường ASEAN.
Thủ tướng Hun Sen đã lên tiếng bày tỏ nỗi “thất vọng” trước vụ chính quyền quân sự Miến Điện hành quyết bốn nhà đối lập, bất chấp phản đối của ASEAN và nhiều quốc gia trên thế giới. Ông Hun Sen quả quyết rằng: “Toàn bộ các quốc gia thành viên ASEAN đều vô cùng thất vọng và lo lắng trước vụ hành quyết những nhà đối lập bất chấp những lời kêu gọi của tôi và những người khác, đề nghị Chính quyền Miến Điện xét lại bản án tử hình, vì lợi ích đối thoại chính trị, hòa bình”.
Xin nhắc lại, trước đó, hôm 25/7 vừa qua, tập đoàn quân sự Miến Điện đã thẳng tay hành quyết 4 người, trong đó có hai nhà đấu tranh vì dân chủ, với cáo buộc hỗ trợ “khủng bố” (!) Sự kiện này chẳng khác nào một cái tát vào mặt ASEAN, vì nó diễn ra đúng vào lúc ASEAN chuẩn bị Hội nghị Ngoại trưởng thường niên. Và chắc chắn Hội nghị sẽ đưa ra bàn thảo một cách đầy thiện chí các vấn đề về Miến Điện.
Nói không khí Hội nghị Ngoại trưởng mang “số đẹp” 55 bị mây đen che phủ là vì thế. Có quá nhiều sự kiện khiến các thành viên thất vọng, mệt mỏi. Nhưng đáng tiếc nhất là thái độ của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ông hủy bỏ cuộc gặp bên lề với Ngoại trưởng Nhật Bản thì còn có thể chấp nhận, nhưng rút lui không kèn không trống tại bữa tiệc ngoại giao thì mang tiếng xấu cho cả một nước lớn.
H.Đ