Sunday, January 12, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội“Cơn bão” dịch chuyển sản xuất bùng nổ, Việt Nam được gì?

“Cơn bão” dịch chuyển sản xuất bùng nổ, Việt Nam được gì?

Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung và đại dịch Covid-19 diễn ra khiến nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc buộc phải dịch chuyển sản xuất sang thị trường có độ an toàn cao hơn. Hiện tại, những căng thẳng địa chính trị trên khắp thế giới một lần nữa khiến “cơn bão” dịch chuyển càng bùng nổ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi tình hình sản xuất, lao động và công tác phòng chống dịch tại nhà máy của Samsung.

Và “Việt Nam chính là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong làn sóng chuyển dịch này”, đó là nhận định được đăng tải trong bài viết mới đây của Retail News, trang tin thị trường tài chính nổi tiếng tại khu vực châu Á.

Theo Retail News, trên thực tế, làn sóng thoái vốn khỏi thị trường Trung Quốc xuất hiện từ khoảng 5 năm trở lại đây, khi các nước Mỹ và Tây Âu cùng các nước đồng minh nhìn thấy rủi ro khi phải lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Tiến trình các doanh nghiệp di dời chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc được đẩy nhanh hơn khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung diễn ra, gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh.

Như một chất xúc tác, đại dịch Covid-19 làm cho hoạt động sản xuất của nhiều quốc gia lâm vào cảnh lao đao, khiến làn sóng rút vốn đầu tư, tháo chạy khỏi Trung Quốc càng trở nên mạnh mẽ. Chi phí nhân công tại Trung Quốc cao gấp đôi, cộng thêm bất ổn trong môi trường kinh doanh khiến một số nhà máy phải tạm ngừng hoạt động đã khiến các thương hiệu quốc tế chuyển dần đơn hàng và dây chuyền sản xuất sang Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Nomura Group, chỉ tính từ đầu năm 2018 đến tháng 7/2022, trong số 56 doanh nghiệp nước ngoài dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc, có tới 26 doanh nghiệp (chiếm 46,4%) chọn Việt Nam làm điểm đến, 11 doanh nghiệp chọn Thái Lan và 11 doanh nghiệp sang Đài Loan (Trung Quốc).

Ngay cả Xiaomi, hãng công nghệ Trung Quốc, cũng đang chuyển một phần dây chuyền tới Việt Nam. Ngày 5/7, những chiếc smartphone đầu tiên của Xiaomi bắt đầu được sản xuất tại nhà máy ở Thái Nguyên. Xiaomi cho biết những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, chi phí hậu cần, xuất nhập khẩu và vận chuyển đến các thị trường Đông Nam Á tăng lên. Việc tìm kiếm đối tác tại các quốc gia như Việt Nam hoàn toàn phù hợp với chiến lược cắt giảm phí lưu thông và nâng cao hiệu quả cung ứng.

Tương tự, “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ là Apple cũng đã nhận thấy rủi ro rất lớn của các nhà đầu tư theo chiến lược “bỏ tất cả trứng vào một rổ”. Từ đó đẩy mạnh đưa chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc giữa đại dịch Covid-19, tuyển dụng rầm rộ nhân sự cho các vị trí quản lý và kỹ thuật khác nhau tại Việt Nam. Đồng thời, Apple cũng đã lên kế hoạch sản xuất khoảng 3-4 triệu tai nghe không dây AirPods tại Việt Nam trong quý III/2022, chiếm 30% tổng sản lượng AirPods của hãng cả năm.

Bên cạnh Apple, nhiều tên tuổi lớn khác trong lĩnh vực công nghệ cao là Google, Microsoft, Samsung, LG, Nintendo và Kyocera cũng đã công bố kế hoạch chuyển một phần năng lực sản xuất hoặc lắp ráp sang Việt Nam. Lĩnh vực hàng tiêu dùng cũng gọi tên Nike, Adidas hay LEGO,… những ông lớn đã và đang mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn ổn định và có tiềm năng tăng trưởng rất tốt.

Đặc biệt riêng trong năm 2021, làn sóng dịch chuyển và mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tiếp tục tạo nên điểm sáng cho ngành bất động sản khu công nghiệp. Các dữ liệu thống kê cho thấy, trong năm 2021, có đến 15 doanh nghiệp Nhật Bản quy mô vừa và nhỏ đến doanh nghiệp quy mô lớn di dời đến hoặc mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố và điều kiện để đón nhận làn sóng đầu tư mới, qua đó tạo nên cú hích lớn cho sự phát triển lâu dài. Bởi vậy, Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi làn sóng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc diễn ra.

Trước hết, các nhà đầu tư đánh giá nền kinh tế vĩ mô Việt Nam khá ổn và chất lượng môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động ở Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn hơn rất nhiều so với các nước ASEAN khác. Đặc biệt, một trong những lý do khiến Việt Nam thu hút các “ông lớn” là chi phí lao động thấp hơn so với Trung Quốc. Lương trung bình của một công nhân trong nhà máy lắp ráp Trung Quốc khoảng 7.000 nhân dân tệ (24 triệu đồng) trong khi ở các nhà máy Việt Nam là 2.500-3.000 nhân dân tệ (8,7-10,5 triệu đồng).

Ngoài ra, một thế mạnh khác giúp Việt Nam có thể đón làn sóng thoái vốn là vị trí địa lý “đắc địa”, gần Trung Quốc, có bờ biển dài cùng 3 cụm cảng lớn được thiết kế với công suất lớn là những cửa ngõ ra thế giới, thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu. Việc Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư công vào các giao thông đang tạo một nền tảng rất lớn cho lưu thông kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh sắp tới cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Retail News nhận định, Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thị trường logistics và cơ sở hạ tầng. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 5,8% GDP của Việt Nam được chi cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, một mức chi đầu tư cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Trong thời gian qua, Việt Nam tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm hệ thống đường cao tốc, các cảng biển nước sâu, nâng cao chất lượng hệ thống điện nước, bao gồm cả hệ thống tái tạo năng lượng để có thể chuyển dịch lên một nấc thang mới trong chu kỳ phát triển khu công nghiệp.

Hơn nữa, Việt Nam nhiều năm nay đã tham gia đàm phán thành công và ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do. Đặc biệt là các hiệp định thế hệ mới với các nước và khu vực, tạo điều kiện rất lớn cho các doanh nghiệp thành lập ở Việt Nam có hoạt động giao thương quốc tế. Trong tổng số 16 FTA thì có 12 FTA đã có hiệu lực. Lợi thế của Việt Nam là cho phép các nhà sản xuất dễ dàng tiếp cận với các thành viên trong khối thương mại tự do Đông Nam Á và những ưu đãi trong các hiệp định khắp châu Á, EU và Mỹ.

Nhìn chung trong thời gian tới, xu hướng các doanh nghiệp nước ngoài chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam sẽ tiếp tục phổ biến hơn. Việt Nam giống như một “ngôi sao đang lên” của các chuỗi sản xuất cung ứng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mặc dù tình hình chính trị và diễn biến đại dịch Covid-19 trên toàn cầu còn nhiều biến động, nhưng thu hút FDI vào Việt Nam vẫn tăng, chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì lòng tin với Việt Nam trong thời gian lâu dài.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới